Tác nghiệp thời Covid
Năm qua, các lực lượng tuyến đầu trên địa bàn tỉnh tiếp tục căng mình triển khai các hoạt động phòng chống dịch Covid -19. Trong hàng ngũ ấy có những đồng nghiệp của tôi - những nhà báo, phóng viên không ngại khó khăn, nguy hiểm, từ rạng sáng đến đêm muộn lao vào “cuộc chiến” chống giặc Covid để có những bản tin, bức ảnh, khuôn hình phản ánh kịp thời, sát thực cuộc chiến “không tiếng súng” này...
Theo số liệu tổng hợp của Báo Kon Tum và Đài PT-TH tỉnh, hàng tuần, các phóng viên chuyển về cơ quan hơn 300 tác phẩm để truyền tải trên các phương tiện, ấn phẩm của đơn vị, phát lại trên các trang thông tin sở ngành và truyền thanh, bản tin ở các địa phương trong tỉnh. Các phóng viên, biên tập viên đã không ngại khó khăn với phương châm “hết việc” chứ không “hết giờ” để có những tác phẩm báo chí nóng, nhanh, chính xác thông tin tình hình, diễn biến dịch Covid-19 trên địa tỉnh nhằm truyền tải đến bạn đọc, bạn xem đài, báo.
Phóng viên N.Đ.T hơn 8 năm công tác tại Đài PT-TH tỉnh chia sẻ: Ba năm qua, tôi và các phóng viên khác của đơn vị thường xuyên đi cơ sở, bám ngành Y tế để có những thông tin mới, chính xác đưa đến bạn đọc nhanh nhất có thể. Ở thời điểm tỉnh ta chưa có ca F0 trong cộng đồng, chúng tôi tập trung tuyên truyền giúp người dân cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Đồng thời phản ánh hoạt động của các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại các trạm kiểm soát liên tỉnh, liên huyện, các khu cách ly tập trung, điều trị bệnh... giúp người đọc, người xem cập nhật thông tin hàng ngày về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
|
Đến tháng 10 vừa qua, nhiều ca dương tính được phát hiện trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Lúc này, các phóng viên cảm nhận được sự nguy hiểm cận kề như bao anh em ngành y trực tiếp tham gia chống dịch. Anh T nhớ lại: Khi nhận được thông tin phát hiện ca F0, ê kíp (gồm 2 phóng viên ghi hình, phóng viên viết bài) chúng tôi được cán bộ y tế trực tiếp hướng dẫn cách thức sử dụng và cấp trang bị bảo hộ gồm 1 bộ quần áo mưa, ủng, găng tay, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, tấm chắn giọt bắn và túi bóng bảo quản che chắn cho phương tiện tác nghiệp. Thực hiện đầy đủ hướng dẫn này, tôi và đồng nghiệp bắt đầu tác nghiệp ở các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, các chốt kiểm dịch từ tỉnh đến xã… để có thông tin từ F0, F1, F2 và lực lượng trực chiến tại các “vùng đỏ”.
Phóng viên L.T.T.H (Báo Kon Tum) tâm sự, đã là phóng viên say nghề, thì bản thân luôn mong muốn có những hình ảnh chân thực nhất, muốn có những cuộc phỏng vấn sinh động và sẵn sàng vào “vùng đỏ” tiếp xúc với thầy thuốc, bệnh nhân F0, F1. Dù bản thân biết, có tuân thủ những quy định phòng dịch cẩn trọng như thế nào đi nữa, nhưng đã lao vào điểm nóng là đồng nghĩa với việc chấp nhận nguy cơ cao bị nhiễm SARS-CoV-2.
Tâm huyết với nghề như thế, nhà báo H cho biết, bản thân thường xuyên tiếp xúc với cán bộ ngành Y tế, các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh này trên địa bàn toàn tỉnh. Hằng tháng, bạn đã có khoảng 50 bài, tin, ảnh chuyển về Tòa soạn nhằm phục vụ kịp thời thông tin đa dạng hoạt động tuyên truyền, phòng, chống dịch.
H bảo, nhớ nhất là các đợt đón người dân của tỉnh Kon Tum và các tỉnh bạn (khu vực duyên hải miền Trung) làm ăn xa ở các tỉnh miền Nam về quê, đi qua địa phương Kon Tum, khi dịch Covid-19 bùng phát cuối tháng 8 đến tháng 10 vừa qua. Khi tác nghiệp, H xúc động khoảnh khắc đầu tiên những người dân đi xe máy từ địa phận tỉnh Gia Lai đến Trạm kiểm soát dịch Sao Mai (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum); trong đó có không ít cặp vợ chồng chở con thơ có vài tháng tuổi về quê. Lúc này, các lực lượng chức năng, tình nguyện viên đã ra đón bà con nghỉ dừng chân, kiểm tra sức khỏe, sẻ chia từng hộp cơm, chai nước uống, vội vã trao chiếc áo ấm, đổ đầy bình xăng cho mỗi người. “Thấy được những hình ảnh này, trong lòng tôi vỡ òa nhiều cảm xúc thương người dân vất vả vượt ngàn cây số để về quê; còn anh chị em tham gia hỗ trợ, giúp đỡ bà con cũng vất vả không kém, đôi khi không tránh được hiểm nguy bị lây nhiễm Covid từ hàng trăm, hàng ngàn người đổ về và đi qua các trạm kiểm soát dịch như thế.
Còn với cá nhân, phóng viên H bộc bạch: Vợ chồng tôi có 2 con nhỏ dưới 12 tuổi, nên những lúc đi tác nghiệp thời dịch Covid-19, bản thân cũng sợ mải say nghề, sơ suất tác nghiệp, mà không may mắc dịch bệnh thì không biết thế nào, trong khi ông bà nội, ngoại đều ở ngoài quê tận Nam Định. Nhưng rồi, tôi cũng tự trấn an, tự chủ động lên phương án, nếu chẳng may là F0, F1,…, thì sẽ alo với chồng chăm lo cho các con, còn mình chọn đi cách ly tập trung.
|
Trong khi đó, phóng viên T của Đài PT-TH tỉnh còn đùa vui chia sẻ chuyện bạn suýt chút nữa đi cách ly tập trung. Đó là thời điểm cuối tháng 9, sau khi đăng ký phỏng vấn, ghi hình lực lượng làm nhiệm vụ tại điểm chốt Trạm Sao Mai (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum). Cách 3 ngày sau, lãnh đạo cơ quan điện thoại cho ê kíp của anh phải nhanh chóng sắp xếp tư trang cá nhân, chuẩn bị có lực lượng y tế đến nhà đưa đi cách ly tập trung; lý do buổi sớm ngày trước đã phỏng vấn 1 F2 đi từ Thành phố Hồ Chí Minh về Kon Tum, F2 này sau đó test kiểm tra sức khỏe cho kết quả dương tính SARS-CoV-2 và trở thành F0. Tuy nhiên, sau khi khai báo lại lịch trình tác nghiệp 3 ngày trước, anh T và đồng nghiệp nhận thông tin đã bị nhầm, là anh chị em báo đài khác ở khu vực Tây Nguyên mới là người có liên quan đến trường hợp F0 trên.
Qua tìm hiểu, tôi được biết, đã có không ít anh chị em phóng viên của đài, báo tỉnh và trung ương hoạt động tại Kon Tum, quá trình đi thực tế hoạt động lĩnh vực này đã trở thành F1, F2, F3 phải cách ly tập trung, cách ly tại nhà theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp, các ngành. Và, những thước phim, những bài viết dang dở phản ánh về công tác phòng, chống dịch của họ được đồng nghiệp tiếp tục hoàn thành để kịp thời thông tin đến người nghe đài, xem báo.
Thế đấy, không ngại khó khăn, hiểm nguy, rất nhiều đồng nghiệp của tôi đã xông pha vào các điểm nóng Covid-19 để kịp thời đưa tin phản ánh tình hình thực tế, cổ vũ các lực lượng đang “căng mình” ngày đêm thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, giữ gìn vùng xanh, bảo vệ bình yên cho từng gia đình, từng khu dân cư...
Bài và ảnh: Mai Trâm