Năm học mới ở Tu Mơ Rông: Khó lại càng thêm khó
Năm học mới đã cận kề. Trong khi khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách giáo khoa, vở học của học sinh đang làm “đau đầu” ngành GD huyện, thì trước thềm năm học mới, ngành lại phải đối mặt thêm với khó khăn do cơn bão số 3 mới đây gây ra…
Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện, năm học mới 2016-2017, toàn ngành có 34 trường học, với 378 lớp, gần 7.400 học sinh (tăng so với năm học trước khoảng vài chục học sinh) của cả 3 bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Toàn huyện cũng có tổng số 830 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Để chuẩn bị tốt cho năm học mới, Phòng GD-ĐT huyện đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã tuyên truyền và vận động nhân dân cùng các trường chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, sửa chữa trường lớp, làm hàng rào, cầu cống…; tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, vệ sinh trường lớp, vận động, huy động học sinh ra lớp…
Bên cạnh đó, ngành cũng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua trang thiết bị phục vụ cho dạy và học. Trong đó, tiến hành xây dựng 15 phòng học mầm non ở các điểm trường thôn với tổng số tiền gần 19 tỷ đồng; sửa chữa phòng học, nhà công vụ giáo viên bị hư hỏng; trang bị 1 bộ máy vi tính, 400 bộ bàn ghế học sinh, 45 bộ bàn ghế, 34 giường cho giáo viên và 10 tủ đựng hồ sơ…
|
Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Lê Văn Hoàn cho biết: Mặc dù đã có sự chuẩn bị, nhưng năm học mới này huyện Tu Mơ Rông vẫn còn khá nhiều khó khăn. Ngoài những khó khăn về cơ sở vật chất như còn 19 phòng học tạm, thì vẫn còn gần 1/3 số học sinh (khoảng 2.600 học sinh) thiếu sách giáo khoa, vở học tập. Bên cạnh đó, toàn huyện còn thiếu cơ sở vật chất phục vụ cho dạy 2 buổi/ngày, thiếu nhà hiệu bộ, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, sân chơi, bãi tập, nhà bán trú cho học sinh, nhà công vụ cho giáo viên, thiếu hệ thống nước sinh hoạt ở một số điểm trường… Đây thực sự là khó khăn không nhỏ đối với ngành trước thêm năm học mới.
Đã vậy, khó lại càng thêm khó, mới đây do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn huyện có mưa to, gió lốc đã làm tốc mái 8 phòng học, 10 phòng ở giáo viên, 1 bếp ăn bán trú ở 3 xã Măng Ri, Tu Mơ Rông, Tê Xăng, ước thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng.
|
Ngày 23/8, đi tìm hiểu thực tế tại Trường THPT BTTHCS Măng Ri, phóng viên nhận thấy các em học sinh đã bắt đầu học, nhưng hơn 20 thầy cô giáo đang phải đối mặt với khó khăn về chỗ ở và phòng làm việc vì 4 phòng ở của giáo viên đã bị gió lốc làm bay mái, sập la phông và nhà hiệu bộ cũng bị tốc mái không làm việc được. 12 cô giáo phải dồn lại chung một phòng học của học sinh rộng khoảng 45m2 để vừa ở, vừa làm việc, vừa sinh hoạt. Còn các thầy giáo phải sang ở nhờ bên khu tập thể của UBND xã Măng Ri.
Theo thầy Tưởng Văn Quang - Hiệu trưởng Trường THPT BTTHCS Măng Ri, ngoài khó khăn trên, năm học mới này một khó khăn nữa đối với trường là có khoảng 60 học sinh trên tổng số 151 học sinh toàn trường không thuộc diện hộ nghèo nên không được cấp sách giáo khoa, vở. Trước mắt nhà trường bố trí cho học sinh mượn sách giáo khoa của thư viện (2 em/bộ) để học tập.
Khó khăn hơn là tại điểm trường thôn Đăk Ka (Trường PTDTBT Tiểu học xã Tu Mơ Rông) có 5 phòng học thì có đến 3 phòng học và 1 phòng ở giáo viên bị tốc mái hoàn toàn không thể học tập, ăn ở. Toàn bộ đội ngũ giáo viên hiện đang phải đi ở nhờ tại nhà dân trong thôn hoặc ở nhờ nhà của giáo viên tại chỗ. Còn đối với học sinh, tại đây có 5 lớp (từ lớp 1-5) với tổng cộng 72 học sinh phải dồn, chia học thành hai ca.
Cô Nguyễn Thị Kim Tuyến- Hiệu phó Trường PTDTBT Tiểu học xã Tu Mơ Rông cho biết: Trước mắt giáo viên chúng tôi phải tự khắc phục khó khăn. Còn đối với học sinh, chúng tôi phải chia 2 ca, dồn 72 học sinh vào học trong 3 phòng học còn lại, phải bố trí lại chỗ ngồi để học tập. Trước đây, khi có đủ phòng học thì còn có thời gian ôn tập cho học sinh, nhưng giờ như vậy thì không thể được, chắc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học. Chúng tôi mong sao cấp trên sớm sửa chữa, khắc phục để phục vụ trong năm học mới này.
“Dù còn nhiều khó khăn nhưng toàn ngành Giáo dục Tu Mơ Rông sẽ nỗ lực khắc phục, tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản lý giáo dục, đổi mới phương pháp dạy và học; triển khai phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; thực hiện tốt các cuộc vận động trong năm học, phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của năm học…” Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Lê Văn Hoàn khẳng định.
Văn Phương