Sách giấy hay điện tử?
Internet và công nghệ cho chúng ta nhiều sự lựa chọn hơn, trong đó, có việc đọc sách. Cùng với sách giấy truyền thống, sách điện tử với nhiều sự tiện lợi cũng ngày càng được quan tâm. Còn người dân, đã có nhiều lựa chọn hơn để thỏa mãn nhu cầu đọc.
Sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Mỗi loại sách sẽ bổ sung cho người đọc những kiến thức, hiểu biết ở các lĩnh vực khác nhau, phù hợp với từng đối tượng. Đọc sách không chỉ nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy giáo dục mà còn rèn luyện nhân cách con người.
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Sau đó, để đưa văn hóa đọc được phổ biến rộng rãi hơn, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thay thế cho Ngày Sách Việt Nam trước đó và sự kiện này vẫn được diễn ra vào ngày 21/4 hằng năm.
|
|
Suốt những năm qua, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã trở thành ngày hội có sức lan toả rộng rãi, thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, sinh viên, người dân. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 (diễn ra từ ngày 15/4-1/5/2024) với nhiều thông điệp như “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay - Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe” nhằm tiếp tục tôn vinh giá trị của sách, khuyến khích mọi người đọc sách, hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức…Đây cũng là dịp để chúng ta cùng đánh giá, nhìn nhận về sự phát triển văn hóa đọc trong xã hội hiện đại.
Hiện nay, trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển không ngừng, câu chuyện về văn hóa đọc cũng có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây, nói đến việc đọc sách là chúng ta thường mặc định rằng đó là đọc sách in trên giấy. Thế nhưng, trong những năm gần đây, sách điện tử đã dần phổ biến và được nhiều người, nhất là giới trẻ chọn lựa.
Với sự phát triển của công nghệ số, chỉ với chiếc điện thoại thông minh hay các thiết bị cầm tay, mỗi người có thể đem theo cả thư viện bên mình, đọc bất cứ cuốn sách nào, ở bất kỳ đâu chỉ cần có mạng Internet.
Người dùng có thể đọc trực tuyến hoặc tải xuống bất kỳ một cuốn sách nào mình muốn, tranh thủ đọc khi có thời gian mà không cần phải cất công đến các nhà sách tìm mua. Bên cạnh đó, nếu không nói về giá trị thiết bị điện tử, thì hiện nay, việc đọc sách điện tử cũng giúp người đọc tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Ngoài những nội dung được cung cấp miễn phí thì nếu phải bỏ tiền mua sách điện tử thì chi phí cũng khá thấp so với sách in truyền thống.
Mặc dù có nhiều tiện lợi, nhưng thực tế, khi đọc sách điện tử khả năng tập trung, ghi nhớ không cao và việc đọc trên màn hình cũng khiến người đọc mỏi mắt. Chưa kể đến, nếu như thiết bị công nghệ gặp vấn đề, hàng ngàn “file” dữ liệu sách điện tử tải về có thể dễ dàng biến mất.
Ngược lại, việc đọc sách in giúp ta tập trung tốt hơn, hiểu nội dung sâu hơn so với đọc kỹ thuật số, thuận tiện, dễ dàng trong việc lưu trữ. Điều đặc biệt, từ lâu nay, sách giấy đã chiếm được cảm tình, ăn sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ người đọc. Với nhiều người, lật từng trang sách mang lại cảm giác khó thiết bị nào có thể thay thế được. Mỗi cuốn sách không chỉ là ấn bản chứa nội dung thông tin mà còn ẩn chứa những nét đặc sắc riêng về phong cách trang trí bìa, thể hiện lời tựa, hình vẽ đến chất liệu giấy thế nên, sách giấy luôn có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.
Có lẽ, việc chọn sách giấy hay sách điện tử còn tùy thuộc vào sở thích, điều kiện, khả năng của mỗi người, mỗi đối tượng độc giả sẽ có sự lựa chọn khác nhau. Thế nhưng, dù là truyền thống hay hiện đại thì điều quan trọng là chúng mang đến cho người đọc các trải nghiệm, “kênh” tiếp cận kiến thức đa dạng, tốt hơn, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.
Thiên Hương