Linh hoạt, thích ứng dạy học đối với trẻ mầm non
Từ ngày 25/10, ngành học mầm non của thành phố Kon Tum đã dừng dạy và học tập trung để chuyển sang hình thức dạy và học mới theo hướng linh hoạt, thích ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh Covid- 19, phấn đấu thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống hiệu quả dịch bệnh, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022.
|
Ngày đầu tuần tháng 11, cô giáo Phạm Thị Hải Vinh ở điểm lớp mẫu giáo làng Kon Tum Kơ Pâng, Trường Mầm non Hoa Thạch Thảo (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) lại bắt đầu một vòng đến tận gia đình các cháu học sinh để chuyển tài liệu hướng dẫn học tại nhà. Tại nhà chị Y Hlanh, trước khi đi rẫy, chị tranh thủ kiểm tra con gái Y Su Ra mấy chữ cái và con số đã học hôm trước, đồng thời chỉ dẫn thêm tập viết, tập tô các chữ mới. Mới vào tuần thứ 2 kể ngày chính thức “sát cánh” cùng cô giáo để giúp con học tập theo cách này, nhưng chị cũng dần quen. Hằng ngày, không chỉ mất thêm thời gian, mà còn phải chịu khó “ôn” lại kiến thức để có thể làm cô giáo của con ở nhà, Y Hlanh vẫn vui vì thấy con tiếp thu tốt.
Cô Vinh cho hay: Năm nay là năm đầu tiên lớp mầm non tại điểm làng do cô phụ trách tổ chức dạy cho trẻ hai độ tuổi, gồm 13 trẻ 4 tuổi và 12 trẻ 5 tuổi. Thực hiện kế hoạch dạy học linh hoạt, thích ứng đối với trẻ mầm non, cô đến từng nhà học sinh, chuyển tận tay phụ huynh tài liệu in sẵn về chương trình học tập trong tuần và hướng dẫn cha mẹ các em cách thức chỉ dẫn, theo dõi con em học tại nhà. Giữ mối liên hệ thường xuyên với phụ huynh, cô kịp thời nắm bắt tình hình để giải đáp thắc mắc, chia sẻ kinh nghiệm dạy trẻ cho phụ huynh. Với các trường hợp cần thiết, cô còn trực tiếp hướng dẫn các cháu thực hành tập viết, tập đọc.
Theo cô giáo Lê Thị Mai Thơm- Hiệu trưởng nhà trường, năm học này, Trường Mầm non Hoa Thạch Thảo có 11 lớp với 315 cháu. Để đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới, nhà trường đã nhanh chóng triển khai kế hoạch dạy và học tại nhà theo hai hình thức mới. Trong đó, 3 lớp tại hai điểm làng Kon Klor, Kon Tum Kơ Pâng với 73 cháu được học thông qua việc phát tài liệu về nhà. Các cháu còn lại học từ nội dung video đã được biên soạn sẵn, qua Zalo, Facebook. Video do các giáo viên và nhóm giáo viên của trường trực tiếp thiết kế phục vụ giảng dạy, chủ yếu tập trung ở môn khám phá, làm quen với toán, hoạt động tạo hình… Đối với cô trò mầm non, đây là hình thức dạy và học mới mẻ, ban đầu còn bỡ ngỡ, song nhờ chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết, nhất là làm tốt việc phối hợp giữa giáo viên với phụ huynh, nên việc học của trẻ ở nhà dần đi vào nền nếp, ổn định.
Do đặc thù tình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp, thành phố Kon Tum là địa bàn đầu tiên trong tỉnh áp dụng hình thức dạy và học linh hoạt, phù hợp đối với ngành học mầm non. Theo báo cáo nhanh của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, sau 1 tuần triển khai, đã có gần 9.000 trẻ được học thông qua hướng dẫn tại nhà. Trong đó, hơn 2.360 trẻ được học qua hình thức phát tài liệu đến phụ huynh, 6.520 cháu được học qua Zalo, Facebook.
Cô Nguyễn Thị Bông- Hiệu trưởng Trường Mầm non Thực hành Sư phạm (thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Nhờ thuận lợi cơ bản là phụ huynh đều sử dụng điện thoại thông minh nên đến nay, việc học tập của toàn bộ hơn 560 học sinh đều được tiến hành bằng hình thức hướng dẫn qua Zalo, Facebook. Cùng với việc chủ động khai thác nguồn tư liệu, kho học liệu do Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phát hành, các cô giáo trong trường được khuyến khích tập trung tự làm các video liên quan đến môn học, mà trọng tâm là môn làm quen chữ cái, toán để phục vụ dạy học. Các bậc phụ huynh nhận nội dung các video được gửi từ các cô giáo qua mạng, từ đó trực tiếp hướng dẫn con em học tập.
|
Với đặc thù ngành học, việc phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh, nhà trường và gia đình của trẻ mầm non là điều rất cần được thiết lập, duy trì và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình nuôi dạy trẻ. Việc chủ động, linh hoạt áp dụng các hình thức dạy và học mới nhằm thích ứng với điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 càng thể hiện rõ nét, sinh động hơn mối quan hệ này. Trong đó, thực tế ghi nhận nỗ lực đáng kể của các bậc phụ huynh. Cùng với cha mẹ các cháu, mọi thành viên trong gia đình như ông bà, anh chị… cũng có thể dành sự quan tâm thiết thực trong việc chỉ dẫn các cháu học bài, làm bài tại nhà.
Trên cơ sở nội dung chương trình đã được cân nhắc giảm tải theo quy định, trọng tâm tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS được các trường mầm non của thành phố Kon Tum đặc biệt chú ý. Điều đó không chỉ thể hiện qua việc tích hợp trong các môn học, mà còn khuyến khích phụ huynh dùng nhiều tiếng phổ thông trong sinh hoạt hằng ngày để bổ sung vốn từ và rèn kỹ năng nghe- nói cho con em.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp đòi hỏi các đơn vị giáo dục nói chung, các trường mầm non nói riêng cần chủ động, tích cực xây dựng và triển khai kế hoạch dạy và học linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Việc dạy và học linh hoạt “không tới trường” theo hình thức mới của các đơn vị mầm non tại địa bàn thành phố Kon Tum là cơ sở để rút kinh nghiệm, hoàn thiện các phương án dạy học phù hợp ứng phó với tình hình dịch Covid-19 được dự báo còn kéo dài và diễn biến phức tạp, khó lường cho các đơn vị giáo dục mầm non trong tỉnh. Đó cũng chính là cơ sở để thực hiện thắng lợi mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên nền tảng “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.
Thanh Như