Tầm nhìn phòng dịch
Một chương trình phòng, chống dịch Covid-19 mang tầm nhìn xa sẽ bảo đảm cho việc hoàn thành mục tiêu kiểm soát dịch hiệu quả, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân và phục hồi kinh tế.
Lan- một phụ nữ bán trái cây ở trước chợ tạm Võ Lâm (đường Trần Phú, thành phố Kon Tum)- đã quyết định bỏ ra gần hết số tiền dành dụm để nhập hàng mới về.
Theo dõi tin tức, và từ thực tế, em cho rằng, đã đến lúc Covid-19 không còn là “ngáo ộp”, khiến ta phải sợ nữa. Tâm lý người dân, cùng với chính sách về chống dịch thay đổi, làm kinh tế và đời sống xã hội dần trở lại bình thường. Mấy ngày nay, lượng khách tăng, nên em sẽ đầu tư thêm hàng- cô nói.
Bán trái cây cả ngày ngoài đường, cô rất thạo tin vì thời gian rảnh nhiều, được giành để lướt web, coi tin tức. Hơn nữa, kinh nghiệm và sự nhanh nhạy của “dân” kinh doanh mách bảo cô nắm bắt cơ hội.
Tuy nhiên, người buôn bán như em đang mong chính quyền có một chương trình phòng, chống dịch dài hơi, ổn định, không thay đổi liên tục- cô kiến nghị.
Thực tế thời gian gần đây cho thấy, việc thực thi kịp thời và triệt để Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" đã tác động rất lớn, và tích cực, đối với kinh tế-xã hội của tỉnh, cũng như đời sống người dân.
Trong đó, chúng ta đã bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội.
Mặc dù số ca mắc Covid-19 đã tăng mạnh kể từ sau Tết (lập đỉnh vào ngày 23/3, với 1.494 ca), nhưng từ ngày 24/3, số ca mắc mới đã quay đầu giảm. Chúng ta vẫn trong trạng thái 'bình thường mới' vì các ca bệnh nặng và tử vong được kiểm soát nhờ tỉ lệ tiêm chủng cao, hệ thống y tế không còn ở trong tình trạng quá tải; ý thức phòng dịch của người dân được nâng cao.
Đây là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy tầm nhìn phòng, chống dịch Covid- 19 của tỉnh khi triển khai quyết liệt và chủ động các giải pháp “thích ứng linh hoạt” và mở cửa kinh tế.
Trong các bài viết trước, tôi luôn ủng hộ “sống chung với dịch”, mở cửa kinh tế, song song với việc tiếp tục xây dựng bằng được “mặt bằng” ý thức chung của mọi người trong phòng dịch, nhất là thực hiện “khẩu trang+vắc xin”.
Và bây giờ, giống như Lan, tôi cũng cho rằng, đã đến lúc cần một chính sách, hay đúng hơn là chương trình phòng, chống dịch ổn định, mang tầm nhìn xa.
Ngày 17/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ. Trong đó xác định thời gian thực hiện là 2 năm 2022-2023, với hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Như vậy, bên cạnh yếu tố thuận lợi từ thực tế kiểm soát dịch cũng như đòi hỏi của hồi phục kinh tế, đây chính là nền tảng pháp lý để tỉnh ta nhanh chóng ban hành một chương trình phòng, chống dịch Covid-19 ổn định, dài hơi, đảm bảo dư địa cho điều hành phát triển kinh tế-xã hội.
Trong đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động cả hệ thống chính trị, nhất là tại cơ sở, và toàn dân tham gia phòng, chống dịch; bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, nhất quán, chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị và các địa phương nhằm tránh tình trạng cát cứ, chồng chéo, cứng nhắc.
Về kiểm soát dịch Covid-19, cần quán triệt chiến lược phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro, chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong.
Thực hiện linh hoạt nguyên tắc “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch” theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức chống dịch “5K + vắc xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”.
|
Đồng thời có những mục tiêu cụ thể về tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19; kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19; chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn; tỷ lệ tử vong do Covid-19...
Quan tâm đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt y tế dự phòng và y tế cơ sở; đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Bảo đảm tất cả đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào DTTS đều được tiếp cận các dịch vụ y tế.
Tiến hành song song nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế-xã hội và ổn định đời sống của người dân. Cụ thể, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch gắn với phương án hoạt động, sản xuất, kinh doanh tại địa phương theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt. Triển khai công tác phòng, chống dịch trong sản xuất, giao thông vận tải và lưu thông, vận chuyển hàng hóa bảo đảm không bị gián đoạn.
Phát huy tính chủ động, sáng tạo trong kiểm soát dịch bệnh, khôi phục sản xuất, kinh doanh, đưa đời sống của nhân dân dần trở lại trạng thái bình thường mới.
|
Trong quá trình xây dựng và triển khai kế hoạch, cần bảo đảm thực hiện nhất quán theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành. Tuyệt đối không để tình trạng ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.
Và cuối cùng, dù còn sớm để nói nhiều về việc chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, nhưng việc chủ động chuẩn bị sẵn kịch bản cho mọi tình huống vào lúc này là cần thiết.
Hồng Lam