Không để hộ gia đình nào phải sống trong nhà tạm, nhà dột nát
“Bảo đảm đến ngày 30/6/2025 trên địa bàn tỉnh không còn hộ gia đình nào phải sống trong những ngôi nhà tạm, nhà dột nát” là yêu cầu của Thường trực Tỉnh ủy về triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Theo Quyết định số 56/QĐ-UBND ngày 23/1/2025 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh còn 2.752 hộ cần được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó nhu cầu xây mới 2.186 căn; sửa chữa 566 căn.
Xuất phát từ thực tế, tỉnh ta đặt ra mục tiêu đến hết tháng 6/2025 hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong toàn tỉnh. Để thực hiện mục tiêu lớn này, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, doanh nghiệp và toàn xã hội đã vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm.
Nhiều giải pháp trọng tâm, mang tính đột phá mạnh mẽ trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ kết quả” được triển khai. Quá trình hỗ trợ nhà ở đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, không trùng lặp với các hoạt động hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.
|
Người dân tích cực tham gia với tinh thần “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”, tạo nên sự lan tỏa sâu rộng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Đa số đối tượng được hỗ trợ cũng hiểu rất rõ rằng, Nhà nước hỗ trợ một phần, còn lại là gia đình, dòng họ, cộng đồng giúp đỡ. Vì vậy, nhiều gia đình đã tự tìm kiếm vật liệu xây dựng; góp thêm tiền tích lũy hoặc vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tăng giá trị ngôi nhà.
Với khí thế ấy, một số địa phương đã cơ bản “về đích” chỉ tiêu xóa nhà tạm trước thời hạn, như các huyện Kon Rẫy, Đăk Hà, Sa Thầy.
Ở huyện Kon Rẫy, theo ông Nguyễn Văn Thủy- Phó Chủ tịch UBND huyện, hiện nay toàn bộ 155 nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn đã được khởi công xây mới và sửa chữa (xây mới 102 căn, sửa chữa 53 căn.
Trên thực tế, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát ở huyện Kon Rẫy ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, kinh phí hỗ trợ từ cấp trên phân bổ chậm; đời sống nhân dân khó khăn nên nguồn lực đối ứng của gia đình còn hạn hẹp, đặc biệt đối với hộ nghèo, cận nghèo. Một số trường hợp còn ỷ lại; một số hộ gia đình vướng mắc về giấy tờ đất đai.
Để khắc phục những “rào cản” trên, huyện đưa ra giải pháp cụ thể, như bám sát cơ sở để phân loại các nhóm đối tượng hỗ trợ, xác định rõ khó khăn, từ đó có biện pháp gỡ khó, hỗ trợ hiệu quả nhất- ông Nguyễn Văn Thủy cho hay.
Về kinh phí, huyện Kon Rẫy chủ động sử dụng linh hoạt 5% tiết kiệm chi thường xuyên để ưu tiên cho các hộ dân, địa phương ứng trước một phần kinh phí mua vật tư, đảm bảo triển khai thi công đồng loạt.
Về nhân công, địa phương huy động công an xã, tổ an ninh nhân dân thôn, xã đội, dân quân, đoàn thanh niên phối hợp giúp gia đình dọn mặt bằng, vận chuyển vật tư, hỗ trợ ngày công xây.
Với những kết quả đã đạt được, huyện phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát vào cuối tháng 4, trước thời hạn của tỉnh (tháng 6/2025)- ông Nguyễn Văn Thủy khẳng định.
|
Cũng gần về đích như huyện Kon Rẫy có huyện Đăk Hà (còn 9 căn nhà tạm, nhà dột nát) và huyện Sa Thầy (còn 34 căn). Các huyện có số lượng nhà tạm, nhà dột nát cần xây mới, sửa chữa khá lớn, như Đăk Glei (646 căn), Kon Plông (572 căn), Tu Mơ Rông (423 căn) cũng đang nỗ lực triển khai với quyết tâm cao. Thống kê cho thấy, đến ngày 26/3, toàn tỉnh đã xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 1.776 hộ.
Tại Thông báo số 1339-TB/TU ngày 27/3 thông báo Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn các huyện, thành phố, Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn quản lý.
Tuy nhiên, việc rà soát đối tượng để hỗ trợ của các địa phương vẫn còn sót đối tượng; tiến độ triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát còn chậm; một số địa phương còn khoán trắng cho đơn vị thi công; một số địa phương hiện nay chưa cung cấp được danh sách và hồ sơ các đối tượng được nhận hỗ trợ.
Để sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát theo đúng chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Đảng ủy UBND tỉnh, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, bảo đảm hoàn thành theo đúng Kế hoạch đề ra.
Trong đó, cần chỉ đạo làm việc cụ thể với từng hộ gia đình thuộc diện thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát (đối với những hộ hiện nay đang bắt đầu triển khai hoặc chưa triển khai) để đề nghị họ huy động thêm nguồn lực (nhân lực, vật lực từ gia đình, dòng họ) thực hiện xây mới hoặc sửa chữa, bảo đảm ngôi nhà sau khi xây mới hoặc sửa chữa có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu ở và sinh hoạt của gia đình.
Huy động cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở tham gia hỗ trợ người dân thực hiện một số khâu, công việc trong quá trình thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát, theo tinh thần nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu dùng để mua vật tư phục vụ xây mới hoặc sửa chữa nhà.
Tiếp tục rà soát những hộ gia đình hiện nay đang còn ở nhà tạm, nhà dột nát để lập danh sách, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung và tiếp tục triển khai thực hiện, bảo đảm đến ngày 30/6/2025 trên địa bàn tỉnh không còn hộ gia đình nào phải sống trong những ngôi nhà tạm, nhà dột nát- Thông báo số 1339-TB/TU nêu rõ.
Thành Hưng