Ngành GD-ĐT với phong trào xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thu hút sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Với vai trò quan trọng trong việc thực hiện các tiêu chí liên quan đến lĩnh vực giáo dục-đào tạo, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần không nhỏ vào hiệu quả của phong trào...
Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo đó là tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục.
Để hoàn thành tiêu chí số 5 về trường học, cần đến nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất trường lớp bảo đảm kiên cố theo quy định là bài toán khá nan giải - nhất là ở vùng sâu, vùng xa; việc thực hiện tiêu chí số 14 về giáo dục cần phải có một lộ trình dài hơi và hoàn toàn không phải dễ dàng, nhất là đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như tỉnh ta.
Ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh đã chủ động, tích cực vào cuộc một cách quyết liệt với quyết tâm hoàn thành 2 tiêu chí liên quan đến giáo dục - đào tạo, góp phần thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Để làm được điều đó, Sở Giáo dục - Đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền cán bộ, giáo viên trong ngành về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng các pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền về nông thôn mới tại các xã, phường, các trường học trong tỉnh.
|
Ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh chủ động ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn, các biểu mẫu, hồ sơ công nhận cấp xã, cấp huyện và các văn bản khác có liên quan đến công tác phổ cập giáo dục - xoá mù chữ và đôn đốc các nhà trường tích cực tham mưu với các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị trường học, củng cố và nâng cao chất lượng trong công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia...
Việc triển khai xây dựng trường học chuẩn quốc gia ở tất cả các cấp học, bậc học được đẩy mạnh; trong đó ngành Giáo dục-Đào tạo làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương để có sự quan tâm hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các cấp chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư kinh phí để bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các trường mầm non, trang thiết bị khác cho các trường tiểu học và THCS. Mạng lưới trường lớp, quy mô các cấp học mầm non, tiểu học, THCS và THPT tiếp tục được đầu tư, nâng cấp và ngày càng phát triển. Nhờ kinh phí từ Đề án kiên cố hoá trường lớp học, đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố trên địa bàn đạt 98,1%.
Ngành Giáo dục-Đào tạo tích cực phối hợp với các địa phương chỉ đạo xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và việc củng cố, duy trì, nâng cao mức độ chuẩn đạt được tăng dần qua từng năm.
Tính đến tháng 6/2019, toàn tỉnh có 160/421 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 38%, tăng 7 trường so với năm 2018; trong đó mầm non là 39/139 trường, chiếm 28%; tiểu học 78/144 trường, chiếm 54,2%; THCS là 34/111 trường, chiếm 30,6%; THPT là 9/27 trường, chiếm 33,3%.
Nhờ chủ động lồng ghép nguồn vốn phân bổ trực tiếp cho chương trình xây dựng nông thôn mới trong xây dựng trường học (tiêu chí số 5) và các nguồn vốn của các dự án, chương trình khác để đẩy nhanh việc kiên cố hóa trường học nên đã mang lại những hiệu quả thiết thực; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ở các địa phương ngày càng được hoàn thiện. Toàn tỉnh đã có 41 xã đạt chuẩn tiêu chí số 5 về trường học, chiếm 47,67% số xã.
Đến nay, toàn tỉnh có 18/102 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 1 và có 84/102 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2; có 5 huyện đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 1 và 5 huyện, thành phố đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2; tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 (hiện có 6/102 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 2 và 96/102 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 3).
Những năm qua, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh chỉ đạo phòng Giáo dục- Đào tạo của các huyện, thành phố triển khai chỉ đạo các trường THCS trực thuộc thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng học sinh lớp 9, đặc biệt là học sinh DTTS; phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các đơn vị trường THPT, PT DTNT, trung tâm GDNN - GDTX huyện, Trung tâm GDTX tỉnh để thực hiện phân luồng THCS đạt hiệu quả. Tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS năm 2018 - 2019 vào học THPT trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ 69,3%.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 53/86 xã đạt chuẩn tiêu chí số 14 về giáo dục, chiếm 61,62% số xã.
Chính nhờ sự chủ động, tích cực trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, ngành Giáo dục-Đào tạo tỉnh đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của các địa phương trong thời gian qua.
Đắc Vinh