Những chuyến đi lúc nửa đêm
Nhiều người cho rằng, nghề báo“sướng”, được đi đây đi đó, biết được nhiều nơi, quen được nhiều người. Nhưng qua 20 năm trải nghiệm với nghề, tôi nhận ra rằng, nghề báo không hào nhoáng như những gì mọi người thường nghĩ.
Nghề báo gắn liền với những chuyến đi để ghi nhận, phản ánh về những gì tai nghe mắt thấy, những gì mình cảm nhận được từ thực tế. Mỗi chuyến công tác, mỗi chuyến đi là những trải nghiệm để lại nhiều dấu ấn, kỷ niệm khó quên.
20 năm trong nghề, tôi đã đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Mỗi chuyến đi là đầy ắp những kỷ niệm, của sự trách nhiệm với nghề. Kỷ niệm về nghề thì rất nhiều tôi không thể kể ra hết được trong khuôn khổ bài viết này. Nhưng những kỷ niệm về những chuyến đi đột xuất lúc nửa đêm với tôi dù đã nhiều năm trôi qua đến nay vẫn nhớ như in không thể nào quên.
Hồi ấy, khi mới bước vào nghề, tôi cùng anh bạn đồng nghiệp có chuyến công tác lên huyện Đăk Tô. Một buổi tối, sau khi lai rai vài ly rượu với mấy anh em bạn bè, chúng tôi đi ngủ và định bụng mai dậy sớm đi tiếp Ngọc Hồi. Đang chìm trong giấc ngủ sâu, chiếc chuông điện thoại reo vang khiến tôi bật dậy. Dậy nhanh đi chú. Đi bắt “vàng tặc”-anh bạn cảnh sát hình sự Công an huyện Đăk Tô thúc giục. Không kịp chuẩn bị, tôi mặc đồ rồi lấy cái máy ảnh chạy lên Công an huyện. Khi ấy, các chiến sĩ công an đã chờ sẵn, hai anh em chúng tôi cùng 4 chiến sĩ cảnh sát hình sự lên chiếc xe U oát thẳng tiến đến bãi vàng Đăk Ri Pen (xã Tân Cảnh). Luồn qua những cánh rừng hun hút, gần nửa tiếng đồng hồ, chiếc xe của chúng tôi mới đến đầu bãi vàng. Bất chợt chúng tôi nhận được “cơn mưa đá” của “vàng tặc” tấn công.
|
Chúng tôi đóng kín cửa, ngồi yên trên xe. Những “cơn mưa đá” vẫn liên tục trút xuống khiến kính xe bị rạn, vỡ. Thấy tình hình “vàng tặc” manh động, các chiến sĩ công an buộc phải điện thoại về đơn vị, chính quyền đề nghị hỗ trợ thêm lực lượng. Khoảng 15 phút sau, khi thấy lực lượng đến đông, các đối tượng “vàng tặc” hung hãn mới bỏ trốn vào rừng sâu. Khi ấy, chúng tôi mới tiếp cận được bãi khai thác vàng trái phép. Sau khi thâm nhập bãi vàng, ghi nhận sự nỗ lực, gian khổ, khó khăn của các chiến sĩ công an và các lực lượng chức năng trong việc dẹp nạn “vàng tặc”, chúng tôi có loạt phóng sự nhiều kỳ thu hút được sự quan tâm, đánh giá cao của độc giả.
Tương tự, một đêm khoảng trung tuần tháng 3 năm 2014, tôi và anh bạn đồng nghiệp đang ngủ say. Đến khoảng gần 1h sáng, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại reo vang. Tưởng chuyện gì, mắt nhắm mắt mở vội cầm chiếc điện thoại lên thì phía đầu bên kia nói vọng: Anh ơi. Em chạy từ thành phố Kon Tum lên đến Ngọc Hồi thấy nhiều xe gỗ chở cao ngất ngưởng về lắm. Mà thấy có nhiều xe không hề vào trạm cân để kiểm tra tải trọng.
Khi ấy, dù đã rất mệt, nhưng máu nghề nghiệp, trách nhiệm với nghề, hai chúng tôi bật dậy. Tôi và anh bạn đồng nghiệp mặc chiếc áo ấm, lấy chiếc máy ảnh rồi lên chiếc xe máy đi theo những chiếc xe chở gỗ “khủng”. Suốt gần 4 tiếng đồng hồ đêm hôm ấy, chúng tôi bám theo hành trình những chiếc xe chở gỗ “khủng” để ghi hình, quay video làm tư liệu, bằng chứng. Cứ thế, trong nhiều ngày đêm liên tục theo dõi hoạt động của những chiếc xe chở gỗ “khủng”. Tư liệu đã đủ, chúng tôi tập trung viết bài và sau đó, loạt bài phóng sự điều tra ra đời được độc giả quan tâm đánh giá cao. Sau loạt bài ấy, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý. Và cũng từ đó, tình trạng xe chở quá tải, cao ngất ngưởng được hạn chế. Sau này, phần thưởng xứng đáng cho những đêm vất vả lần theo hành trình những chiếc xe chở gỗ “khủng” là loạt phóng sự điều tra ấy đạt giải A giải báo chí chất lượng cao của tỉnh Kon Tum năm 2014.
|
Một kỷ niệm khó quên khác với tôi trong chuyến đi tác nghiệp lúc nửa đêm là về vụ tai nạn giao thông trên đèo Lò Xo tháng 3 năm 2018. Khi ấy, cũng khoảng hơn 1h sáng, đang ngủ say tôi bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại reo liên hồi. Mắt nhắm mắt mở, tôi vội lấy điện thoại lên nghe. Phía đầu dây bên kia, Đại tá Lê Đình Toàn-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh: Trên đèo Lò Xo mới có vụ xe khách lao xuống vực sâu. Chưa rõ thương vong thế nào. Chú có đi thì lên Phòng đi cùng xe với anh em.
Nghe vậy, tôi bật dậy, rửa vội mặt rồi lấy đồ nghề chạy xe máy lên Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh. Lên tới nơi, trung tá Dương Văn Khôi - Phó Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh cùng lái xe đã chờ sẵn. Và chúng tôi chạy một mạch lên đèo Lò Xo (xã Đăk Man, huyện Đăk Glei). Sau hơn 3 tiếng, đến hơn 4 giờ sáng chúng tôi mới có mặt tại đèo Lò Xo. Khi ấy, trời vẫn tối đen, các lực lượng chức năng của huyện Đăk Glei và xã Đăk Man vẫn đang khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, đưa người bị nạn trong xe khách từ dưới vực lên đi cấp cứu. Được chứng kiến tận mắt những nỗ lực ấy, tôi vội vã ghi lại những hình ảnh, rồi tranh thủ phỏng vấn và đưa thông tin nhanh về tòa soạn. Chỉ vài giờ sau, những dòng tin tức về vụ việc và những nỗ lực cứu hộ cùng những hình ảnh chân thực nhất về vụ tai nạn được đăng tải trên Báo Kon Tum. Thông tin kịp thời đó được độc giả ghi nhận và đánh giá cao.
Mỗi chuyến công tác, được gặp gỡ, trò chuyện với nhân vật, sự kiện và nhất là những chuyến đi tác nghiệp lúc nửa đêm là những kỷ niệm, những dấu ấn không thể nào quên trong đời làm báo của tôi. Tôi cũng cám ơn nghề báo đã cho tôi nhiều trải nghiệm, giúp tôi trưởng thành hơn, tận tụy và càng yêu nghề hơn.
Văn Phương