Kiểm soát chặt thị trường vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19
Để ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán, bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thuốc, vật tư y tế hỗ trợ điều trị Covid-19 nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
|
Thời gian qua, trước sự gia tăng nhanh về số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh khiến một bộ phận người dân tỏ ra hoang mang, lo lắng rồi đổ xô đi mua các loại thuốc điều trị Covid-19, thuốc hỗ trợ, kit test nhanh dẫn đến mất cân đối “cung - cầu”, khan hiếm cục bộ. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng đã đẩy giá bán các mặt hàng vật tư y tế lên cao, nhất là sản phẩm kit test nhanh Covid-19, gây nhiễu loạn thị trường, đặc biệt là trong thời điểm cuối tháng 2 và đầu tháng 3. Trước thực tế này, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đã lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai khẩn trương.
Ông Trần Kiều Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh, Cục Quản lý thị trường Kon Tum chỉ đạo các Đội theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường, chủ động thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát đối với hoạt động kinh doanh, mua bán các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 như khẩu trang y tế, nước sát khuẩn tay, thuốc điều trị Covid-19, thực phẩm chức năng, kit test Covid-19, dụng cụ đo thân nhiệt...Trong đó, trọng tâm là kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, việc niêm yết giá bán và thực hiện bán theo giá niêm yết của các nhà thuốc, việc chấp hành các quy định về buôn bán thuốc, vật tư y tế.
Qua kiểm tra thực tế tại một số nhà thuốc trên địa bàn thành phố Kon Tum, bước đầu lực lượng Quản lý thị trường ghi nhận các cơ sở đều chấp hành nghiêm quy định về việc niêm yết giá bán; các loại thuốc, kit test nhanh, thuốc chữa bệnh đều có hóa đơn chứng từ rõ ràng chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; chưa phát hiện có hiện tượng đầu cơ găm hàng, nâng giá bán bất hợp lý để trục lợi.
Cùng với công tác kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường còn tuyên truyền cho các cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc không được mua bán hàng nhập lậu, trái quy định. Tổ chức cho các quầy thuốc, nhà thuốc ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không lợi dụng dịch bệnh, tình hình khan hiếm hàng hóa để tăng giá bán bất hợp lý. Không kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng hóa chưa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường; không găm hàng, đầu cơ tích trữ...
Trên thị trường, đến thời điểm hiện tại, các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch Covid-19 của người dân trên địa bàn tỉnh khá dồi dào, giá bán ổn định, không có hiện tượng khan hàng, thiếu hàng. Hiện, các mặt hàng khẩu trang có mức giá bán trung bình 30.000-50.000 đồng/hộp. Giá bán các mặt hàng kit test nhanh Covid-19 dao động từ 55.000-80.000 đồng/kit...
Ông Trần Kiều Hưng thông tin: Toàn tỉnh hiện có 327 nhà thuốc và cửa hàng vật tư y tế đang hoạt động. Thời gian này, chúng tôi tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện các cửa hàng này và cả những cửa hàng tạp hóa, cơ sở có mua bán các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các sai phạm. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong công tác đấu tranh đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng ra khỏi thị trường và những hành vi trục lợi nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng của lực lượng Quản lý thị trường tỉnh. Chúng tôi cũng đã công bố công khai số điện thoại của các Đội trưởng quản lý địa bàn để các cơ sở bán thuốc, người dân biết; nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì báo ngay để lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định.
“Thực tế, tình trạng mua bán thuốc, thực phẩm chức năng và một số vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 trên các trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử vẫn diễn ra khá phức tạp và khó kiểm soát. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân không mua và sử dụng các mặt hàng trôi nổi không được kiểm định về chất lượng, giá cả, nguồn gốc xuất xứ và chỉ nên mua các sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19 tại các nhà thuốc có uy tín nằm trong danh mục được Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành” – ông Trần Kiều Hưng lưu ý.
Hiện nay, công tác điều trị Covid-19 của tỉnh ta đã chuyển từ trạng thái điều trị tập trung sang quản lý, theo dõi, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà, do đó, nhu cầu mua, sử dụng thuốc, vật tư y tế tăng lên là điều dễ hiểu. Nhưng để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho người dân, cùng với việc tăng cường giải pháp quản lý thị trường của ngành chức năng thì người dân cũng tỉnh táo trong việc mua và sử dụng các loại thuốc, vật tư y tế hỗ trợ điều trị Covid-19, tránh tạo “cơ hội” cho các đối tượng trục lợi.
Thiên Hương