Nỗi lo khi người dân tự phát về quê
Những ngày qua, số lượng người dân từ các tỉnh, thành phía Nam tự phát về Kon Tum gia tăng; trong đó có nhiều trường hợp mắc Covid-19 hoặc tái dương tính (+) với SARS-CoV-2. Chính điều này gây ra nhiều áp lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Sau khi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam nới lỏng các biện pháp giãn cách, nhiều người dân của tỉnh ta đang sinh sống, học tập, lao động tại các địa phương này đã tự phát về quê.
Từ ngày 1-5/10, toàn tỉnh ghi nhận 1.071 trường hợp từ các vùng có dịch trong nước trở về địa phương. Trong đó, chỉ riêng trong ngày 5/10, tỉnh ta ghi nhận tới 692 trường hợp vào tỉnh từ các vùng dịch, hầu hết người dân tự ý di chuyển bằng xe máy về quê.
Việc người dân tự phát về quê ồ ạt trong khoảng thời gian ngắn sẽ gây áp lực lớn đối với công tác phòng, chống dịch Covid -19 của tỉnh, nhất là khâu kiểm soát người vào, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly, điều trị.
Tính đến ngày 5/10, các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 2.347 trường hợp cách ly. Các địa phương đang phải tiếp tục trưng dụng, kích hoạt thêm các khu cách ly tập trung để đáp yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống dịch, trong khi đó số lượng người dân về quê dự báo vẫn còn gia tăng.
Điều đáng lo ngại, trong số các công dân tự phát về tỉnh ta trong những ngày qua có nhiều người mắc Covid-19 hoặc tái dương tính với SARS-CoV-2 sau khi đã được điều trị khỏi ở các địa phương phía Nam. Liên tiếp trong các ngày 5, 6, 7/10 đều ghi nhận ca mắc Covid-19 và ca tái dương tính với SARS-CoV-2. Riêng ngày 7/10 đã có 9 trường hợp mắc Covid-19 và 3 trường hợp tái dương tính. Rất may, các trường hợp này đều được các lực lượng chức năng phát hiện và đưa đi cách ly, điều trị kịp thời theo quy định. Qua đó cho thấy nguy cơ tiềm ẩn là dịch bệnh có thể phát sinh và lây lan ra cộng đồng.
|
|
Nếu dịch Covid-19 lan ra cộng đồng thì đây sẽ là điều rất đáng lo ngại, bởi hiện tại tỷ lệ người dân (từ 18 tuổi trở lên) trên địa bàn tỉnh đã tiêm phòng vắc xin còn rất thấp. Theo số liệu của ngành Y tế, đến ngày 6/10, toàn tỉnh mới có 78.945 người đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 (đạt trên 21% trong tổng số dân từ 18 tuổi trở lên), trong đó có 44.009 người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin.
Trước tình trạng người dân từ các tỉnh, thành phía Nam tự phát về/qua tỉnh tăng cao, trong ngày 4/10, Chủ tịch UBND tỉnh liên tiếp có các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ công dân của các nơi qua địa bàn tỉnh an toàn, đúng quy định phòng, chống dịch; chủ động nắm tình hình công dân từ vùng dịch về địa phương, chuẩn bị ngay mọi điều kiện, kích hoạt các cơ sở cách ly tập trung để tiếp nhận, bố trí người dân vào cách ly tập trung.
Mới đây, Bộ Y tế đã có hướng dẫn mới về việc cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà đối với người đã tiêm đủ liều, tiêm 1 liều và chưa tiêm vắc xin Covid-19 trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai và Bình Dương. Mặc dù vậy, ngay cả khi người dân có đủ điều kiện để được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi cư trú thì vấn đề quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát của các địa phương và nhất là ý thức tự cách ly của mỗi một công dân là vấn đề quan trọng cần phải đặt ra trong công tác phòng, chống dịch.
Tỉnh luôn nỗ lực hết sức để hỗ trợ, tiếp nhận người dân từ các vùng dịch trở về quê, khi đó là nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, người dân không nên tự ý di chuyển về địa phương mà đăng ký với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức đón người dân về địa phương. Tỉnh ta đã có kế hoạch đón công dân từ Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai về quê theo từng đợt, người dân có nhu cầu thực sự hãy đăng ký với các địa phương nơi cư trú để được sắp xếp, hỗ trợ; số còn lại nên ủng hộ chủ trương “người dân ở đâu nên ở yên ở đó” theo nguyên tắc phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Qua đó, giảm bớt khó khăn, nguy hiểm cho người dân trong quá trình di chuyển, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh trật tự và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.
Thiên Hương