Lần theo dấu F
Đó là một cuộc chạy đua, hay đúng hơn là một cuộc chiến thật sự quyết liệt- Hiền Vy, thành viên đội truy vết của Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum chia sẻ, giọng khàn khàn. Đêm qua, suốt nhiều tiếng liền cô đã không được ngơi tay, cổ họng khô đặc.
Bản thân Hiền Vy và các đồng nghiệp của mình không nhớ nổi đã lấy được bao nhiêu mẫu xét nghiệm. “Vì nhận được lệnh là lên đường, cố gắng làm cho thật tốt nhiệm vụ thôi, chứ có ai để ý đâu. Chỉ cho đọc báo cáo thống kê mới nhớ được thôi”- Vy cười thành tiếng qua điện thoại.
Sáng 28/10, vì lý do an toàn, Hiền Vy chỉ đồng ý trò chuyện với tôi qua điện thoại, sau một đêm trắng làm nhiệm vụ truy vết.
Trước đó, chiều 27/10, khi đang làm nhiệm vụ tại điểm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, thì cô nhận được tin nhắn khẩn. Thế là Vy cùng các đồng nghiệp trong đội quân truy vết của Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum tức tốc lên đường.
Đó là một cuộc chạy đua, hay đúng hơn là một cuộc chiến thật sự quyết liệt- Hiền Vy chia sẻ. Mọi người bắt đầu công việc từ 16 giờ ngày 27/10 và chỉ kết thúc vào rạng sáng ngày 28/10. Mắt ai cũng thâm quầng, trũng sâu vì cả đêm không được nghỉ, nhưng không ai phàn nàn hay kêu ca, mà động viên nhau cố gắng hoàn thành mọi thứ tốt nhất có thể.
|
Cũng như nhiều đồng nghiệp, gần 2 năm qua, Hiền Vy đã tham gia nhiều đợt truy vết, nhưng chưa bao giờ lại căng thẳng và áp lực như những ngày qua. Cô và đồng nghiệp luôn vắt kiệt sức lực cho nhiệm vụ truy vết, lấy mẫu. Mọi người phải biết cách vượt qua nỗi sợ và bỏ lại phía sau những niềm riêng để đi lên tuyến đầu.
Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Kon Tum), truy vết là 1 trong 3 trụ cột chính của chiến lược phát hiện (gồm giám sát, truy vết và xét nghiệm); là khâu tối quan trọng để làm chậm sự lây lan của Covid-19 và giúp giữ an toàn cho mỗi người, gia đình và cộng đồng.
Khi ca bệnh Covid-19 xảy ra trong cộng đồng, việc đầu tiên phải làm chính là truy vết tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân để tổ chức cách ly, bởi đây là những người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh và có thể sẽ trở thành nguồn lây nguy hiểm trong cộng đồng. Phải truy vết càng nhanh càng tốt, không được chậm trễ, bởi chậm trễ giờ nào, ngày nào là nguy cơ F1 có thể trở thành F0 và sẽ làm lây lan ra cộng đồng, hậu quả sẽ rất lớn.
Chính vì vậy, các đội truy vết, lấy mẫu phải luôn trong tâm thế chiến đấu liên tục. Có hôm tưởng bình yên, nhưng đến đêm lại nhận thông báo khẩn, mọi người vội vớ bộ đồ bảo hộ lên đường.
Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum- nơi Hiền Vy làm việc- có 5 đội truy vết, mỗi đội có 3 người. Khi làm việc sẽ phối hợp với đội truy vết của CDC Kon Tum và cán bộ trạm y tế xã, phường. Nhiệm vụ cũng được phân rõ từng cấp để đảm bảo vận hành nhịp nhàng, thông suốt và khoa học. Khi đến địa bàn “tác nghiệp” sẽ giao cho cấp nào làm F1, cấp nào làm F2.
Áp lực thời gian cùng với việc phải mặc đồ bảo hộ hàng giờ đồng hồ khiến mọi người gần như kiệt sức. Tranh thủ những giờ nghỉ ngơi hiếm hoi, họ uống vội hộp sữa, ăn vội chiếc bánh cầm hơi rồi lại tiếp tục công việc.
"Khó thở lắm"- đồng nghiệp với Hiền Vy bảo. Gần như ngày nào cũng vậy, mười mấy tiếng trong bộ quần áo bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, rồi cả kính bảo hộ và khẩu trang kín mặt.
Thời gian này mưa nắng thất thường. Có khi đang lấy mẫu giữa trời nắng, ngộp thở trong trang phục bảo hộ không hở chỗ nào, thì bất chợt đổ mưa, quần áo ướt sũng. Đây là lúc cực nhất. Thường mỗi người chỉ được cấp một bộ đồ bảo hộ, ướt rồi thì hoặc là tạm dừng để chờ cấp bộ mới, hoặc chịu khó mặc đồ ướt làm việc tiếp, dần sẽ khô.
Điều làm Vy và đồng nghiệp ấm lòng là hầu hết người dân đều rất hợp tác; ai cũng muốn được lấy mẫu xét nghiệm, rất hiếm khi gặp phải người né tránh hoặc phải giải thích, vận động.
Bên cạnh đó, các đội truy vết còn nhận được sự quan tâm động viên, giúp đỡ từ nhiều người. Có hôm đi làm nhiệm vụ, cả đội đều “sống nhờ” những suất cơm từ thiện, được người dân đem đến tận nơi. Đó chính là động lực để những “chiến binh thầm lặng” tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, góp sức đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ người dân.
|
Sau những cuộc truy vết thâu đêm, được về nhà, Hiền Vy chỉ kịp khử khuẩn, tắm rửa rồi đổ gục xuống giường trong ánh nhìn xót xa, lo lắng của chồng. Nhưng chỉ cần một cuộc điện thoại, cô lại bật dậy, hối hả lên đường.
"Thực sự là mệt lắm, nhưng cố gắng, cứ cố gắng- Hiền Vy nói- Nếu không đủ ý chí, nghị lực và trách nhiệm, rất dễ bỏ cuộc vì quá sức".
Cuộc trò chuyện kết thúc đột ngột khi Hiền Vy có “lệnh” lên đường truy vết gấp. Chỉ kịp dặn chồng ở nhà lo cho 2 con nhỏ, cô tất tả bước vào cuộc chiến thầm lặng nhưng không kém phần cam go, quyết liệt và nguy hiểm mà chưa biết khi nào sẽ về nhà.
5 tiếng, 7 tiếng, 10 tiếng, hay qua ngày, trắng đêm? Không ai có thể trả lời. Tất cả tùy thuộc vào tình hình thực tế và lịch trình di chuyển của F.
Bằng sức lực và tinh thần trách nhiệm, sự quả cảm và hy sinh của mình, họ vừa góp phần dựng nên “con đê” chắn giữ xung quanh vùng dịch, vừa “làm sạch” nguy cơ ngay trong ổ dịch.
Mỗi giọt mồ hôi của họ đổ xuống, đều vì “vùng xanh” Kon Tum thân yêu. Vậy cho nên, mỗi người hãy chung sức để bảo vệ tốt “vùng xanh” ấy.
Hồng Lam