Ngày Biên phòng toàn dân và sức mạnh đại đoàn kết
Ngày 3/3 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập lực lượng Bộ đội Biên phòng, mà trở thành ngày hội lớn của tình quân dân, gắn kết và biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
|
Tháng 3, trên khắp nẻo biên cương, một trong những ngày được nhân dân các dân tộc mong đợi nhất là Ngày Biên phòng toàn dân 3/3.
Từ tuyến biên giới với Vương quốc Campuchia (dài hơn 138km) đến dọc dài biên giới với nước Lào (dài hơn 154,2km), qua 13 xã thuộc 4 huyện (Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai) với 99 thôn (làng), đâu đâu cũng náo nức không khí lễ hội trong những ngày qua.
Vào ngày hội, từ sáng sớm, người dân đủ các lứa tuổi đã dồn về trung tâm xã để tham gia, theo dõi các hoạt động. Địa điểm tổ chức ngày hội đã được dọn dẹp sạch sẽ từ mấy ngày trước, hôm nay giăng đèn kết hoa, khán đài kê cao, rực rỡ cờ Tổ quốc.
Ôm thật chặt, và bắt tay thật chặt, bà con nói “biết ơn các anh bộ đội biên phòng lắm”. Các anh không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, mà còn giúp đỡ, sẻ chia khi vui buồn, hoạn nạn; hướng dẫn ăn ở hợp vệ sinh; bỏ nếp nghĩ cũ, cách làm cũ; dạy chữ cho con em.
Sau phần lễ, mọi người hào hứng xem các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”; cùng các chiến sĩ biên phòng tham gia các trò chơi dân gian. Màu quân phục xanh xen lẫn sắc chàm của người Tày, thổ cẩm rực rỡ của người Thái, Mường, Xơ Đăng, Gié-Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơ Măm.
Niềm vui, nụ cười làm núi rừng bừng sáng!
Cũng trong dịp này, nhiều hoạt động được phối hợp tổ chức như: Nói chuyện về lực lượng Biên phòng cho học sinh; nói chuyện truyền thống trong Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ; biểu diễn văn nghệ, chiếu phim để chung vui giữa nhân dân và Bộ đội Biên phòng.
Bên cạnh đó còn có các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, phổ biến mô hình, cách làm hay trong quá trình thực hiện phong trào, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh.
Hình ảnh ấy, không khí ấy, tình cảm ấy đã được tiếp nối, được bồi đắp suốt 35 năm qua.
Sáng 1/3, phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2024), 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2024), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, 35 năm qua, Ngày Biên phòng toàn dân đã thực sự trở thành ngày hội toàn dân, tạo nên đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng.
Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, sau 35 năm thực hiện, Ngày Biên phòng toàn dân đã trở thành ngày hội của nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới. Có ý nghĩa quan trọng trong tuyên truyền, vận động nhân dân hướng về biên giới, đóng góp công sức bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới trong mọi tình huống.
Thành công của Ngày Biên phòng toàn dân một lần nữa khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Đảng, hợp lòng dân, phù hợp với thực tế đất nước, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân và cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển- Chủ tịch nước nhấn mạnh.
|
Ở tỉnh ta, ngày 3/3 không chỉ là ngày kỷ niệm của lực lượng Bộ đội Biên phòng, mà đã trở thành ngày hội lớn của tình quân dân. Là biểu hiện cụ thể của sự gắn kết và khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Với việc tổ chức tốt Ngày Biên phòng toàn dân, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về công tác Biên phòng và nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia ngày càng được nâng lên.
Sự đoàn kết hiệp đồng chiến đấu và giúp đỡ lẫn nhau giữa Bộ đội Biên phòng với nhân dân và các lực lượng được tăng cường. Lòng yêu nước, ý thức cảnh giác và tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền Biên phòng toàn dân được nâng cao.
Có vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và trong thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân, Bộ đội Biên phòng đã thực hiện nhiệm vụ bằng tất cả trách nhiệm và tấm lòng, được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.
Với phương châm “ba bám, bốn cùng” với đồng bào biên giới, Bộ đội Biên phòng đã triển khai nhiều chương trình, phong trào, mô hình, cách làm hay, như: Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau; Chung sức xây dựng nông thôn mới; Nâng bước em đến trường; Con nuôi Đồn Biên phòng; Điểm sáng văn hóa vùng biên; Tiếng loa biên phòng; Cán bộ biên phòng tăng cường xã; Xuân biên phòng ấm lòng dân bản.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ Biên phòng luôn tâm niệm "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt". Họ cùng ăn, cùng làm, cùng ở với dân; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia củng cố khối đại đoàn kết, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Ở tất cả các mặt trận, từ giúp dân xóa đói, giảm nghèo; xóa bỏ hủ tục; làm đường giao thông đến xây dựng thôn, làng “no đủ - vững mạnh - an toàn”, đều in đậm dấu ấn của cán bộ, chiến sĩ.
Không ít cán bộ, chiến sĩ Biên phòng thành "kỹ sư nông nghiệp", hướng dẫn bà con trồng lúa nước, cây ăn quả; tuyên truyền người dân ăn ở hợp vệ sinh làm thầy giáo dạy chữ. Chuyện vui, chuyện buồn, các anh đều có mặt giúp đỡ, sẻ chia.
Mỗi hành động đẹp, việc làm tốt của chiến sĩ Biên phòng nơi biên giới đã góp phần tăng thêm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm sáng đẹp hơn hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Vì vậy, cũng chẳng có gì lạ, khi nhân dân khu vực biên giới luôn xem Bộ đội Biên phòng như người thân, như con em mình. Và mỗi người dân tự giác trở thành tai mắt của Bộ đội Biên phòng, sát cánh cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc của Tổ quốc.
Nền Biên phòng toàn dân và thế trận Biên phòng toàn dân cũng vì vậy mà ngày càng được củng cố vững chắc.
Thành Hưng