Sức mạnh “tai, mắt” của nhân dân
Lần nào gặp gỡ, anh bạn cũng phấn khởi kể về những chiến công chung sức bắt tội phạm. Không phải là công an cũng không làm nghề liên quan đến điều tra, nhưng với tinh thần toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, anh luôn cảnh giác, ý thức tuân thủ pháp luật. Đặc biệt, trong quá trình làm việc, sinh sống, khi nghe những câu chuyện, bắt gặp những đối tượng khả nghi, anh đều thực hiện theo hướng dẫn, có cách thức báo đến lực lượng chức năng. Nhiều lần anh được Công an tỉnh khen thưởng vì góp sức cùng lực lượng chức năng nắm bắt tình hình, bắt giữ tội phạm. Nhưng điều làm anh tự hào chính là đã góp sức đảm bảo sự bình yên trên địa bàn.
|
Câu chuyện của anh bạn khiến tôi nhớ lại lần tham gia viết bài về công tác đấu tranh phòng chống ma túy ở ngã ba biên giới. Các đồng chí điều tra viên nói rằng, người dân là tai, là mắt. Bám nắm chắc địa bàn, hàng ngày, hàng giờ, các đồng chí cùng ăn, cùng ở, cùng chia sẻ với bà con, vừa để kết nối, vừa thắt chặt mối quan hệ mật thiết với người dân. Khi tin tưởng, lại được hướng dẫn cách thức cung cấp thông tin an toàn, người dân vùng biên đã mạnh dạn cung cấp thông tin, tố giác tội phạm. Trong đó, nhiều thông tin rất giá trị, là manh mối để điều tra, bắt quả tang cũng như triệt phá các đường dây buôn bán ma túy.
Từ những câu chuyện kể ra, để thấy rằng, đúng như Bác Hồ từng dạy: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”, vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân rất to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm nói riêng.
Sức mạnh, khả năng sáng tạo của quần chúng nhân dân rất to lớn. Song, tất cả chỉ được phát huy khi được tổ chức thành phong trào cụ thể. Hiểu được điều đó, cùng với việc tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh việc xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Lực lượng Công an đã phát huy vai trò nòng cốt, tích cực, chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tham mưu, nắm tình hình về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia đấu tranh, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Khi phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được triển khai sâu rộng, qua nhiều hoạt động tuyên truyền, người dân nắm được các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; cách thức phòng ngừa, phát hiện, cung cấp thông tin, tố giác các loại tội phạm; hiểu rõ hơn ý nghĩa của phong trào. Từ đó, quần chúng nhân dân ngày càng nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức tuân thủ pháp luật, chung tay phòng chống tội phạm, tự nguyện giao nộp súng tự chế, kích điện, dao, kiếm các loại... Đồng thời mạnh dạn cung cấp nhiều tin báo tố giác tội phạm giúp lực lượng Công an ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm an ninh, trật tự ngay tại cơ sở. Đặc biệt, người dân còn sẵn sàng hỗ trợ lực lượng chức năng trong nhiều vụ việc bắt quả tang, bắt tội phạm cướp giật tài sản, trộm cắp.
Từ việc triển khai phong trào, nhiều mô hình như móc khóa an ninh, hệ thống camera giám sát đảm bảo an ninh trật tự, tổ hòa giải, tổ tự quản... được xây dựng và nhân rộng, nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân. Chính các mô hình với sự tham gia tích cực của người dân, nhất là những người có uy tín tại địa phương, đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
“Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã khơi dậy sức mạnh toàn dân, thể hiện sức mạnh “tai, mắt” của nhân dân, góp phần tạo ra thế trận an ninh liên hoàn, bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân.
Hoài Tiến