Thích ứng và linh hoạt
Tôi vẫn nghe thấy những ý kiến bày tỏ sự hoài nghi hoặc phàn nàn về những bất cập trong việc dạy và học hiện nay. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của một nhà giáo đã về hưu là “đừng phàn nàn nữa, hãy bắt đầu năm học mới bằng niềm tin, sự thích ứng và linh hoạt”.
6 giờ sáng, cô giáo Cù Thị Mỹ Hạnh đã vội vàng rời khỏi nhà để đến trường. Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, nơi cô dạy học, cách nhà gần hai chục cây số. Không chỉ đường xa, cô còn phải đến sớm để sắp xếp bàn ghế cho lớp học, chuẩn bị đón học sinh.
Khi đến nơi, việc đầu tiên của cô Hạnh là đặt chai nước rửa tay sát khuẩn ở cửa nhà rông, cùng mấy cái khẩu trang y tế. "Để phòng có em nào quên khẩu trang thì cũng có để đeo đảm bảo yêu cầu phòng dịch. Các em còn nhỏ, ham chơi, cũng hay quên lắm"- cô Hạnh giải thích.
Gọi là lớp học cho "oách", chứ thật ra chỉ là mượn tạm nhà rông thôn 8, xã Đăk La, với 2 cái bàn nhựa và mấy cái ghế con con bày trên sàn nhà. Lớp học thật ra cũng chỉ là nhóm 6 học sinh lớp 3, ở xung quanh nhà rông của thôn.
Nhưng không sao, cô trò vẫn say sưa dạy và học. Tiếng trẻ đọc bài quanh quẩn dưới mái nhà rông, rồi lan xa trong tiết thu, nắng vàng, gió nhẹ.
|
Trong khi bạn bè cùng trang lứa ở nhiều trường vùng thuận lợi, đang chật vật học online, với bao chuyện bi hài, học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh vẫn được học trực tiếp với sự hướng dẫn của thầy, cô giáo.
Theo đó, học sinh được chia thành từng nhóm nhỏ để đáp ứng yêu cầu phòng dịch Covid-19 (không tập trung đông người), những em gần nhà nhau sẽ được tập trung lại thành nhóm, mỗi nhóm chừng 7-8 học sinh. Nhà trường sẽ liên hệ với chính quyền mượn nhà dân hay nhà rông để tổ chức dạy học.
Giáo viên cũng được chia ra phụ trách các nhóm lớp. Trong quá trình triển khai lớp học, ưu tiên hàng đầu vẫn phải là đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là đeo khẩu trang và khử khuẩn.
Được học trực tiếp nên phụ huynh và các em học sinh rất vui. Người dân nhiệt tình ủng hộ bằng việc cho mượn địa điểm tổ chức dạy học, bàn ghế, nhà vệ sinh. Nhóm nào thiếu, thì nhà trường mua thêm bàn ghế nhựa- cô Hạnh chia sẻ.
Tất nhiên, việc triển khai dạy học trực tiếp như hiện nay dẫn đến khó khăn là thiếu giáo viên đứng lớp, vì vậy nhà trường đã huy động tối đa lực lượng, các giáo viên thể chất cũng nhận lớp. Bản thân cô Hạnh là giáo viên dạy thể dục, nhưng cũng nhận phụ trách các nhóm lớp ở thôn 8.
Không chỉ riêng ở Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, mà rất nhiều trường vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã áp dụng hình thức "chia nhỏ lớp để dạy trực tiếp" để phù hợp với tình hình thực tế. Ngay ở xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, phụ huynh và học sinh cũng cơ bản đồng tình với việc nhà trường tổ chức dạy học trực tiếp theo nhóm, thay vì học online.
Từ thực tế trên cho thấy việc thích ứng và linh hoạt trong triển khai nhiệm vụ năm học mới sẽ là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục cũng như hoàn thành mục tiêu năm học 2021-2022 trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang rình rập.
Trong những ngày này, tôi vẫn nghe thấy những ý kiến bày tỏ sự hoài nghi hoặc phàn nàn về những bất cập trong việc dạy và học hiện nay. Tuy nhiên, như một nhà giáo đã về hưu chia sẻ trên mạng xã hội “đừng phàn nàn nữa, hãy bắt đầu năm học mới bằng niềm tin, sự thích ứng và linh hoạt".
Cho tới giờ, chúng ta đều biết năm học 2021-2022 đã không thể là một năm học “bình thường”. Hành động thích ứng, tùy thuộc tình hình, nhằm một mục tiêu lớn nhất: không để trẻ em nào bị bỏ lại trên hành trình nâng cao học vấn và được an toàn trong đại dịch.
Sau lễ khai giảng đặc biệt nhất từ trước đến nay (bởi qua sóng phát thanh, truyền hình và các nền tảng mạng xã hội, truyền thông số khác), hơn 164.300 học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh bước vào năm học mới với rất nhiều khó khăn.
Nhưng những khó khăn này có thể khắc phục, nếu các nhà trường chủ động, linh hoạt, nhìn nhận thực tế này một cách điềm tĩnh. Từ đó tìm ra và áp dụng những giải pháp phù hợp để cải thiện tình hình, giúp con em chúng ta vẫn có được niềm vui và kết quả học tập tốt trong năm học đặc biệt.
Yêu cầu hàng đầu là hiểu đúng về "thích ứng và linh hoạt". Nó là việc triển khai nhanh chóng và đồng bộ kế hoạch năm học trong tình hình mới; là sẵn sàng chuyển trạng thái (dạy học trực tiếp hoặc dạy học gián tiếp) tương ứng với diễn biến của dịch bệnh nói riêng và các khó khăn khách quan khác tác động đến nhà trường.
Nó cũng là việc linh hoạt kết hợp cùng lúc nhiều hình thức giáo dục, hình thức dạy học và đánh giá học sinh, trong đó có thể hình thức này bù đắp cho khó khăn, điểm yếu của hình thức kia.
Trong kế hoạch giảng dạy của từng nhà trường, cần chủ động phương án cho cả hai tình huống một cách chi tiết: Dạy trực tuyến và dạy trực tiếp. Kèm theo đó là các yêu cầu đối với giáo viên, học sinh để khắc phục khó khăn, khai thác tối đa các ưu điểm của mỗi hình thức dạy học.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng cần linh hoạt, thích ứng để đồng hành cùng các trường trong việc áp dụng các hình thức dạy học; kịp thời hướng dẫn khi các trường gặp những vướng mắc cần hỗ trợ.
Để hoàn thành nhiệm vụ năm học cần có cách thích ứng, cần nhiều hơn nỗ lực của giáo viên, sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương- vừa hướng dẫn học trò bài tập Toán, cô Cù Thị Mỹ Hạnh vừa nói.
Hồng Lam