Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai
Quản lý nhà nước về đất đai là nhu cầu khách quan, là công cụ bảo vệ và điều tiết các lợi ích gắn liền với đất đai, và quan trọng nhất là bảo vệ chế độ sở hữu về đất đai. Với đặc thù của tỉnh biên giới, tình hình sử dụng đất đai nhiều biến động, nhiệm vụ này luôn được UBND tỉnh và ngành TN&MT thực hiện có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu từng giai đoạn...
Theo ông A Byot - Phó Giám đốc Sở TN&MT, chức năng quản lý đất đai trong giai đoạn hiện nay tập trung vào các nhiệm vụ chính như: tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đất đai-đo đạc và bản đồ; lập quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) cấp tỉnh, thẩm định kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) cấp huyện; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSD đất) gắn tài sản trên đất; phát triển quỹ đất; thanh tra, kiểm tra giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai…
Trong đó, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có vai trò quan trọng trong việc xác lập sự ổn định về mặt pháp lý của đất đai đối với công tác quản lý thống nhất của Nhà nước. Đây sẽ là căn cứ để giao đất, cho thuê, thu hồi đất, là cơ sở để chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, đáp ứng nhu cầu đất đai tối ưu cho nhiệm vụ CNH-HĐH của tỉnh.
Chính vì vậy, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất luôn phải đi trước một bước, đồng nghĩa với việc, quản lý, sử dụng đất phải thông qua công cụ quy hoạch sử dụng đất, vừa bảo đảm quỹ đất phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quỹ đất sử dụng phù hợp cho từng giai đoạn và lâu dài.
Trong những năm qua, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch, nhiều dự án đầu tư đã phát huy hiệu quả, như các dự án thủy điện, khu công nghiệp, khu đô thị Nam cầu Đăk Bla, các dự án phát triển hạ tầng..., đáp ứng nhu cầu về nhà ở của nhân dân và tạo nên diện mạo mới trong phát triển đô thị.
Đặc biệt, ngành TN&MT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020. Sau khi kết thúc kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (giai đoạn 2011-2015), tại kỳ họp thứ 2 (10-11/8/2016), HĐND tỉnh khóa XI đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020), trình Chính phủ phê duyệt.
Đây là cơ sở để tỉnh Kon Tum hoàn thiện hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trong quá trình phát triển bền vững- ông A Byot đánh giá.
Xác định công tác cấp giấy CNQSD đất theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội là công tác trọng tâm, ngành TN&MT tỉnh Kon Tum đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tính đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 260.694 giấy chứng nhận với tổng diện tích 729.564,22ha, đạt 83,48%. Trong đó cấp cho tổ chức 3.210 giấy với diện tích 543.385,75ha, đạt 87,15%; hộ gia đình, cá nhân là 257.474 giấy với diện tích 186.174,47ha, đạt 74,37%.
|
Bên cạnh đó, công tác xây dựng bảng giá đất 5 năm, giá đất cụ thể được chủ động triển khai kịp thời, phục vụ tốt yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài chính, công tác bồi thường GPMB khi thu hồi đất. Công tác phát triển quỹ đất phục vụ đấu giá QSD đất bước đầu đáp ứng kịp thời nhu cầu của các tổ chức, hộ gia đình, tăng nguồn thu ngân sách địa phương; việc giao đất, cho thuê đất bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh. Lĩnh vực xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đang từng bước hoàn thiện, đảm bảo đến năm 2020 toàn tỉnh hoàn thành để đưa việc khai thác thông tin về đất đai và cấp giấy CNQSD đất cho chủ sử dụng đất thông qua mạng điện tử.
Một nội dung được ngành TN&MT tỉnh đặc biệt chú trọng trong thời gian qua là tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính về đất đai, thực hiện một cửa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng đất thực hiện các giao dịch có liên quan; cải thiện chỉ số SIPAS (chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước); tập trung khai thác quỹ đất chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả đưa vào sản xuất, kinh doanh một cách hợp lý, góp phần cân bằng quỹ đất sử dụng vào các mục đích theo yêu cầu phát triển các mục tiêu kinh tế -xã hội của địa phương.
Về định hướng trong thời gian tới, ông A Byot khẳng định: Phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội bền vững là định hướng chủ đạo và yêu cầu xuyên suốt trong công tác quản lý đất đai. Theo đó, việc quản lý, sử dụng đất phải vừa đảm bảo quỹ đất phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường, an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quỹ đất sử dụng lâu dài cho các thế hệ mai sau.
Vì vậy, ngành Quản lý đất đai cần được phát triển theo hướng hiện đại hoá trên cơ sở xây dựng mô hình tổ chức tiến tiến và ứng dụng công nghệ hiện đại. Nâng tầm đóng góp của đất đai và ngành Quản lý đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thúc đẩy việc vận dụng các quan hệ kinh tế song song với các quan hệ hành chính trong hoạt động quản lý; xã hội hóa cung cấp dịch vụ công; tăng cường sử dụng các công cụ tài chính nhằm nâng cao nguồn thu ngân sách, đảm bảo công bằng trong hưởng thụ các lợi ích từ đất đai.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn 2016-2020, ngành TN&MT tỉnh sẽ chú trọng việc đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ ngành Quản lý đất đai vừa có chuyên môn, nghiệp vụ cao, vừa có đạo đức nghề nghiệp, tinh thần, thái độ phục vụ tốt, đáp ứng được mọi nhu cầu của phát triển bền vững.
Thành Hưng