Kỳ vọng về một sức bật mới
Trên cơ sở kế thừa và phát triển Nghị quyết 04-NQ/TU, với những mục tiêu cụ thể cũng như nhiều điểm mới, Nghị quyết mới được kỳ vọng sẽ đem lại sức bật mới, mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn cho các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh vươn lên...
Tại Hội nghị lần thứ 4 (ngày 14-15/7), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV thống nhất ban hành Nghị quyết xây dựng xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới trên cơ sở kế thừa và phát triển Nghị quyết 04-NQ/TU. Với những mục tiêu cụ thể cũng như nhiều điểm mới, Nghị quyết mới được kỳ vọng sẽ đem lại sức bật mới, mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn cho các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh vươn lên...
Ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm Phó Ban chỉ đạo 04 Tỉnh ủy cho biết: Qua tổng kết Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy cho thấy các mục tiêu Nghị quyết đề ra cơ bản đã hoàn thành. Diện mạo kinh tế, xã hội của các xã đặc biệt khó khăn đã có những chuyển biến tích cực; đời sống người dân được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm; giáo dục, y tế có bước phát triển; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; mối liên hệ giữa các cơ quan, ban ngành với địa phương ngày càng bền chặt...
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: kết cấu hạ tầng KT-XH phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân tuy được đầu tư nhưng chưa đồng bộ; giao thông đi lại một số nơi còn khó khăn; một số xã, trường học, trạm y tế chưa được xây dựng kiên cố; tỷ lệ hộ nghèo còn cao (56,58%) so với trung bình chung của tỉnh; một số hộ đã thoát nghèo song chưa bền vững; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội một số xã trọng điểm đặc biệt khó khăn còn diễn biến phức tạp; hệ thống chính trị cấp xã và đội ngũ cán bộ thôn tuy được củng cố nhưng chưa thực sự vững chắc…
Những tồn tại nêu trên là do một số cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của Nghị quyết 04; chưa chủ động phối hợp với các cơ quan kết nghĩa trong thực hiện Nghị quyết; chưa thực hiện tốt việc phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ; một số cơ quan, đơn vị kết nghĩa xây dựng xã của tỉnh, tổ công tác xây dựng xã của huyện chưa chú trọng thực hiện các nhiệm vụ giúp xã; tinh thần tự lực, tự vươn lên của một bộ phận người dân chưa cao…
Từ thực tế phát triển hiện nay của các xã đặc biệt khó khăn cũng như yêu cầu khắc phục những yếu kém, khuyết điểm trên đòi hỏi cần có một nghị quyết mới phù hợp để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, hiện nay Trung ương đang tập trung các chương trình, dự án phát triển xã hội vào 2 chương trình lớn đó là Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, hiện nay mục tiêu xây dựng xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 đã có sự thay đổi, cũng là những lý do cần thiết phải ban hành một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 04.
Dự thảo Nghị quyết về xây dựng xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới tiếp tục kế thừa nội dung của Nghị quyết 04 Tỉnh ủy vì một số quan điểm, mục tiêu, giải pháp vẫn còn phù hợp. Bên cạnh đó cũng có nhiều điểm mới. Trong đó, đáng chú ý là xác định rõ trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Trung ương, nguồn lực của địa phương để đề xuất mục tiêu phấn đấu xây dựng xã thoát khỏi đặc biệt khó khăn đến năm 2020 và 2025 mang tính khả thi cao. Đồng thời cũng xác định rõ hơn nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị, lực lượng tham gia xây dựng xã nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra qua tổng kết Nghị quyết 04-NQ/TU.
Theo đó, trọng tâm nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị kết nghĩa xây dựng xã của tỉnh, huyện được xác định cụ thể gồm: công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn; giúp xã xây dựng mô hình kinh tế hộ và nhân ra diện rộng; thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo nhân các ngày lễ, Tết và cứu trợ kịp thời khi gặp thiên tai, hoạn nạn; vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hướng dẫn xã kết nghĩa rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng quy chế, quy trình giải quyết công việc của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phù hợp hơn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở.
Một trong những điểm mới nữa là hướng tới sự thay đổi cơ bản trong cách nghĩ, cách làm của cả đơn vị kết nghĩa và địa phương nhận kết nghĩa. Thực tế cho thấy, lâu nay vẫn có không ít đơn vị triển khai các hoạt động hỗ trợ, đỡ đầu các xã kết nghĩa một cách thụ động. Không ít đơn vị vẫn nghĩ, đỡ đầu cần phải có tiền, không có tiền thì sẽ không làm được. Về phía xã, một số địa phương có tư tưởng các đơn vị đỡ đầu khi được phân công hỗ trợ sẽ có những vật chất lớn lao để hỗ trợ cho mình.
Rõ ràng đó là những nhận thức chưa đầy đủ. Bởi vì mục tiêu đỡ đầu ở đây không phải là tất cả các cơ quan, đơn vị đỡ đầu phải hỗ trợ kinh phí cho các xã để xây dựng các công trình lớn, mà ở đây, tỉnh muốn nhấn mạnh về cách làm, sự chung tay giúp đỡ bằng nhiều hình thức, biện pháp khác về cả tinh thần, vật chất.
Như vậy, hướng đi mà các đơn vị đỡ đầu, kết nghĩa xã cần xác định là định hướng, tư vấn, tức là hướng dẫn cách làm cho các xã thực hiện các tiêu chí liên quan đến ngành, lĩnh vực của mình; không phải lúc nào có tiền đem xuống cho các xã thì mới gọi là hỗ trợ. Muốn vậy, đơn vị đỡ đầu phải đánh giá và nắm chắc thực trạng thôn, xã đặc biệt khó khăn, từ đó có giải pháp cụ thể cho từng địa bàn; chính quyền xã cũng không thể thụ động, ỷ lại vào đơn vị đỡ đầu...
|
Để giúp người dân thoát nghèo, trước hết đơn vị đỡ đầu cần phối hợp với địa phương làm tốt công tác phân loại các hộ nghèo theo các nhóm nguyên nhân nghèo, sau đó lựa chọn những hộ tích cực mong muốn sớm thoát nghèo để hỗ trợ theo các chính sách giảm nghèo hiện nay. Thay vì hỗ trợ mang tính “bình quân” (hộ nghèo nào cũng giúp đỡ) thì cần tập trung xây dựng mô hình điểm để nhân ra diện rộng. Nếu mô hình chưa hiệu quả phải tìm mô hình khác thay thế, trên tinh thần “cầm tay chỉ việc” và cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phải vào cuộc và trực tiếp làm; cơ quan kết nghĩa chỉ hỗ trợ hoặc hướng dẫn và tăng cường công tác kiểm tra giám sát trong việc triển khai công việc của cấp ủy và chính quyền cơ sở đối với các hộ nghèo...
Với những mục tiêu cụ thể cũng như những đổi mới rõ nét, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, kỳ vọng và tin tưởng rằng Nghị quyết sẽ đem lại sức bật mới cho các xã đặc biệt khó khăn.
Mai Ly