Phát hiện sớm, xử lý nghiêm khai báo gian dối
Với hành vi khai báo không trung thực, hoặc thực hiện không đúng lộ trình đã cam kết, một số người không chỉ vi phạm quy định phòng dịch, mà còn đem đến nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng, có thể khiến thành quả chống dịch “đổ sông đổ biển”.
Gần đây nhất, vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 20/08, tại chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống Covid-19 xã Đăk Nhoong, lực lượng Công an xã phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 81A-023.77 có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Lúc này, trên xe có 2 người, gồm lái xe Cao Tấn Hồng (sinh năm 1967, trú tại phường Đống Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) và Hoàng Văn Cường (sinh năm 1996, trú tại xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên).
Làm việc với lực lượng chức năng, 2 đối tượng khai nhận điều khiển xe ô tô từ thành phố Pleiku (là vùng dịch) vận chuyển hàng hóa, thực phẩm vào xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei, tuy nhiên không thực hiện đúng lộ trình, mà vào địa bàn xã Đăk Nhoong.
Trước đó, ngày 9/8, Công an xã Xốp (huyện Đăk Glei) phát hiện lái xe Triệu Đức Hùng (thường trú tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cũng không tuân thủ lộ trình đã khai báo. Chiều 8/8, tại chốt kiểm soát liên ngành số 2 (đèo Lò Xo, xã Đăk Man), ông Hùng cam kết không dừng chân tại địa bàn tỉnh Kon Tum, nhưng sau đó đã dừng xe mua cơm ở quán cơm 36 (xã Đăk Pék); sáng 9/8, vào địa bàn 2 xã Xốp và Đăk Choong để vận chuyển 31 con heo thịt.
|
Đến ngày 11/8, Công an huyện Đăk Glei tiếp tục phát hiện tài xế Hồ Vũ Quang (sinh năm 1968, thường trú tại phường An Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) điều khiển xe ô tô BKS 43C-21192 đang dừng, giao hàng hóa (xăng, dầu) tại nhà ông Nguyễn Văn T. (thôn Broong Mỹ, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei). Trong khi lộ trình giao nhận hàng hóa theo đăng ký của ông Quang là từ phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng đến cửa hàng 116- Chi nhánh xăng dầu Kon Tum (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô).
Ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh, các lực lượng chức năng và chính quyền thành phố Kon Tum cũng phải căng mình đấu tranh, ngăn chặn tình trạng vi phạm quy định phòng dịch.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng- Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum), ngày 6/8, nhận tin báo từ tổ cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19, UBND phường đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện công dân P.V.H đi từ tỉnh Bình Dương về số nhà 131, đường Phan Chu Trinh (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) có hành vi khai báo y tế gian dối tại Chốt kiểm soát Sao Mai nhằm trốn cách ly tập trung.
Tìm hiểu hồ sơ vụ việc, tôi cũng bất ngờ về độ tinh vi của đối tượng khi vạch ra “hành trình” trốn cách ly. Khi đến chốt Sao Mai, P.V.H giao xe cho tài xế ở Kon Tum chạy về, sau đó dùng xe máy chạy ngược về Trà Huỳnh, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, rồi quay ngược lại chốt Sao Mai, khai báo y tế là đi từ ngã 3 Trà Huỳnh về Kon Tum để được về nhà.
Tất nhiên, với những hành vi khai báo gian dối, không tuân thủ các quy định phòng dịch, các đối tượng nói trên đã phải chịu các chế tài xử lý nghiêm khắc. Cùng với xử phạt hành chính (phạt tiền) theo quy định, tất cả đều bị cưỡng chế thực hiện cách ly tập trung.
Điều đáng nói là, các trường hợp trên đều ý thức được việc làm của mình là sai, và sẽ phải chịu những hình thức xử lý tương xứng, nhẹ thì phạt hành chính; nặng, có thể bị xử lý hình sự.
Một người bạn tham gia quá trình xử lý trường hợp P.V.H kể lại, bản thân P.V.H thừa nhận rằng “biết việc làm của mình là vi phạm”, cũng biết “nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý” nhưng vẫn cố tình khai báo gian dối để “không phải đi cách ly”. Khi được hỏi “Có nghĩ đến chuyện, nếu bản thân mang mầm bệnh, sẽ lây lan cho người thân, gia đình và cộng đồng, khiến bao công sức phòng dịch tan biến không” thì H. cúi đầu im lặng.
Giống như rất nhiều người, khi nghe tin về những trường hợp khai báo gian dối khi qua chốt để vào tỉnh với mục đích cá nhân, tôi đã rất bất bình và mong muốn xử lý hình sự đối với hành vi này. Dù về lý trí, tôi biết rằng, trong xử lý các vụ việc đều có quy định pháp lý rõ ràng.
Có thể vẫn còn đâu đó những người vi phạm mà chưa bị phát hiện; hoặc còn những người ấp ủ ý định khai báo gian dối để “lọt” vào địa bàn. Và như vậy, nguy cơ lây lan dịch bệnh vào cộng đồng vẫn còn hiện hữu.
Vì vậy, để chung tay ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả, mỗi người dân cần tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định và thông điệp 5K; nêu cao cảnh giác, phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ” trong việc giám sát địa bàn. Khi phát hiện các đối tượng, phương tiện lạ mặt (nhất là các đối tượng, phương tiện biển kiểm soát ngoài tỉnh); người trở về từ các địa phương khác ngoài tỉnh, vùng dịch… thì nhanh chóng thông báo đến tổ cộng đồng, chính quyền địa phương hoặc lực lượng Công an nơi gần nhất.
Theo ông Nguyễn Thanh Mân- Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum, thời gian qua, cả hệ thống chính trị, các lực lượng chức năng và toàn dân đã căng mình để lập nên phòng tuyến khá hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào địa bàn. Nhưng chỉ cần một cá nhân thiếu ý thức làm lây lan dịch ra cộng đồng là bao công sức đổ sông, đổ biển.
“Việc khai báo gian dối, không trung thực là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy, các cấp, các ngành và người dân cần nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác, tăng cường kiểm tra, giám sát tại địa bàn, phát hiện sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để chặn nguy cơ từ bên trong - ông Nguyễn Thanh Mân nhấn mạnh.
Hồng Lam