Người cách ly tại nhà “không ra ngoài” để góp phần giữ “vùng xanh”
Trong khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, việc quản lý chặt chẽ các trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú có ý nghĩa rất quan trọng trong giữ vững “vùng xanh”.
Hẳn nhiều người vẫn chưa thể quên trường hợp cô gái tên Đ.T.N.M (trú tại thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) là F1, trở về từ thành phố Đà Nẵng (tháng 7/2020), được yêu cầu cách ly tại nhà, nhưng vẫn đi uống trà sữa với bạn, tiếp xúc với nhiều người khác, trước khi được đưa đi cách ly tập trung.
Rất may là cô gái này không bị nhiễm SARS-CoV-2, nhưng hành vi “tung tăng” ngoài đường khi đang phải cách ly tại nhà của cô đã khiến lực lượng chức năng vất vả (trong việc điều tra, truy vết, triển khai các biện pháp phòng dịch) và nhiều người vô tình gặp gỡ một phen “hoảng hồn” và phải đi cách ly tập trung.
Đó là chưa kể, nếu cô gái ấy là F0, thì hậu quả khó mà lường hết.
Nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng, việc quản lý chặt chẽ, cũng như sự tự giác của các trường hợp cách ly tại nhà có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong nỗ lực giữ vững “vùng xanh”.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 550 trường hợp đang cách ly tại nhà; hàng trăm trường hợp đang giám sát, theo dõi, quản lý sức khỏe sau cách ly tập trung.
Nhằm kịp thời, chủ động ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng từ bên trong, Ban Chỉ đạo đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ những trường hợp cách ly y tế tại nhà. Phát huy vai trò tổ công tác cộng đồng phòng, chống dịch bệnh trong giám sát, nhắc nhở người cách ly tại nhà chấp hành quy định.
|
Ngành Y tế chủ động phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các trường hợp nói trên đúng chỉ định, đúng thời hạn, phấn đấu không bỏ sót bất cứ trường hợp nào.
Là một trong những địa phương có khá đông lao động, sinh viên từ các tỉnh, thành khác trở về quê “tránh dịch”, UBND thành phố Kon Tum đã chỉ đạo triển khai quyết liệt khâu phân loại đối tượng ngay từ chốt kiểm soát; tổ chức lực lượng giám sát chặt chẽ người cách ly tại nhà.
Theo số liệu thống kê ngày 21/8, thành phố Kon Tum có 279 trường hợp thực hiện cách ly tại nhà (từ ngày 27/4 đến ngày 21/8 là 7.470 trường hợp). UBND thành phố giao trách nhiệm cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã, phường thực hiện tiếp nhận các trường hợp này để quản lý, cách ly, theo dõi theo quy định phòng, chống dịch.
Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ cộng đồng phòng, chống dịch bệnh; giao Công an thành phố chỉ đạo lực lượng công an tại các xã, phường tăng cường hoạt động kiểm soát địa bàn, phối hợp giám sát việc thực hiện cách ly y tế tại nhà nhằm đảm bảo không có trường hợp vi phạm.
Các trường hợp này được yêu cầu ký cam kết tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, đặc biệt là nội dung “không được ra khỏi nhà/nơi lưu trú”; tổ chức gắn biển nhận diện cách ly tại nhà/theo dõi sức khỏe tại nhà, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Chỉ kết thúc cách ly/theo dõi sức khỏe tại nhà với người có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 lần cuối âm tính- ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum nhấn mạnh.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Kon Tum, ý thức, tinh thần trách nhiệm và sự tự giác của các trường hợp cách ly tại nhà khá tốt. “Đây chính là hành động thiết thực chung tay cùng địa phương chống dịch thành công”- ông Nguyễn Thanh Mân đánh giá.
Trần Thanh Hùng (đường Trần Phú, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) là một kỹ sư tin học, làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay từ đầu tháng 5/2021, khi dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, Hùng được công ty cho làm việc trực tuyến, nên quyết định về quê.
“Ngay khi mới về, em đến trạm y tế để khai báo, được yêu cầu cách ly tại nhà, nên trong 21 ngày, em không đi ra ngoài, không ăn uống chung với gia đình; giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và hàng ngày tự cập nhật thông tin, theo dõi sức khỏe…”- Hùng chia sẻ.
Kết thúc thời gian cách ly, Hùng tổ chức diễn đàn online để tuyên truyền, vận động các bạn sinh viên về nhà nghỉ “tránh dịch” chấp hành nghiêm túc việc cách ly và các quy định phòng, chống dịch của địa phương, cũng như hướng dẫn cách sử dụng thời gian cách ly hữu ích.
Tôi từng hỏi chị Ngô Thị Thúy- Trưởng thôn Kon Tu 2, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum rằng, những người áp dụng cách ly tại nhà có thực hiện nghiêm túc quy định “ở nhà” không?
Về cơ bản là có. Bởi ai cũng hiểu, ở nhà là vì sức khỏe của chính họ, và gia đình. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp cá biệt, muốn trốn ra ngoài, nhưng đều được người nhà hoặc tổ cộng đồng nhắc nhở kịp thời- nữ trưởng thôn trả lời.
Tôi cũng tin là như vậy. Vì nhìn từ xóm mình, có mấy sinh viên trở về từ thành phố Đà Nẵng khi đợt dịch thứ tư bùng phát, tất cả đều chấp hành rất nghiêm túc việc cách ly tại nhà, dĩ nhiên là dưới sự giám sát của chính người nhà và hàng xóm.
Nhưng không ai dám chắc trong những ngày tới, tất cả mọi người đều “làm đúng những gì phải làm”. Nghĩa là vẫn có thể một ngày đẹp trời nào đó, sẽ có người cố tình rời khỏi nhà hoặc nơi cư trú khi đang phải áp dụng cách ly tại nhà.
Vì vậy, cùng với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch của ngành chức năng và chính quyền, thì mỗi người dân, trong đó có các trường hợp cách ly tại nhà (hoặc hết thời gian cách ly tập trung trở về nhà) cần tiếp tục nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác, “không ra ngoài” để góp phần giữ “vùng xanh”.
Hồng Lam