Lựa chọn của mỗi người
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, lựa chọn của mỗi người trong việc tiêm vắc xin phòng bệnh có ý nghĩa rất lớn đối với an toàn phòng dịch của cả cộng đồng.
Tôi nhận thấy sự lưỡng lự ở nhiều người xung quanh khi được hỏi về việc có tham gia tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 4 hay không.
“Em còn phải cân nhắc thêm, rồi mới quyết định tiêm mũi 4 hay không. Vì hiện nay trên mạng xã hội đang lan truyền, cũng như nhiều người rỉ tai nhau, về những tác dụng phụ sau tiêm, như cao huyết áp, ngứa, ảnh hưởng trí nhớ, tay chân đau…”, N.- một nhân viên văn phòng cho hay.
N. chỉ là một trong nhiều người mà tôi gặp gỡ, bày tỏ tâm lý e ngại, chưa muốn tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 4 bởi nhiều nguyên nhân.
Ngoài việc nghe thông tin tiêu cực về tác dụng phụ như N., còn có tâm lý chủ quan, bởi thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 tại địa phương đã được kiểm soát, số ca mắc Covid-19 giảm sâu và gần như không có ca bệnh cộng đồng; các hoạt động của đời sống gần như trở lại bình thường.
Theo đánh giá của ngành chức năng, sự e ngại, né tránh hoặc tâm lý chủ quan “vì dịch hết nên không cần tiêm vắc xin” là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 chậm, nhất là tiêm mũi 3, 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Số liệu thống kê của Sở Y tế cũng cho thấy, đến ngày 4/7, có 63,55% người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 3, nhưng chỉ có 30,68% đã tiêm mũi 4. Đáng nói là tỷ lệ trẻ từ 12-17 tuổi tiêm liều nhắc lại chỉ đạt 9,61%.
Thực tế trên cho thấy, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa khâu tuyên truyền, vận động nhân dân tiêm vắc xin.
Khi vận động người xung quanh tiêm vắc xin, câu hỏi tôi thường gặp là: Covid-19 đã ổn, vì sao vẫn phải tiêm vắc xin mũi 4?
Tất nhiên, tôi nhận thấy rất rõ ý nghĩ thật sự của người đưa ra câu hỏi ấy. Nó không phản ánh theo nghĩa “vì sao phải tiêm”, mà là “có cần không”.
Và câu trả lời là: Cần, rất cần.
Trong thời gian qua, vắc xin phòng Covid-19 đã cho thấy hiệu quả trong việc bảo vệ mọi người trong việc giảm khả năng bệnh nặng, tránh nhập viện, thậm chí là ngăn ngừa tử vong do Covid-19, đặc biệt ở những người đã tiêm mũi nhắc lại.
Đó hoàn toàn không phải là câu trả lời mang tính chất lý thuyết suông, mà là từ trải nghiệm từ chính bản thân tôi. Sau khi tiêm vắc xin mũi 3 được gần 3 tháng thì tôi nhiễm Covid-19. Xin được nói rõ là, tôi thuộc nhóm người nguy cơ trở nặng cao vì dùng thuốc suy giảm miễn dịch.
Sau 10 ngày “chiến đấu”, tôi khỏi bệnh và được đi làm trở lại, không bị “hậu Covid”. Bác sĩ điều trị cho tôi đã nhấn mạnh rằng: May mắn là cậu đã tiêm vắc xin mũi 3. Nếu không, hậu quả rất khó lường.
Điều đó làm tôi nhớ lại sự ra đi mãi mãi của mẹ một bạn học ở Thành phố Hồ Chí Minh vì Covid-19 vào tháng 8/2021. Khi ấy làm gì có vắc xin, và chính vì không có vắc xin, nhiều người mới chuyển nặng và tử vong, trong đó có mẹ bạn tôi.
Theo Bộ Y tế, vắc xin là vũ khí quan trọng nhất trong phòng, chống đại dịch Covid-19, bảo vệ người dân, làm giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh; là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả.
Tuy nhiên, tác dụng của vắc xin phòng Covid-19 suy giảm theo thời gian. Việc tiêm các mũi nhắc lại nhằm khôi phục khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người lớn tuổi và người mắc bệnh nền. Từ đó bảo đảm duy trì miễn dịch cộng đồng, kiểm soát dịch bền vững.
Các nghiên cứu ghi nhận, tiêm vắc xin mũi 4 giúp người lớn tuổi giảm 50% nguy cơ bệnh nặng so với người chỉ tiêm 3 mũi. Ở người trẻ tuổi, tiêm mũi 4 cũng giúp giảm 40% nguy cơ nhiễm Covid-19 có triệu chứng.
Bên cạnh đó, dù dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt, các biện pháp phòng dịch được dỡ bỏ; hoạt động của đời sống xã hội thích ứng với bình thường mới, nhưng không nên cho rằng đã trở lại như cũ. Hay đúng hơn là không được cho rằng đã hết Covid-19.
Cho đến nay, Covid-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, và nước ta chưa công bố hết dịch. Mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong cộng đồng, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại là rất lớn, nhất là khi hai biến chủng phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 đã xuất hiện ở nước ta. Nếu không tiếp tục duy trì những giải pháp như tiêm vắc xin, khử khuẩn, mang khẩu trang.
|
Thế nên việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhắc lại rất quan trọng và mang ý nghĩa quyết định cho sự ổn định lâu dài.
Theo Sở Y tế, trong thời gian này, cần triển khai khẩn trương, quyết liệt hơn nữa việc tiêm vắc xin phòng Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Các địa phương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19. Phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị tham gia tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Làm tốt công tác truyền thông để nhân dân hiểu về diễn biến phức tạp khó lường của dịch bệnh, về biến chủng mới BA.5 của vi rút SARS-CoV-2 để ủng hộ, tích cực tham gia tiêm vắc xin và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Triển khai ký cam kết về việc đảm bảo đối tượng thuộc diện phải tiêm được tiêm chủng đầy đủ, hiệu quả, an toàn, đúng lộ trình, tiến độ. Sử dụng có hiệu quả số lượng vắc xin được phân bổ, tuyệt đối không để vắc xin hết hạn phải hủy bỏ.
Và cuối cùng, trước dịch bệnh Covid-19, lựa chọn của mỗi người trong việc tiêm vắc xin có ý nghĩa rất lớn đối với an toàn phòng dịch của cả cộng đồng.
Hồng Lam