Sắp xếp tinh gọn bộ máy ngành Giáo dục và Đào tạo
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm tinh gọn tổ chức, bộ máy và mang lại nhiều kết quả tích cực.
Đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã giảm 3 đơn vị thuộc Sở, từ 10 đơn vị xuống 7 đơn vị; giảm 12 lãnh đạo cấp phòng và giảm từ 47 biên chế xuống còn 41 biên chế. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chú trọng thực hiện công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, góp phần nâng cao hiệu quả triển khai nhiệm vụ chính trị được giao.
Sở Giáo dục và Đào tạo kịp thời triển khai xây dựng Đề án “Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Kon Tum” nhằm sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sự quản lý của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh theo hướng “tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả”. Qua đó, đã sắp xếp, sáp nhập giảm 4/32 cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở; giảm 16/97 cán bộ quản lý, gồm 4 cấp trưởng và 12 cấp phó.
|
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tập trung cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; tạo sự thống nhất về cơ chế quản lý giáo dục và đào tạo trong phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đặc biệt chú trọng chỉ đạo triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là đội ngũ cán bộ kế cận.
Tại các huyện, thành phố của tỉnh, công tác triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy giáo dục và đào tạo cũng được các địa phương chú trọng thực hiện.
Như tại huyện Đăk Tô, từ năm 2018 đến nay đã tiến hành sáp nhập 8 trường học ở 3 cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Nhìn chung, việc sáp nhập các trường học trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả hệ thống trường, lớp cho công tác dạy và học. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để tập trung nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và nhân dân về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay; giúp địa phương khắc phục bất cập về tình trạng thiếu giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
|
Bà Phạm Thị Trung- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, thời gian đến, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục rà soát, sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu huy động hiệu quả học sinh ra lớp, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục. Đồng thời, phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập phù hợp với nhu cầu thực tế; từng bước nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên các cấp; thực hiện tốt chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Ngành cũng sẽ quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ đối với nhà giáo và học sinh theo quy định hiện hành; triển khai chương trình đầu tư kiên cố hoá trường học, xoá phòng học tạm, xây dựng trường chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa trên địa bàn toàn tỉnh đạt 100%.
Tấn Lộc