Nhớ thuở mũ rơm
Năm đó, những chiếc mũ rơm của các cháu được chính tay ông bà của bà khéo léo làm nên. Khi mùa gặt vừa xong, bà ngoại cẩn thận giữ lại, để dành mớ rơm vàng óng. Và ông ngoại đã tỉ mẩn bện thành. Mũ rơm trưa nắng đi học, chiều về, thong thả trên lưng. Mũ rơm theo bọn con trai thả trâu ngoài bãi, cùng mấy đứa con gái ra ao vớt bèo.
Sáng nay, bà ngồi tỉ mẩn xếp sắp lại tư trang và đồ dùng, dụng cụ học tập của cháu gái. Một mùa khai giảng lại đến, bà chờ dắt tay cháu gái vào lớp. Chỉ mới mong thôi, bà đã xốn xang. Mỗi năm một mùa tựu trường, một lần khai giảng, bà hay nhớ về những kỷ niệm đã xa. Cách đây vừa gần 50 năm, cô bé ngày xưa bước vào lớp 1. Cái thời mũ rơm đi học, làm sao nỡ quên.
Bà nhớ như in, đó là năm học 1971-1972, ở một vùng quê miền Bắc. Cuộc kháng chiến cứu nước càng thêm ác liệt, khi giặc Mỹ điên cuồng bắn phá “hậu phương lớn” của ta. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, chủ động chống sát thương do bom đạn, nhất là bom bi gây ra, tất cả học sinh đến trường đều có mũ rơm “bảo hộ”.
Năm ấy, bà vào lớp 1, còn chị gái thì lên lớp 2. Gia đình sơ tán về ở tạm trong một ngôi chùa nhỏ. Những lớp học được đào sâu trong lòng đất dưới rừng cây bạch đàn tốt tươi. Ba đi B, mẹ ở nhà một nách 4 con dại. Cuộc sống khó khăn, vất vả không biết còn chật vật đến đâu nếu không có sự chăm lo của ông bà ngoại.
|
Ngày ấy, mũ rơm của bọn trẻ đến trường phổ biến gồm hai kiểu chính: Một kiểu có hình dáng như chiếc bát úp (thường gọi là mũ nồi), đơn giản với phần chóp mũ tròn, thân mũ hơi loe một chút về phía “miệng” mũ. Kiểu còn lại là mũ rơm có vành. Tức là, từ phía thân mũ, có thêm phần vành mũ được bện tròn, kết chặt. Đội đầu, mũ có vành thường nặng hơn mũ nồi, nhưng lại được tạo dáng đẹp hơn và có khả năng che chắn tốt hơn.
Năm đó, những chiếc mũ rơm của các cháu được chính tay ông bà của bà khéo léo làm nên. Khi mùa gặt vừa xong, bà ngoại cẩn thận giữ lại, để dành mớ rơm vàng óng. Và ông ngoại đã tỉ mẩn bện thành. Những sợi rơm “cái” mà bà đã chọn kỹ được ông xếp theo chiều dài, ép chặt thành từng “lõi” tròn, đường kính bằng chừng ngón tay út nhỏ. Cũng theo chiều dài của những sợi rơm, từng lõi rơm được kết đến đâu, là được thắt nút ngay đến đấy. Từ những lõi rơm đều đặn, chắc chắn, phần chóp mũ, thân mũ, xuống vành mũ lần lượt được thành hình. Mũ rơm đẹp không chỉ nhờ sự khéo léo của người bện mũ mà còn tùy thuộc vào những sợi rơm mảnh dài, bền chặt. Vì vậy, những chiếc mũ được các cháu mang khoe khắp xóm làng, ông cũng mừng vui.
Đến nay bà vẫn nhớ mũ rơm thô mộc ngày xưa từng đã đội đầu. Mũ rơm trưa nắng đi học, chiều về, thong thả trên lưng. Mũ rơm theo bọn con trai thả trâu ngoài bãi, cùng mấy đứa con gái ra ao vớt bèo. Làm bạn thân thiết cùng nhau, đến cuối năm học lớp 1 ấy thì mũ rơm cũng đã cũ sờn, thêm cả lần thay mới. Tuy vậy, sang năm bà học lớp 2 thì nó không còn. Trường lớp không phải ở vùng sơ tán nữa, bọn trẻ theo gia đình về với xóm làng. Mũ nan, mũ cọ… đội đầu trở lại.
Gần nửa thế kỷ đi qua, một thời mũ rơm chỉ còn trong ký ức, mỗi lúc nhớ về những kỷ niệm, vẫn thấy thương sao là thương!
Thanh Như