Phát triển hạ tầng số
Tỉnh ta đặt mục tiêu phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội. Theo UBND tỉnh, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân để hoàn thành mục tiêu ấy.
|
Đầu tư hạ tầng số là tất yếu
Trong chuyển đổi số, việc xây dựng và phát triển hạ tầng số là tất yếu, đóng vai trò rất quan trọng đảm bảo cho sự thành công của chuyển đổi số.
Có thể hiểu hạ tầng số bao gồm thiết bị, máy tính điện tử; các loại mạng kết nối như mạng không dây, cáp quang; các cơ sở dữ liệu, công nghệ, quy trình, cách tổ chức, vận hành, quản lý và chia sẻ dữ liệu; công cụ khai thác các nguồn tài nguyên số; hệ thống pháp lý và thực thi pháp luật trong thời chuyển đổi số; lực lượng lao động số với kỹ năng lao động mới, có khả năng làm chủ và sử dụng các công nghệ số
Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ quan điểm và nhấn mạnh về tính thiết yếu và bắt buộc của hạ tầng số.
Trong đó xác định phát triển hạ tầng số nhằm “sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng”.
Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tiếp tục nhấn mạnh quan điểm: Hạ tầng số đi trước một bước, phát triển với tốc độ nhanh, theo hướng Việt Nam làm chủ công nghệ lõi.
Ở tỉnh ta, với quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số và chính quyền số, việc xây dựng hạ tầng số được xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh), đến nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp I và II đã được triển khai đến tất cả đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước ở 3 cấp (tỉnh, huyện và xã).
Đã có 100% xã được phủ sóng 2G, 3G, 4G; hạ tầng mạng cáp quang phủ đến 100% xã và 97,7% số thôn được phủ sóng 4G phục vụ khoảng 410.550 thuê bao điện thoại các loại và khoảng 80.056 thuê bao internet băng rộng cố định.
|
Mặt khác, khoảng 66,44% dân số trưởng thành và 79,79% hộ gia đình có điện thoại thông minh; 48,33% hộ gia đình có cáp quang băng rộng. Trên địa bàn tỉnh có 1.153 trạm thu, phát sóng thông tin di động mặt đất với 8.120km cáp quang.
Theo báo cáo mới nhất, đến nay tỉnh đã cung cấp 720 dịch vụ công toàn trình, 702 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.377/1.711 TTHC của tỉnh (đạt 80,48%).
Đặc biệt, tỉnh Kon Tum xếp hạng thứ 17/63 tỉnh, thành phố trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.
Để đạt được kết quả trên đòi hỏi quá trình nỗ lực và quyết tâm cao. Trong đó, việc đầu tư phát triển hạ tầng số có đóng góp rất quan trọng.
Động lực phát triển
Tất nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong phát triển hạ tầng số vẫn còn bất cập, hạn chế. Nổi lên là tốc độ mạng băng rộng cố định, di động vẫn chưa ổn định. Việc xóa vùng “lõm sóng” viễn thông chưa hoàn thành. Hiện tỉnh vẫn còn 48/666 thôn chưa có hạ tầng băng rộng cố định và 3/666 thôn chưa có hạ tầng băng rộng di động.
Việc phát triển các nền tảng chủ lực cho hạ tầng số mới hình thành, bước đầu triển khai cho nên chưa đạt hiệu quả cao. Việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng số vẫn còn hạn chế.
Kế hoạch 3148/KH-UBND ngày 20/9/2023 về phát triển hạ tầng số tỉnh Kon Tum đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu phát triển hạ tầng số thiết yếu đáp ứng nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh, tạo động lực phát triển.
Đến năm 2025, có 80% dân số ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh; 80% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cố định cáp quang; 100% thôn có hạ tầng băng rộng di động; 95% thôn có hạ tầng băng rộng cố định; 100% các cơ quan nhà nước kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng và liên thông 4 cấp hành chính từ Trung ương đến cấp xã.
Đến năm 2030, có 100% thôn có hạ tầng băng rộng cố định; 95% dân số ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh; 100% khu vực có dân cư sinh sống và làm việc được phủ sóng băng rộng di động; 100% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cố định cáp quang; 100% doanh nghiệp có khả năng ứng dụng IoT để phát triển các dịch vụ số; 100% hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng.
Với điều kiện khách quan và nguồn lực hiện nay của tỉnh, việc hoàn thành các chỉ tiêu trên không hề đơn giản, đòi sự chung tay của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và sự ủng hộ của người dân.
Trong đó, cần rà soát điều chỉnh, bổ sung kịp thời và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển hạ tầng kết nối- hạ tầng băng rộng di động (4G/5G) trên phạm vi toàn tỉnh, đồng thời thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ (2G/3G).
Ưu tiên nguồn vốn khoa học và công nghệ, nguồn vốn để phát triển công nghệ số, sản phẩm công nghệ số, dịch vụ số. Hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng băng rộng cố định tốc độ cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, nông thôn, vùng lõm sóng; tăng cường phát triển thuê bao băng rộng cố định cáp quang tới hộ gia đình.
Chuyển đổi toàn bộ mạng lưới, hệ thống thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6).
Truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.
Thành Hưng