Những cái khó trong triển khai “một cửa” ở cấp xã
Những năm qua, việc thực hiện cơ chế “một cửa” cấp xã đã góp phần đảm bảo tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch trong giải quyết công việc hành chính. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhiều đơn vị xã, phường vẫn gặp nhiều khó khăn, gây hạn chế trong việc giải quyết các thủ tục, giấy tờ.
“Việc thông, công thoáng”
Thời điểm đầu năm học, ở các xã, phường, lượng người đi công chứng, hoàn chỉnh giấy tờ cho con vào nhập học rất đông.
Tại xã Vinh Quang, bắt đầu giờ làm việc, nhiều người dân đã đến làm các thủ tục. Mặc dù số lượng giấy tờ, hồ sơ khá nhiều, song mọi việc được giải quyết rất nhanh chóng.
|
Anh Ngô Nhất Quý, ở thôn Phương Quý 2 nói: Tôi tới đây chỉnh lại giấy khai sinh để làm chứng minh nhân dân. Ngày trước khi làm giấy tờ, hồ sơ, chúng tôi phải tự tìm đến các phòng cán bộ chuyên trách nhưng nay chỉ cần đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, nộp giấy tờ vào, có việc được giải quyết ngay, có việc được hẹn ngày đến lấy.
“Có hồ sơ chưa đủ theo quy định, tôi được cán bộ giải thích, hướng dẫn hoàn thiện. Không chỉ giảm việc đi lại hay tìm kiếm, mọi việc còn được giải quyết rất nhanh nên rất hài lòng” - anh Quý bày tỏ.
Sổ hộ nghèo của chị Y Ye ở làng Kon Hra Chốt, phường Thống Nhất bị sai tên nên chị phải lên phường sửa lại gấp để bổ sung vào hồ sơ, xin miễn giảm học phí cho con.
Đầu giờ chiều chị lên, vừa bày tỏ nguyện vọng, chị liền được hướng dẫn nộp các giấy tờ liên quan vào bộ phận một cửa. “Mình ngồi đợi khoảng 20 phút thì giấy tờ xong xuôi. Mấy lần trước cũng vậy, việc công chứng, làm các thủ tục rất nhanh nên rất hài lòng” – chị Y Ye nói.
Tại xã Đăk Rơ Wa, ngay từ khi triển khai “một cửa”, các cán bộ đều nắm bắt tốt nội dung công việc, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ nhanh, gọn. Trong quý III năm 2016, bộ phận “một cửa” tại xã đã tiếp nhận tổng số 629 hồ sơ, trong đó tiếp nhận mới 611 hồ sơ, kỳ trước chuyển qua 18 hồ sơ. Đến nay, xã đã giải quyết xong 620 hồ sơ (đúng hạn 612 hồ sơ, quá hạn 8 hồ sơ), 9 hồ sơ chưa giải quyết (trong đó 7 hồ đang trong thời hạn giải quyết và 2 hồ sơ quá hạn).
“Những hồ sơ quá hạn chủ yếu do người dân chậm trễ trong việc nộp bản kê khai thuế nên chưa thực hiện được. Đối với những trường hợp quá hạn, nếu lỗi từ phía xã, chúng tôi sẽ có giấy xin lỗi dân và trình bày rõ nguyên nhân vì sao giải quyết trễ. Nhưng nhìn chung, từ trước đến nay mọi việc công chứng và các hồ sơ đơn giản đều được xã giải quyết trong ngày, nhanh chóng cho bà con” – chị Y Khiêm - Phó Chủ tịch UBND, trưởng bộ phận “một cửa” xã Đăk Rơ Wa cho biết.
Ngoài việc giải quyết các công việc nhanh chóng, từ khi thực hiện “một cửa”, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các xã, phường đều niêm yết công khai các thủ tục hồ sơ, giấy tờ, biểu mẫu có liên quan; các khoản phí, lệ phí cũng được dán ở chỗ dễ nhìn thấy để mọi người nắm bắt; thời hạn giải quyết hồ sơ, danh mục, những lĩnh vực áp dụng thực hiện giúp mọi tổ chức và công dân tham khảo trước khi làm các thủ tục giải quyết công việc liên quan.
Chị Y Khiêm nói rằng, các khoản thu kinh phí được xã thực hiện công khai. Vì xã thuộc diện đặc biệt khó khăn nên các hộ nghèo đến công chứng hoặc làm một số hồ sơ được miễn giảm các mức phí và mức giảm được xã dán trực tiếp trước cửa phòng một cửa để bà con theo dõi.
Vẫn gặp khó
Đến nay, xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei) vẫn làm việc trong trụ sở cũ. Mặc dù xã đã triển khai thực hiện “một cửa” theo quy định nhưng điều kiện vật chất và cán bộ đều không đảm bảo.
Trong căn phòng chỉ rộng chừng 20m2 là nơi làm việc của Phó Chủ tịch UBND xã, cán bộ địa chính, văn hóa xã hội, tư pháp, lao động thương binh xã hội và cũng là nơi tiếp nhận và trả kết quả của bộ phận “một cửa”.
Trong phòng chỉ có 1 máy tính và 1 chiếc bàn dài để các cán bộ chuyên trách tiếp nhận hồ sơ. Phía ngoài, công dân đến làm việc không có chỗ ngồi đợi.
Anh A Sinh – cán bộ tư pháp xã nói: Không gian chật chội, nhích qua, nhích lại cũng khó khăn. Không có ngăn cách, bàn thì nhỏ nên nhiều lúc giấy tờ cũng lộn xộn. Chúng tôi cũng cố gắng giải quyết các thủ tục cho bà con một cách sớm nhất nhưng nhiều lúc máy móc trục trặc, nên đôi khi có phần chậm trễ.
Tương tự, tại xã Đăk Rơ Wa, bộ phận “một cửa” làm việc trong phòng nhỏ, ẩm thấp. Trên chiếc bàn dài, xã đặt các tấm biển với các chức danh cụ thể để bà con tìm đến nộp hồ sơ, giấy tờ cho “đúng người, đúng việc”. Tuy nhiên, vị trí chật hẹp nên công dân cũng không có chỗ đứng để làm việc cho hiệu quả. Đồng thời, máy móc đã “cũ kĩ” nên việc photo, giải quyết các giấy tờ đôi khi chậm trễ.
“Máy tính hoạt động rất chậm còn máy phô tô thì hư lên hư xuống, sửa đi sửa lại mãi. Cũng may ở xã, lượng hồ sơ cũng ít nên mọi việc đảm bảo” – chị Y Khiêm cho hay.
Một vướng mắc khác trong thực hiện cơ chế “một cửa” ở các xã, phường đó chính là việc cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Hơn thế, các địa phương luôn có biến động về cán bộ nên tính chuyên nghiệp trong công tác này chưa cao.
Là cán bộ văn phòng, 2 tuần nay, anh Nguyễn Đức Tin ở xã Vinh Quang được chuyển sang tiếp nhận, trả hồ sơ địa chính ở bộ phận “một cửa”. Mới tiếp nhận, còn lúng túng trong giải quyết công việc nhưng anh còn phải kiêm nhiệm thêm nhiều việc khác: đóng dấu, chứng thực, thu lệ phí…
“Nhiều lúc tiếp nhận hồ sơ, người dân hỏi thì mình không trả lời thỏa đáng được mà chỉ hẹn người dân và chuyển hồ sơ, giấy tờ đến với cán bộ chuyên trách giải quyết” – anh Tin cho biết.
Hay ở xã Đăk Rơ Wa, cán bộ từ các phòng, ban chuyên môn được phân công trực tại “một cửa” vào tất cả các ngày làm việc trong tuần. Mà điều này gây khó khăn trong giải quyết công việc.
Đơn cử như cán bộ địa chính, ngoài việc tiếp nhận hồ sơ, cán bộ phải đi thực địa, đo đạc. Nhiều lúc cán bộ đi đo đạc đất thì không thể tiếp công dân mà như thế thì gây chậm trễ trong việc tiếp nhận hồ sơ của người dân.
Hơn thế, trong quá trình đi làm, một số cán bộ “một cửa” còn theo học các lớp chính trị, một vài cán bộ nữ trong chế độ thai sản khiến việc giải quyết công việc gặp không ít khó khăn.
Tại xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) cũng vậy, vì thiếu cán bộ nên xã có hợp đồng thêm một cán bộ tư pháp không chuyên trách làm ở bộ phận “một cửa”. Và, xã cũng quy định, với bộ phận tư pháp, một tuần sẽ tiếp công dân vào thứ 2 và thứ 5.
“Dù đã được thông báo nhưng bà con không nắm được, khi nào có việc cần công chứng, họ lại tìm đến xã công chứng. Khi đến, không có cán bộ họ lại phải đi về và than trách xã chậm giải quyết hồ sơ…” - anh A Trúc - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.
Việc thiếu cán bộ, cán bộ kiêm nhiệm gây nhiều khó khăn trong giải quyết công việc. Tuy nhiên, với những điều kiện khó khăn nhất định, hiện tại các xã vẫn đang cố gắng từng ngày trong việc thực hiện, đảm bảo giải quyết hồ sơ nhanh nhất, tốt nhất cho bà con.
Bình An