Phát huy sứ mệnh cao cả trên “trận tuyến” chống dịch Covid-19
Với quan điểm xuyên suốt là đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, 2 năm qua, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành Y tế tỉnh ta đã vào cuộc quyết liệt, đi đầu triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đội ngũ y, bác sĩ trên toàn tỉnh đã nỗ lực không ngừng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách thực hiện sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe nhân dân.
|
Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, ngành Y tế luôn bám sát thực tiễn đưa ra những nhận định, dự báo chính xác về tình hình dịch bệnh, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo ban hành các văn bản, quyết định, giải pháp chống dịch phù hợp. Phối hợp với các ngành, các địa phương, đơn vị kịp thời triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhằm ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
|
Theo đó, trong công tác chống dịch, truy vết là nhiệm vụ đầu tiên và hết sức quan trọng nhằm xác định, truy tìm nhanh chóng, chính xác người tiếp xúc với ca bệnh (F1) để tổ chức cách ly, ngăn chặn sự di chuyển, từ đó, hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Hiểu rõ nhiệm vụ này, 2 năm qua, nhất là từ khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát, số lượng ca F0, F1 tăng nhanh, 5 tổ truy vết của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cùng các đội truy vết của trung tâm y tế các huyện, thành phố đã phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng công an, chính quyền các xã, thị trấn, các đơn vị luôn tích cực và thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác truy vết.
Giám đốc Sở Y tế Võ Văn Thanh chia sẻ: Việc truy vết giống như một cuộc rượt đuổi, chạy đua với thời gian; truy vết càng nhanh, càng chính xác thì việc ngăn chặn dịch bệnh càng hiệu quả; ngược lại càng chậm trễ thì số lượng F0,F1 sẽ càng gia tăng và việc khống chế ổ dịch càng trở nên khó khăn hơn. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi các lực lượng, trong đó đi đầu là đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế phải nắm vững chuyên môn và trên hết là tinh thần trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ, luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất kể đó là ngày hay đêm, mưa hay nắng. Suốt thời gian qua, đội ngũ những người làm công tác truy vết của ngành Y tế từ tỉnh đến cơ sở luôn giữ “lửa” nhiệt huyết, trách nhiệm tổ chức thực hiện hiệu quả công tác truy vết, hạn chế bỏ sót đối tượng. Chính điều này đã góp phần giúp tỉnh ta kiểm soát tốt dịch bệnh từ sớm, từ xa và là một trong hai tỉnh cuối cùng của cả nước xuất hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng”.
Trên “trận tuyến” chống dịch Covid-19, mặt trận điều trị được coi là tuyến sau, nhưng vô cùng quan trọng. Trong thời gian qua, công tác thu dung và điều trị các trường hợp mắc Covid-19 được ngành Y tế thực hiện tốt.
Theo bác sĩ Võ Văn Thanh, thời gian đầu, khi số ca bệnh mới xuất hiện rải rác, công tác tổ chức điều trị được giao cho Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng và trung tâm y tế các huyện, thành phố. Tuy nhiên, từ tháng 5/2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để chủ động ứng phó với tình huống có nhiều F0, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Bệnh viện Dã chiến số 1. Từ tháng 8/2021, Bệnh viện Dã chiến số 1 chính thức đi vào hoạt động và đã phát huy vai trò trong công tác tiếp nhận, thu dung và điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Tính đến ngày 18/2/2022, Bệnh viện đã tiếp nhận, cách ly điều trị thành công cho 1.216 trong tổng số 4.484 ca, chiếm 27% số ca mắc Covid-19 được ghi nhận trên địa bàn tỉnh.
Để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, việc đẩy nhanh tiến độ tiêm và bao phủ vắc xin phòng Covid-19 được xem là giải pháp căn cơ, cốt lõi để từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường.
|
Thực hiện chiến lược tiêm vắc xin phòng Covid-19 của Chính phủ, với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa”, các đơn vị đã huy động tối đa lực lượng, tổ chức 16 đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Công tác tiêm chủng được thực hiện hiệu quả từ khâu chuẩn bị trước khi tiêm, lập danh sách đối tượng tiêm chủng đúng đối tượng, thông báo lịch tiêm chủng đến việc tổ chức tiêm, theo dõi, xử trí các sự cố sau tiêm... Đội ngũ nhân viên y tế đã làm việc hết công suất, đảm bảo vắc xin về đến đâu triển khai tiêm đến đó, không để chậm trễ. Nhờ đó, trong thời gian ngắn, nhưng tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của tỉnh ta đạt khá cao. Tính đến ngày 17/2/2022, có 68,2% dân số toàn tỉnh được tiêm mũi 1, 66,6% dân số tiêm mũi 2 và 63,1% dân số tiêm đủ mũi cơ bản. Công tác tiêm chủng được đảm bảo an toàn và tuân thủ các quy định phòng chống dịch Covid-19.
Nhìn lại hành trình 2 năm chống dịch, có thể nói, bên cạnh sự quan tâm, Chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh cùng sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh không thể không nói đến những sự hy sinh, nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ, nhân viên Y tế. Họ đã không quản vất vả, hy sinh, gác lại những niềm riêng để toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường mới.
Thùy Hương