Theo chân những người chuyên “săn lộc rừng”
Từ cuối tháng 3 đến tháng 6 âm lịch hàng năm, khi trăm hoa đua nở khắp núi rừng, cũng là lúc bắt đầu mùa lấy mật ong.
Như đã hẹn trước, đúng 7 giờ sáng chúng tôi có mặt tại làng Bar Gốc (xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy) để theo chân anh Bùi Văn B. và anh Hà Văn Phi vào rừng lấy mật ong. Đèo nhau trên xe máy di chuyển chừng 20 km, chúng tôi để xe máy ở bìa rừng cuốc bộ vượt dốc dựng đứng, bắt đầu hành trình đi tìm mật ong trong rừng sâu.
Trò chuyện với chúng tôi, anh B. cho biết mình bắt đầu nghề săn mật ong trong rừng từ những năm 1990, khi vừa mới 13-14 tuổi. Không chỉ tìm mật ong, trên đường đi “tiện tay” thấy gì chúng tôi thu hoạch nấy, nào nấm, đọt mây, phong lan, các loại dược liệu khác.
|
Sau gần 1 giờ đồng hồ đi quanh co trong rừng dưới những tán cây xanh, chúng tôi mới đến được địa điểm khai thác mật ong. Anh B. dẫn tôi đến tổ ong rừng hôm nay khai thác- chính là tổ ong do anh phát hiện cách đây hơn 1 tháng, lúc đó tổ còn bé, mật chưa nhiều.
Khi phát hiện tổ ong treo lủng lẳng trên cành cây, anh B. bảo tôi tìm chỗ trú an toàn trong lùm cây để anh “trổ tài”. Anh nhanh chóng đeo găng tay, mặc quần áo mưa phủ cả đầu, đeo kính, cầm dao phát dọn dây leo quanh gốc cây cho dễ trèo. Sau đó anh làm mấy bó đuốc bằng củi khô, quấn lá xanh bên ngoài để tạo khói và mang theo vật dụng để đựng mật ong.
Tổ ong to gần bằng mặt bàn ăn cơm, treo lơ lửng trên một cành cây cách mặt đất chừng 15 mét. Trèo gần đến nơi, anh B. đốt bó đuốc, khói bay nghi ngút khiến đàn ong bay tán loạn, để lộ ra những lớp mật vàng óng ánh. Anh B nhanh tay dùng dao tay cắt lấy phần tổ có chứa mật, bỏ vào bao đựng, động tác hết sức thuần thục, sau đó nhanh chóng tụt xuống đất.
Sau khi thực hiện xong phần việc của mình, trên đường trở ra, bằng tiếng hú của những người đi rừng chuyên nghiệp, không lâu sau đó anh Hà Văn Phi cũng xách thùng mật ong vừa thu hoạch xong đi tới.
Anh B. cho biết, hôm nay phát hiện tổ này không to lắm, do mấy hôm trước trời có mưa nên hôm nay mật không được đặc, thơm như những ngày nắng nóng. Mật ong rừng ngon hay không chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết.
|
Anh B. chia sẻ kinh nghiệm: Năm nào nhìn thấy cây ươi, cây xoay và nhiều loại cây trên rừng khác ra hoa nhiều thì năm đó được ong rừng được mùa mật. Muốn biết khu vực nào có ong rừng làm mật, những người có kinh nghiệm chỉ cần đi dọc các khe nước hướng về phía thượng nguồn, tìm đến những chỗ có thác nước hay những bãi cát rộng, thoáng. Vì ở đó ong thường đến uống nước rồi bay về hướng tổ. Muốn tìm thấy tổ ong thì nhìn theo hướng ong bay, đến những cây to có nhiều nhánh nằm ngang, ít người qua lại và tránh được những trận gió lớn.
“Nắm rõ những quy luật ấy nên khi đến mùa ong làm tổ, không ít hộ gia đình sống gần rừng lại tất bật vào rừng để tìm mật ong nhằm cải thiện đời sống. Nhiều khi chúng tôi đi khai thác mật 2 - 3 ngày mới về một lần. Có những cây to, ong làm tới 5 - 7 tổ, thế nhưng để lấy được rất vất vả và nguy hiểm, chỉ cần một chút chủ quan, thiếu cẩn thận là có thể trả giá bằng cả tính mạng”- anh B. nói.
Mỗi chuyến đi săn tìm mật ong rừng thường phải đi từ sáng sớm, và không đi một mình, mà phải 2 - 3 người khỏe mạnh, có sức bền tốt, vì phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ, vừa đi vừa tìm đường để leo trèo rất vất vả. Vật dụng đem theo, bên cạnh thức ăn, nước uống, thuốc men, phải có thêm áo mưa, bao tay, khăn len trùm mặt, bó lá cây khô, kèm vài lá xanh để đốt lửa tạo khói, khiến ong khó định vị được kẻ thù. Ngoài ra, còn có bao ni lông, xô, canh nhựa đựng mật, con dao, dây thừng.
Khi phát hiện được cây có ong làm tổ, người khai thác sẽ đốt đuốc dưới thân cây, vì ong kỵ khói nên khi đó sẽ bay ra khỏi tổ. Với cây nào quá cao, sau khi trèo lên gần tổ ong mới châm đuốc, xua ong bay đi, để lộ sáp và mật ong vàng ươm. Lúc bấy giờ, mới bắt đầu dùng dao cắt phần tổ chứa ong non, để lại phần bọng mật và phấn hoa. Sau đó dùng túi ni lông loại to, quấn ôm lấy phần bọng mật, dùng tay bẻ hoặc vuốt cho toàn bộ bọng mật rơi vào dụng cụ đựng mật rồi dòng dây thả xuống, hoặc trực tiếp đeo vào người đu xuống.
Hiện nay, mỗi lít mật ong rừng có giá bán từ 400.000- 500.000 đồng tùy theo thời điểm và tùy theo loại ong. Những người làm nghề tìm mật ong rừng chuyên nghiệp thu tiền triệu mỗi ngày là chuyện bình thường. Nhưng cũng có khi đi tìm cả ngày cũng chỉ kiếm được một vài trăm nghìn đồng, chỉ đủ chi phí.
Nghề lấy mật rừng tuy nguy hiểm nhưng đem lại thu nhập cao cho người dân sinh sống gần rừng. Tuy nhiên, theo những người chuyên đi tìm mật ong, vài năm gần đây số lượng tổ ong rừng ngày đang giảm dần và lượng mật không còn nhiều như những năm trước đây. Nguyên nhân là tình trạng đốt rẫy, nhiều người không biết khai thác đốt ong bị chết nhiều và những thân cây rừng to ngày cũng ít đi. Chính vì thế, đối với những người chuyên lấy mật ong rừng, bên cạnh việc dập lửa tắt hẳn khói mỗi khi khai thác xong, người lấy mật tuyệt đối không được phá tổ, phải chừa lại một ít tổ nhằm “mở cho ong con đường sống” để tiếp tục sinh sôi, làm mật ngọt những mùa sau.
Có “mục sở thị” cùng với các anh- những người đi rừng tìm mật ong, chúng tôi càng hiểu hơn những nỗi vất vả, hiểm nguy của nghề chuyên khai thác mật ong rừng và những qui đinh “luật bất thành văn” trong việc khai thác. Việc bị ong đốt đến sưng người; trầy xước, chảy máu những lúc leo trèo chỉ là chuyện thường ngày. Với các anh, nghề khai thác mật ong rừng không những để mưu sinh mà còn là những chuyến trải nghiệm với rừng già khá thú vị.
Bảo Châu