Nỗ lực xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số tỉnh
Kiến trúc Chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh phiên bản 2.0 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 507/QĐ-UBND, ngày 21/7/2020 tiếp tục triển khai đem lại một số kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công (DVC) trực tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp.
|
Ông Trần Văn Thu - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết: Đến nay, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh xây dựng Trục kết nối, chia sẻ dữ liệu tỉnh theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) và đã kết nối thành công với Trục kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Theo đó, toàn tỉnh đã cài đặt được 5.528 máy tính thuộc Hệ thống giám sát mã độc tập trung và đến hết tháng 5/2022 đã phát hiện, xử lý 16.373 mã độc trên các máy tính. Trung tâm Giám sát an toàn thông tin (ATTT) mạng tỉnh đã giám sát ATTT các hệ thống thông tin (HTTT) trên địa bàn tỉnh, kịp thời đưa ra các cảnh báo, biện pháp khắc phục các lỗ hổng mất ATTT. HTTT báo cáo tỉnh (https://hethongbaocao.kontum.gov.vn) đã được triển khai đến các cơ quan hành chính từ tỉnh đến cơ sở để thực hiện báo cáo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh; đồng thời, kết nối liên thông với HTTT báo cáo Chính phủ và đã thiết lập đầy đủ chế độ báo cáo của các đơn vị vào HTTT báo cáo của tỉnh.
Bên cạnh đó, xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) như: HTTT tài chính các đơn vị hành chính sự nghiệp, tài sản công, giá (Sở Tài chính); về hộ nghèo, người có công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội); về công nghiệp, thương mại (Sở Công thương); thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ). Đặc biệt, 2 CSDL thuộc 2/8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số về quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) và các trường mầm non, phổ thông trên phần mềm SMAS (Sở GD&ĐT) để xây dựng hệ thống CSDL giáo dục tại địa phương và đồng bộ sang hệ thống CSDL quốc gia do Bộ GD&ĐT quản lý.
Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; hồ sơ ốm đau, thai sản, chế độ hưu trí, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động được thực hiện bằng hình thức giao dịch điện tử trên hệ thống giao dịch điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Hầu hết các HTTT, CSDL do các đơn vị, địa phương tự quản lý, lưu trữ trên các hạ tầng kỹ thuật của đơn vị (hoặc thuê) chưa được lưu trữ quản lý trên hệ thống tập trung.
Công tác phát triển mạng lưới cáp quang đã cung cấp dịch vụ internet cáp quang tốc độ cao đến 100% các trung tâm từ huyện đến cơ sở và đã có mạng thông tin di động 3G/4G; phát triển mạng Truyền số liệu chuyên dùng cấp I và II đến 100% các đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở. 100% cơ quan, địa phương được đầu tư trang thiết bị CNTT, lắp đặt hệ thống mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao. 100% cán bộ, công chức có máy tính kết nối Internet phục vụ công tác chuyên môn. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã phối hợp với Viễn thông Kon Tum hoàn thành triển khai hệ thống họp hội nghị truyền hình trực tuyến 4 cấp từ Trung ương đến huyện; trong đó, các huyện: Ngọc Hồi, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Đăk Glei, Sa Thầy đã triển khai đến xã. Việc phát triển mạng Truyền số liệu chuyên dùng cấp I và II đến 100% các đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở và các cơ quan Đảng, Nhà nước hoạt động thông suốt, ổn định, bảo đảm ATTT theo cấp độ.
Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh đã cấp các hộp thư với tên miền @kontum.gov.vn cho các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức đảng, đoàn thể và cán bộ, công chức, viên chức với 6.968 tài khoản để trao đổi thông tin điện tử (TTĐT) trên môi trường mạng. Chữ ký số được ứng dụng trong các giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước, góp phần tích cực trong công cuộc cải cách, hiện đại hóa hành chính công, tạo tiền đề quan trọng cho tỉnh tiến hành xây dựng CQĐT và mô hình Thành phố thông minh.
Nhờ đó, tỷ lệ văn bản có ký số trao đổi trên môi trường mạng, đặc biệt là qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành iOffice của các đơn vị hơn 99%. Một số cơ quan đã có kế hoạch chuyển đổi từ chữ ký số công cộng sang ứng dụng chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ trong các giao dịch với Kho bạc Nhà nước tỉnh và Thuế. Qua đó, đã cấp 5.553 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức của 22 đơn vị cấp tỉnh, 10 đơn vị cấp huyện/thành phố, 102 đơn vị xã/phường/thị trấn sử dụng. Hệ thống đã triển khai kết nối liên thông vào Trục liên thông văn bản quốc gia và đáp ứng yêu cầu liên thông văn bản 4 cấp (Chính phủ - tỉnh - huyện - xã). Tính đến tháng 5/2022, Hệ thống họp trực tuyến tỉnh đã phục vụ 49 cuộc họp trực tuyến, trong đó 37 cuộc họp trung ương với tỉnh và 12 cuộc họp nội tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 35 HTTT được phê duyệt cấp độ. Tỉnh đã tổ chức triển khai bảo đảm ATTT cho các HTTT theo mô hình “4 lớp”, trong đó lớp 1 “Lực lượng tại chỗ” là thành viên tổ giúp việc Ban Chỉ đạo về CQĐT tỉnh. Đối với các lớp còn lại (lớp 2, 3, 4) và nhiệm vụ triển khai Trung tâm giám sát, điều hành, an toàn, an ninh mạng tỉnh hiện đang nghiên cứu phương án triển khai thí điểm giải pháp của doanh nghiệp trên cơ sở đánh giá sự phù hợp của giải pháp để quyết định việc thuê dịch vụ.
Nhờ đó, tính đến ngày 19/5/2022, Cổng DVC trực tuyến của tỉnh (tại địa chỉ https://dichvucong.kontum.gov.vn) cung cấp 1.753 thủ tục hành chính (TTHC). Trong đó, 495 DVC mức độ 2, 196 DVC mức độ 3, 1.062 DVC mức độ 4. Việc triển khai, ứng dụng Zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ TTHC (như tra cứu mã hồ sơ, quét mã QR code qua Zalo...), cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, các thông tin về kinh tế -xã hội nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời, 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện có trang TTĐT và đã liên kết vào Cổng TTĐT của tỉnh.
Giám đốc Sở TT&TT Trần Văn Thu cho biết thêm: Thời gian tới, Sở sẽ kiến nghị các cơ quan, đơn vị của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các DVC trực tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp qua nhiều kênh thông tin, như: Báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đài truyền thanh huyện, trạm truyền thanh cơ sở, Cổng TTĐT tỉnh, trang TTĐT các cơ quan nhà nước; đồng thời, tích cực tuyên truyền đến người dân biết và thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. UBND các huyện, thành phố quan tâm, đôn đốc việc thành lập tổ công nghệ số cộng đồng để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số. Qua đó, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, người dân được tiếp cận thông tin theo cách đơn giản, hiệu quả, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.
Trần Văn Phúc