Những công trình kiến trúc gắn liền với Kon Tum
Kon Tum năm nay tròn 110 năm thành lập. Từ nghèo nàn lạc hậu, khó khăn đến nay Kon Tum đã có sự bứt phá và phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Gắn liền với sự phát triển của tỉnh là những công trình kiến trúc độc đáo như Nhà thờ gỗ, Tòa giám mục Kon Tum…, không chỉ hấp dẫn với người dân trong tỉnh mà là điểm đến của du khách thập phương khi đến với mảnh đất Kon Tum.
Nhà thờ gỗ Kon Tum (hay còn gọi là Nhà thờ chánh tòa Kon Tum) nằm trên đường Nguyễn Huệ (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum). Đây là công trình kiến trúc tôn giáo bằng gỗ vô cùng độc đáo với hơn 100 năm lịch sử và là nhà thờ đẹp bậc nhất Tây Nguyên. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1913 đến 1918 do một linh mục người Pháp khởi xướng. Một điều trùng hợp là năm 1913 cũng là năm tỉnh Kon Tum chính thức được thành lập.
Nhà thờ gỗ được thiết kế theo kiến trúc Romantic, phối hợp hài hoà kiểu nhà sàn của người Ba Na nên đậm sắc thái văn hóa, tín ngưỡng và truyền thống của người dân cao nguyên. Từ những đường nét họa tiết đến những điểm nhấn trên chất liệu đều mang những nét độc đáo, tinh xảo. Nhà thờ gỗ có diện tích khoảng 700m², là một “đại công trình” khép kín gồm giáo đường, nhà khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông. Ngoài ra, còn có cô nhi viện, cơ sở may, dệt thổ cẩm… của đồng bào dân tộc tại chỗ.
|
Nhà thờ được làm hoàn toàn từ chất liệu gỗ cà chít và được thiết kế theo phong cách Romantic kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Tây Nguyên. Bên trong khu vực thánh đường có rất nhiều hàng cột nhỏ liên kết với nhau qua những vòng kính gỗ, các ô cửa kính màu vẽ lại những điển tích nổi bật trong kinh thánh. Chính vì vậy, thánh đường có ánh sáng tự nhiên tạo nên vẻ rực rỡ đầy tráng lệ. Hoạ tiết đậm văn hóa, bản sắc của đồng bào dân tộc bản địa cùng với màu nâu của gỗ cũng là điểm nhấn độc đáo và thu hút của công trình này. Với kiểu thiết kết độc đáo, nhà thờ gỗ là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi đến với Kon Tum.
Trong những ngày này, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh Kon Tum đã và đang thi đua lao động và tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh. Khi du khách đến với Kon Tum dự các sự kiện kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh còn được ngắm, chiêm ngưỡng ngôi nhà thờ gỗ đã trường tồn cùng với sự phát triển của tỉnh nhà.
Tương tự, Toà giám mục Kon Tum (tên gọi đầy đủ là Chủng viện thừa sai Kon Tum) cũng là công trình kiến trúc độc đáo và lâu đời ở Kon Tum. Công trình này đến nay cũng đã gần 90 năm tuổi.
Tòa giám mục Kon Tum tọa lạc ở đường Trần Hưng Đạo (phường Thống Nhất), được xây dựng vào năm 1935 ngay ở trung tâm thành phố nên khá thuận tiện. Tòa giám mục dài 100m được thiết kế 3 tầng, trong đó, hai tầng trên là kết cấu khung gỗ, lợp ngói còn tầng 1 bằng gạch chắc chắn. Công trình này có hệ thống hành lang rộng, sàn, cột, kèo, cầu thang được xây dựng từ chất liệu gỗ quý của địa phương. Đây là một trong những công trình kiến trúc đẹp có sự kết hợp kiến trúc Tây phương với văn hóa bản địa vô cùng hài hòa. Trừ hàng trụ dưới sàn nhà làm bằng xi măng cốt thép, còn lại toàn bộ ngôi nhà được xây dựng bằng các loại gỗ, có độ bền cao với thời gian. Nằm khuất sau hai rặng sứ luôn rợp bóng mát, Tòa giám mục mang dáng vẻ yên bình như chính nhịp sống của người Tây Nguyên. Đây cũng là điểm hấp dẫn đối với du khách thích khám phá, chiêm nghiêm kiểu kiến trúc đẹp, độc đáo.
|
Ngoài 2 công trình có kiến trúc độc đáo và lâu đời nói trên thì cầu treo Kon Klor cũng là một công trình gắn liền với sự phát triển của tỉnh Kon Tum sau khi tỉnh được thành lập lại (năm 1991). Cầu treo Kon Klor được xây dựng sau khi tỉnh ta được thành lập lại đúng 3 năm (năm 1994). Cầu có chiều dài 292m, rộng 4,5m, được làm hoàn toàn bằng sắt, theo thiết kế kiểu dây văng, được sơn màu vàng cam nổi. Cây cầu nối đôi bờ sông Đăk Bla giúp người dân đi lại thuận lợi giữa hai bờ Nam-Bắc.
Đặc biệt, bên cạnh cầu treo Kon Klor là ngôi nhà rông Kon Klor được thiết theo đúng kiểu truyền thống của người Ba Na và nằm bên bờ sông Đăk Bla thơ mộng, tạo thành bức tranh phong cảnh nên thơ, hữu tình trong lòng thành phố. Chính sự kết hợp hài này giúp đây cũng là điểm đến hấp dẫn đối với du khách khi đến với Kon Tum.
Cùng với những công trình độc đáo đi cùng sự phát triển của tỉnh, thì những công trình mới được xây dựng cũng mang nét kiến trúc đặc trưng riêng. Có thể kể đến dự án đường và cầu từ Tỉnh lộ 671 đi Quốc lộ 24 (gọi tắt là cầu qua Ngục Kon Tum) kết hợp đập tràn. Cầu dài 216m, có 9 nhịp, khổ cầu 8m. Cầu được thiết kế khá đẹp, trên mặt cầu được thiết kế 5 trụ theo kiểu dáng mái nhà rông cao vút của đồng bào dân tộc Ba Na. Điều đặc biệt, cầu nối thẳng đến Khu di tích lịch sử quốc gia Ngục Kon Tum-nơi giam giữ tù chính trị do Pháp xây dựng năm 1930. Đây cũng là nơi chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum được thành lập. Chính vì vậy, công trình Đập tràn Bạch Đằng trên sông Đăk Bla (thuộc dự án đường và cầu từ Tỉnh lộ 671 đi Quốc lộ 24) đã được UBND tỉnh thống nhất là 1 trong 4 công trình gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Kon Tum.
Những công trình nói trên đều là những công trình có kiến trúc độc đáo, gắn liền với sự phát triển của tỉnh ta. Đó là niềm tự hào của người dân và là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh khi đến với Kon Tum.
Phúc Nguyên