Phòng lây nhiễm chéo trong khu cách ly- Càng kỹ càng tốt
Gần đây, thay vì theo dõi số liệu thống kê các ca nhiễm Covid-19 của Bộ Y tế, hàng ngày, tôi lại lo lắng, thấp thỏm chờ thông báo tình hình dịch bệnh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Điều đáng nói là, từ đầu tháng 10 đến nay, ngày nào cũng có, thậm chí ngày 2 lần.
Số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo tỉnh cho thấy, từ ngày 1- 9/10, số công dân từ các tỉnh, thành phía Nam về địa bàn tỉnh được đưa đi cách ly tập trung là 2.088 trường hợp (cấp tỉnh 23, thành phố Kon Tum 395, Đăk Hà 579, Đăk Tô 223, Ngọc Hồi 375, Tu Mơ Rông 55, Đăk Glei 70, Kon Rẫy 100, Kon Plông 77, Sa Thầy 167, Ia H’Drai 03, Nhà khách Công an tỉnh 21).
Trong thời gian qua, hoạt động giám sát phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở cách ly tập trung được quan tâm đặc biệt, duy trì thường xuyên, nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định.
Như tại thành phố Kon Tum, công dân về từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đều phải cách ly tập trung 14 ngày tại cơ sở cách ly tập trung; sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày (tổng cộng 28 ngày); xét nghiệm RT-PCR vào các ngày thứ 01, 05, 14, 21, 28.
Theo ông Nguyễn Thanh Mân- Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum, các cơ quan chức năng của thành phố trực tiếp tham gia tiếp nhận, đưa công dân tại chốt Sao Mai về cơ sở cách ly tập trung. Trong khu cách ly, thành phố quán triệt thực hiện tách riêng từng nhóm đối tượng, phân phòng cách ly theo yếu tố dịch tễ, theo ngày tiếp nhận để tiện cho việc lấy mẫu xét nghiệm cũng như quản lý...
Tuy vậy, trong báo cáo số 4991/BC-BCĐ ngày 8/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đánh giá, việc công dân tự phát từ phía Nam và các tỉnh về tỉnh với số lượng lớn và trong thời gian ngắn, trong đó có nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, đem lại nguy cơ lây nhiêm chéo hoặc lây nhiễm cho cộng đồng cao, nếu không quản lý chặt chẽ.
Trên thực tế, từ ngày 5/10 đến ngày 11/10, ngày nào cũng có thông báo của Ban Chỉ đạo tỉnh ghi nhận các ca nhiễm và tái dương tính. Tất cả đều là những người về tự phát.
|
Ngay trong sáng nay, 12/10, email đầu tiên tôi nhận được là của người bạn bên ngành Y, chuyển thông báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh về những ca dương tính và tái dương tính mới được ghi nhận trong chiều 11/10. Bên cạnh niềm vui vì tỉnh Kon Tum vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, nghĩa là “tình hình vẫn ổn”- như cách nói quen thuộc kể từ khi dịch bệnh bùng phát, tâm trí tôi trĩu nặng bởi 4 ca mắc mới, 1 ca tái dương tính.
Cho đến nay, tỉnh ta vẫn kiểm soát tốt các trường hợp dương tính mới và tái dương tính trong số người về từ các tỉnh, thành phía Nam; chưa để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung. Nhưng rõ ràng, chưa bao giờ nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung đang hoạt động ở nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh lại cao như hiện nay.
Điều đáng lo ngại là, lượng người tự phát về địa bàn tỉnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Và không ai biết trước, trong số những người đang và sẽ về tự phát từ các khu vực có dịch, sẽ phát hiện bao nhiêu ca mắc mới, bao nhiêu ca tái dương tính?
Chỉ cần một chút lơ là, chủ quan; không kiểm soát, cách ly chặt chẽ, việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung sẽ không còn là nguy cơ.
Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Võ Văn Thanh cho rằng, để góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, thì khâu phòng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung có vai trò đặc biệt quan trọng, càng kỹ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Vì vậy, theo khuyến cáo của chuyên gia, cần phải kiểm soát chặt dịch từ bên ngoài vào, tức là duy trì siết chặt quản lý người từ các vùng có dịch Covid-19, người từ các tỉnh, thành phố về trên địa bàn tỉnh. Tăng cường truyền thông cho người dân hiểu để khai báo y tế trung thực, thực hiện biện pháp cách ly đúng quy định, tuân thủ thông điệp 5K.
|
Người về địa bàn tỉnh thuộc đối tượng cách ly tập trung (trừ các trường hợp F1) phải được đưa vào cơ sở cách ly tập trung để phân loại và tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR.
Tuyệt đối không để công dân cách ly ra khỏi vành đai an toàn được quy định ở các phòng, các tầng của khu cách ly; đội ngũ phục vụ và y tế phải tuân thủ tuyệt đối các quy định của khu cách ly, đảm bảo an toàn, tránh xảy ra trường hợp lây nhiễm giữa người cách ly và lực lượng làm nhiệm vụ.
Và cần tiếp tục thực hiện biện pháp “phòng thủ từ xa”, đó là tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn liên lạc, kêu gọi, vận động con em/người thân ở các khu vực có dịch tiếp tục ở lại địa bàn cư trú theo chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt không tự về quê bằng phương tiện cá nhân.
Hồng Lam