Thu hút lao động “hậu Covid”
Dù không đến mức nghiêm trọng như ở các tỉnh, thành phố lớn, nhưng một số doanh nghiệp ở tỉnh ta cũng đang thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. Thực trạng trên đòi hỏi có các giải pháp thiết thực, kịp thời.
|
Sáng sớm, A Kh. (làng Kon Tu 2, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) vươn vai, bước ra khỏi nhà. Trong khi vợ chuẩn bị cơm sáng dưới bếp, A Kh. và con trai lúi húi kiểm tra lại cái máy cày tay. Hôm nay, hai bố con sẽ đi cày đất thuê ở làng bên.
Đã nhiều tháng nay, A Kh. đã quen với nếp sống mới, quen với việc ruộng, việc rẫy. Nếu là trước đây, sáng sớm thức dậy, hai vợ chồng vội vàng ăn sáng rồi tất tả chạy tới nhà máy gạch bên xã Hòa Bình để làm việc.
Đây là công việc mà vợ chồng A Kh. làm nhiều năm qua. Gần cuối năm ngoái, nhà máy gần như phải dừng hoạt động vì hàng không tiêu thụ được, rất nhiều công nhân phải nghỉ việc, trong đó có vợ chồng A Kh.
Mất việc, vợ chồng A Kh. đành trở lại với công việc ruộng rẫy. Sau đó, anh vay tiền mua máy cày tay để cày ruộng thuê cho bà con. Loáng cái đã gần một năm trôi qua, cuộc sống cũng dần ổn định.
Nên khi chủ nhà máy tìm tới mời quay trở lại làm việc, A Kh. suy nghĩ mãi, rồi quyết định khước từ. Anh không muốn thay đổi nữa, với lại cày đất thuê với làm thuê ở nhà máy gạch, với A Kh. không khác là mấy, đều đổi mồ hôi lấy đồng tiền, bát gạo.
Không mấy vui khi bước ra khỏi nhà A Kh., ông N.V.N- chủ nhà máy gạch ở thành phố Kon Tum phàn nàn: Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi khẩn trương triển khai kế hoạch phục hồi sản xuât. Việc quan trọng là tìm kiếm nhân công, nhưng thật bất ngờ là gặp không ít khó khăn.
Bây giờ tìm nhân công cho nhà máy không dễ. Tôi đã phải trực tiếp đi vào các làng, gõ cửa những nhà công nhân cũ, nhưng không có mấy người đồng ý quay trở lại. Phần vì lo ngại dịch bệnh có thể tái diễn; phần vì đã có việc mới; đa phần thì đang tập trung vào làm nông ở nhà, và đã quen với việc này- ông N. chia sẻ.
Theo ông N., thực trạng khó khăn khi thu hút lao động trở lại làm việc sau “bão Covid” đang là một vấn đề làm nhiều doanh nghiệp đau đầu, ảnh hưởng đến hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, cần được chính quyền các cấp quan tâm, có giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ.
Nhà máy gạch của ông N.V.N. có quy mô khá lớn. Trong suốt 3 đợt dịch đầu, dù gặp khó khăn chồng chất, nhưng ông vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất. Lý do là vì “đời sống hàng trăm công nhân, trong đó chủ yếu là đồng bào DTTS ở các làng xung quanh sẽ ra sao nếu không còn việc làm, không còn thu nhập”.
“Hàng không xuất được, tồn hàng chục triệu viên, trong khi giá bán đã giảm tới 1/3, thậm chí gần 1/2, nhưng tôi không được phép dừng lại. Càng khó khăn thì con người ta càng phải sống có tình”- ông N. từng bộc bạch.
Với nỗ lực ấy, gần 100 lao động của nhà máy vẫn có việc làm, nghĩa là bữa cơm, manh áo hàng ngày vẫn được đảm bảo.
Nhưng trong làm ăn, tình và lý khó có thể mãi đồng hành. Khi làn sóng Covid-19 thứ tư ập tới, nhà máy đi vào hoạt động cầm chừng vì không có đầu ra, gần như “co” lại nhỏ nhất, cố gắng tự bảo vệ mình. Mọi ý định về sản xuất kinh doanh dừng lại, thu hồi nguồn vốn, giảm chi phí, gần 2/3 công nhân phải nghỉ việc.
Nay dịch bệnh được kiểm soát, ông N. vay vốn tái đầu tư cho sản xuất. Và ông nghĩ ngay đến những công nhân cũ như A Kh. Nhưng thực tế không hề đơn giản. Bằng chứng là ông đã thất bại khi hầu hết công nhân không trở lại làm việc.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 527 doanh nghiệp đang hoạt động có đăng ký sản xuất kinh doanh với 18.018 lao động. Do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, đã có hàng nghìn lao động mất việc làm.
Sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, vắc xin phòng Covid-19 được bao phủ tối đa, hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt trở lại trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp cũng khôi phục hoạt động sản xuất, nỗ lực thu hút nhân lực, nhất là các doanh nghiệp cao su, may mặc, xây dựng dân dụng.
Nhưng theo nhiều chủ doanh nghiệp, có người hào hứng quay trở lại làm việc ngay, có người chần chừ vì lo sợ dịch bệnh, có người quyết định gắn bó với công việc mới. Điều này đã gây khó khăn và thách thức cho kế hoạch khôi phục sản xuất, tổ chức việc làm sau đại dịch.
Trước thực trạng trên, ngày 14/6, UBND tỉnh đã có văn bản số 1843/UBND-KGVX chỉ đạo về việc duy trì thu hút lao động vào làm việc và hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động.
Trong đó, yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân, lao động trên địa bàn tỉnh.
|
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chính các doanh nghiệp mới có vai trò quyết định trong việc tháo gỡ khó khăn hiện nay.
Theo đó, cần chú trọng đến các chính sách lương thưởng, phúc lợi trong công việc; giúp đỡ người lao động trong đời sống về các vấn đề ăn, ở, sinh hoạt, đi lại để họ yên tâm tham gia sản xuất. Như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân; hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ tại nhà trẻ, lớp mẫu giáo cho con em của người lao động; chú trọng đào tạo nâng cao trình độ gắn với hiệu suất, mức lương tương xứng...
Bên cạnh đó, nên linh hoạt và đặt trọng tâm vào các chính sách chăm sóc sức khỏe cho người lao động, nhất là phòng, chống dịch và ưu tiên, đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng bệnh cho người lao động.
Hồng Lam