Thú vị tên đất, tên làng ở Kon Tum
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có câu thơ mang tính tổng luận lịch sử dòng “lưu dân” Việt trong quá trình dựng nước: “Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ Họ gánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân”.
Thật vậy, dòng “lưu dân” Việt chuyển dịch ngược xuôi khắp các vùng miền sinh cơ lập nghiệp; đi dần từ Bắc vào Nam, từ xuôi lên ngược. Dẫu đi đến bất cứ nơi đâu thì cũng đều không quên cội nguồn quê hương bản quán. Do vậy, họ đặt tên nơi ở mới đều ít nhiều có yếu tố gợi nhớ quê xưa.
Ở Kon Tum cũng vậy. Từ giữa thế kỷ XIX người từ các nơi lên đây, giữa núi rừng hoang vắng liền gửi gắm ước mong một ngày mai tươi đẹp nơi xứ lạ quê người qua các tên gọi: Tân Hương để chỉ quê hương mới, Tân Phú là mong sự sung túc mới, Tân Điền chỉ miền ruộng đất mới, Tân Cảnh chỉ về cảnh sắc… Cụ thể và “nôm na” hơn thì gọi thẳng là xóm Huế (của người gốc Huế), xóm Bắc (của người gốc Bắc), …
Sau năm 1975, bà con các nơi tìm về Kon Tum sinh cơ lập nghiệp ngày càng đông, được tổ chức chu đáo, mọi người không còn tâm lý hoang mang như lớp cư dân thuở trước, nên họ nghĩ đến chuyện đặt tên quê mới của mình như một cách hoài niệm cố hương! Chưa có thống kê nào về câu chuyện lý thú này nên người viết chỉ xin ghi lại một số tên thôn (làng) đã được biết.
|
Ở thành phố Kon Tum và các huyện đều có những địa danh được đặt theo cách “gán ghép” để lưu giữ “hơi hướm” cố hương. Ví dụ ở xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum có thôn Đăk Hưng. “Đăk” là từ Đăk Blà và “Hưng” và “Hà” là vì người từ huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) vào sinh cơ lập nghiệp. Ở huyện Đăk Glei có thôn Long Yên là ghép từ “Long” của xã Đăk Long với “Yên” là tỉnh Hưng Yên. Ở huyện Sa Thầy có xã Sa Bình là vì người đến đây từ huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi); xã Sa Nghĩa là do người Quảng Ngãi (Nghĩa) chiếm số đông; xã Sa Nhơn vì cơ bản là người từ huyện An Nhơn (tỉnh Bình Định) đến.
Ở huyện Đăk Hà có thôn Đăk Bình là do người từ Thái Bình vào định cư Đăk Hà; thôn Thanh Xuân hàm nghĩa người Thanh Hóa vào ở gần đập thủy lợi Mùa Xuân.
Rõ nhất có lẽ ở huyện Ngọc Hồi. Ở đây có các thôn Ngọc Tiền, Ngọc Hải, Ngọc Thư là lắp ghép từ “Ngọc” của Ngọc Hồi với “Tiền”, “Hải”, “Thư” là tên huyện Tiền Hải, Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) vì các thôn này tập trung bà con Thái Bình vào lập nghiệp nhiều nhất. Thôn Ngọc Yên thì do bà con tỉnh Hưng Yên vào sinh sống. Cũng như thế, Quảng Nông là thôn của người Quảng Nam vào tụ cư ở xã Đăk Nông.
Riêng đồng bào Mường từ tỉnh Hòa Bình vào đây đã sinh sống tập trung tại một số thôn: Thôn Bắc Phong ở xã Pờ Y được ghép từ tên xã Tiền Phong và tên huyện Đà Bắc. Ở xã Đăk Xú có thôn Thung Nai là nguyên tên từ cố hương thuộc huyện Cao Phong. Ở xã Sa Loong có thôn Hào Lý và thôn Cao Sơn là nguyên tên hai xã Hào Lý và Cao Sơn thuộc huyện Đà Bắc. Ở xã Đăk Kan có thôn Hào Nưa là ghép tên xã Hào Lý và Vầy Nưa thuộc huyện Đà Bắc, thôn Hào Phú là từ Hào Lý và Sơn Phú, thuộc xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc. Thôn Hòa Bình thì là lấy luôn tên tỉnh Hòa Bình mà đặt cho thôn.
Cá biệt có một số ít địa danh không mang ý nghĩa ghép tên quê cũ mà chỉ gửi gắm niềm mong ước, như thôn Đăk No của bà con dân tộc Tày từ Cao Bằng vào ở xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô. “Đăk” là một từ tố bản địa quen thuộc, còn “No” theo cách lý giải của bà con là hàm nghĩa cầu mong cuộc sống được “ấm no, đủ đầy”! Hoặc thôn Đăk Xuân cũng bà con dân tộc Tày Cao Bằng vào định cư tại xã Đăk Ngọc, huyện Đăk Hà, với ý nghĩa ước mong cuộc sống nơi quê mới luôn khởi sắc như mùa xuân.
Chưa kể, ở tỉnh Kon Tum có ít nhất đến 3 địa danh đều mang tên Đăk Hà! Một thôn Đăk Hà đã nói ở phần trên; một xã Đăk Hà thuộc huyện Tu Mơ Rông; một thị trấn Đăk Hà thuộc huyện Đăk Hà. Riêng tên huyện Đăk Hà thì được ghép từ tên hai xã Đăk Ui và Hà Mòn mà thành. Hà Mòn là biến âm, là Việt hóa từ “Ha-moong” hoặc “Hơ-moong”! Ngày nay phần xã thuộc huyện Đăk Hà (ở phía tả ngạn sông Pô Kô) thì là Hà Mòn, mà phần xã thuộc huyện Sa Thấy (ở phía hữu ngạn sông Pô Kô) lại là Hơ Moong! Nghĩa là dòng Pô Kô chia ra xã ở bờ bên này và xã ở bờ bên kia.
Chỉ qua vài ví dụ trên cũng đủ thấy cả một sự… “rắc rối” phong phú! Tuy nhiên, chính sự “rắc rối” ấy đã tạo nên một khối đại đoàn kết giữa 3 vùng Bắc - Trung - Nam, giữa đôi miền xuôi - ngược đầy ấn tượng và thú vị!
Tạ Văn Sỹ