Ngày 21/6, không chỉ có hoa hồng…
Tôi không nhớ hết bản thân mình đã có bao nhiêu chuyến đi được thực hiện (hoặc phải thực hiện) vào đúng ngày 21/6. Và thay vì hoa hồng, là nhiều giờ leo đồi, lội suối hay ở một thôn, làng nào đó để tác nghiệp.
1. Tháng 6 này, vừa tròn 20 năm tôi bước chân vào nghề báo và cũng là từng ấy thời gian tôi gắn bó với Báo Kon Tum.
20 năm với nghiệp cầm bút, tuy chưa phải là dài, nhưng cũng đủ để tôi nếm trải những thái cực trong cuộc sống mà nghề nghiệp mang lại: hạnh phúc và đau khổ, được và mất, vui và buồn…
Đổi lại những ngày dài rong ruổi khắp các nẻo đường, những đêm thâu đánh vật với từng con chữ là vài ba bài viết mà đồng nghiệp đánh giá: “tạm gọi là được”.
Với tôi, thế đã là tự hào lắm.
Tôi còn nhớ, thế hệ sinh viên báo chí những năm 1994-1998 như tôi đều mê “tít thò lò” những bài phóng sự của các bậc tiền bối như Huỳnh Dũng Nhân, Xuân Ba... Và, phải thừa nhận rằng, hầu hết chúng tôi đều đã từng mơ ước rằng, có một ngày, mình sẽ trở thành một nhà báo tên tuổi như thế.
Cứ cố gắng học cho tốt, rồi mình cũng sẽ viết nên những bài báo đủ sức lay động trái tim người đọc như họ - chúng tôi thầm nghĩ và háo hức chuẩn bị cho chặng đường phía trước.
Nhưng rồi, sau này, khi đã thực sự dấn thân vào nghề báo thì tôi chợt nhận ra, ước mơ của thời ngồi trên ghế giảng đường ngô nghê đến dường nào. Có ai biết được, để có được tên tuổi có thể “đọng lại trong lòng bạn đọc”, những bậc tiền bối đã phải đánh đổi bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu?
Những ngày đầu “chân ướt chân ráo” vào nghề, tôi như người mất phương hướng, cái gì cũng mới mẻ, cái gì cũng không biết. Những cái tin ngắn phải cắt, phải sửa cả chục lần mà đọc đi đọc lại vẫn thấy… ngang tai. May mắn được những anh chị đồng nghiệp đi trước hướng dẫn, tôi dần quen và bắt nhịp công việc ở tờ báo mà tôi gắn bó đến ngày hôm nay.
Nghề nghiệp đã cho tôi nhiều chuyến đi đầy ăm ắp hơi thở cuộc sống. Tôi đã háo hức đi trên con đường nằm vắt trên những triền núi, băng qua những lòng thung, cảnh đẹp như tranh thủy mặc, để vào huyện mới Tu Mơ Rông... Dấu chân tôi đã ngược trên cheo leo đá núi đến Mường Hoong; thăm thẳm trên những con đường ẩn hiện trong mây mù vào Mo Ray; phơi phới vượt qua những sườn núi vàng rực dã quỳ thăm Đăk Na, Đăk Sao; lầm lũi xuyên rừng, lội suối vào heo hút Ngọc Tem, Đăk Ring...
Mỗi chuyến đi đều thấm ngọt những câu chuyện về đời người, hồn đất - sâu sắc, trầm lắng. Để bây giờ, có thể tôi cũng ba hoa được dăm câu chuyện về những vùng đất tôi đã đi qua, những con người tôi đã gặp mà không cảm thấy ngượng ngùng.
Đã có lần tôi tự hỏi, trong 20 năm qua, kỷ niệm nào làm tôi nhớ nhất? Rồi tự cười về mình. Có lẽ, cái khó nhất của người làm báo là nói về mình, viết về mình. Ngay cả khi “moi” trong trí nhớ ra cả một tập tư liệu chứa những câu chuyện, những dấu ấn khó quên trên những chặng đường gió bụi mà tôi từng đi qua thì cũng khó viết ra được thành câu, thành chữ.
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, những câu chuyện nhỏ, dù với nhiều người là chẳng đáng, nhưng với tôi, đó đều là những kỷ niệm không thể quên.
Tôi sẽ nhớ mãi những bữa cơm gạo rẫy với muối lá é nơi Ngọc Linh cheo leo; những đêm mắc võng nằm tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề với bạn đồng nghiệp dưới mái nhà rông trên biên giới; những chuyến đu dây vượt suối mùa lũ mạn Sa Thầy... Và đằng sau mỗi chuyến đi, tôi dồn lên những trang viết tình đất, tình người, những trăn trở, lo toan của cuộc sống.
2. Những ngày này, email, face book, zalo của tôi ngập tràn lời chúc mừng ngày 21/6. Và hoa, những bó hoa hồng tươi thắm được gửi tới với tất cả sự trân trọng.
Dù đã đón 20 lần ngày 21/6 với tư cách là một thành viên trong "gia đình" báo chí, tôi vẫn thấy nôn nao cả người. Và tôi tin rằng, lúc này đây, các đồng nghiệp của tôi cũng đang hạnh phúc với những lời chúc tốt đẹp.
Cũng là điều dễ hiểu. Báo chí cả nước nói chung và đội ngũ những người làm báo ở Báo Kon Tum nói riêng luôn nỗ lực hết mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Với đóng góp của mình, họ xứng đáng được nhận sự trân trọng ấy.
Nhưng phải chăng ngày 21/6 của chúng tôi chỉ có hoa hồng? Câu trả lời là: Không.
Vì vào đúng ngày nay, anh em phóng viên Báo Kon Tum vẫn có mặt ở tất cả những địa bàn xa xôi nhất để nắm bám địa bàn. Năng động và xông xáo, trách nhiệm và nhiệt tình - thậm chí liều lĩnh - anh em phóng viên đang làm việc quên ăn, quên ngủ, luôn có mặt ở khắp mọi nơi để có được những trang báo đầy ắp thông tin.
Tôi không nhớ hết bản thân mình đã có bao nhiêu chuyến đi được thực hiện (hoặc phải thực hiện) vào đúng ngày 21/6. Và thay vì hoa hồng, là nhiều giờ leo đồi, lội suối hay ở một thôn, làng nào đó để tác nghiệp.
Tôi vẫn nhớ như in, vào ngày 21/6/2017, mới sáng sớm đã có người gọi điện thoại cho tôi. Ngỡ rằng bạn bè, đồng nghiệp gọi điện chúc mừng, tôi vội bấm nút nghe, nhưng đó là cuộc gọi phản ánh mang đầy trách nhiệm về vấn đề đang bức xúc tại địa phương mình đang sống của một phụ nữ. Đầu dây bên kia là giọng một phụ nữ đầy mệt mỏi: "Chị phải liên hệ qua nhiều người mới xin được số điện thoại của em. Chị muốn nhờ em lên tiếng giúp người dân ở đây ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép đang hoành hành".
Và thế là ba lô trên lưng, máy ảnh đeo vai, tôi chỉ kịp gọi điện báo cáo lãnh đạo cơ quan, rồi tất tả lên đường theo sự chỉ dẫn của người phụ nữ... Bắt đầu những ngày dài đeo bám, vượt qua nhiều trở ngại, kể cả những dọa dẫm, để hoàn thành loạt bài phản ánh về nạn khai thác cát sỏi trái phép. Sau khi báo chí lên tiếng, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc, trả lại sự yên bình cho những thôn, làng ven sông.
Trên chuyến xe đi xã biên giới Đăk Long, tình cờ thay, lại vào đúng ngày 21/6/2018, cô bạn đồng nghiệp đến từ một tờ báo Trung ương cứ băn khoăn mãi về chuyện phải vắng mặt buổi họp mặt kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam của cơ quan.
Khổ cho em, đây là năm đầu tiên em đón ngày 21/6 mà lại phải đi công tác xa như thế này. Hôm qua, chị em ở cơ quan còn bàn với nhau sẽ diện áo dài đồng phục để nhận hoa chúc mừng. Bây giờ có khi đã được tặng hoa, chụp ảnh kỷ niệm rồi ấy chứ. Tiếc quá - cô ủ rũ.
Thế nhưng, khi lên đến nơi, sự ủ rũ ấy hoàn toàn biến mất, cô phóng viên ấy như trở thành con người khác, đầy năng lượng. Xông xáo và nhiệt tình, cô bắt tay vào công việc, gặp gỡ, trò chuyện, phỏng vấn, chụp ảnh quên cả giờ cơm trưa.
Nghe mọi người trêu chọc, cô chỉ cười hiền: Mới vào nghề chưa lâu, lại là nữ, nên em chẳng mấy khi được đi biên giới như thế này, nên phải tranh thủ làm anh ạ. Em vẫn mong thời gian có nhiều hơn...
Ấy vậy mà khi nhận được bó hoa rừng và lời chúc mừng từ anh cán bộ Văn phòng UBND tỉnh, nữ phóng viên ấy lại rơm rớm nước mắt.
21/6 năm nay tôi háo hức chờ. Và tất nhiên, công việc vẫn cứ tiếp diễn. Bởi tôi biết, ngày 21/6 không chỉ có hoa hồng...
Nhưng như vậy mới là cuộc sống!
Thành Hưng