Không để thiếu oxy
Không để thiếu oxy y tế trong điều trị bệnh nhân Covid-19 khi ca nhiễm tăng nhanh, diễn biến dịch bệnh phức tạp, kéo dài là nhiệm vụ không kém phần quan trọng đặt ra hiện nay.
Sáng đầu tuần, ngày 1/11, kiểm tra thông tin về tình hình Covid-19 trên địa bàn tỉnh, tôi đặc biệt chú ý đến những con số thống kê: Tính đến 22 giờ ngày 31/10, tỉnh Kon Tum ghi nhận 265 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 244 ca phát hiện tại các cơ sở, các nơi cách ly và 21 ca phát hiện tại cộng đồng.
Sở dĩ tôi chú ý nhiều hơn đến những con số ấy, không chỉ vì nó nói lên mức độ phức tạp của dịch bệnh hiện nay, mà còn vì nó chỉ ra rằng, từ đầu tháng 10/2021 đến nay, số ca dương tính (+) với SARS-CoV-2 ghi nhận trên địa bàn tỉnh có mức tăng rất nhanh.
Hãy cùng tôi làm một phép so sánh sẽ thấy: Trong 3 đợt dịch đầu (lấy mốc từ ngày 23/1/2020, ghi nhận ca bệnh đầu tiên ở nước ta, đến ngày 26/4/2021), tỉnh ta không có ca bệnh nào. Trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay), đến ngày 29/9, toàn tỉnh mới ghi nhận 36 ca nhiễm SASR-CoV-2, không có ca cộng đồng.
Nhưng từ ngày 4/10 đến 22 giờ ngày 31/10, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thêm 229 ca nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó có tới 21 ca cộng đồng.
|
Khi trò chuyện về đề tài này, một số bác sĩ giàu kinh nghiệm ở các bệnh viện đã chia sẻ rằng, bệnh nhân Covid-19 có đặc điểm tổn thương phổi nặng, diễn biến nhanh. Vì vậy, việc bảo đảm oxy, duy trì bão hòa oxy trong máu là điều kiện tiên quyết cứu sống người bệnh.
Với số ca bệnh đang tăng như hiện nay, và không thể loại trừ nguy cơ sẽ tăng nhanh, nếu không chủ động chuẩn bị kỹ, xây dựng phương án ứng phó cụ thể, thì có thể điểm yếu nhất trong điều trị người bệnh Covid-19 sẽ là hệ thống cung cấp oxy.
Thực tế chống dịch tại một số tỉnh, thành phố bùng phát mạnh cũng cho thấy, các yếu tố quyết định trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 là: Oxy y tế, thuốc và trang thiết bị y tế.
Từ tháng 9/2021, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác điều phối oxy y tế phục vụ điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm Tổ trưởng; Tổ phó là Giám đốc Sở Y tế, hẳn cũng là để chủ động chuẩn bị đáp ứng với tình huống ấy.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Tổ công tác điều phối oxy y tế, toàn tỉnh hiện chỉ có Bệnh viện Đa khoa tỉnh được trang bị hệ thống oxy lỏng với bồn chứa oxy lỏng dung tích 10m3 cùng hệ thống thiết bị đi kèm, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, điều trị cho 50 bệnh nhân mắc Covid-19.
Bệnh viện dã chiến số 1 tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ngọc Hồi đang trong giai đoạn đầu tư hệ thống oxy lỏng, với bồn chứa có dung tích 5m3 cùng các hệ thống trang thiết bị kèm theo.
Trong khi đó, trung tâm y tế các huyện có khả năng tiếp nhận và điều trị từ 10-40 người mắc Covid-19 đều chưa được trang bị hệ thống oxy lỏng, chủ yếu chỉ sử dụng bình chứa oxy có dung tích 40-50 lít/bình. Do không có hệ thống oxy trung tâm, hệ thống khí nén nên không sử dụng được máy thở để điều trị các trường hợp mắc Covid-19 trung bình và nặng khi thực hiện phương châm “4 tại chỗ”.
Đáng nói hơn là, hiện nay, nguồn cung ứng oxy cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ tỉnh Gia Lai. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, xảy ra tình huống phải thực hiện giãn cách xã hội, chắc chắn rằng sẽ có nhiều khó khăn trong vận chuyển oxy từ Gia Lai và các tỉnh lân cận lên cung ứng cho các cơ sở y tế trên địa bàn.
Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho các cấp, các ngành trong tỉnh là cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn oxy y tế để điều trị bệnh nhân Covid-19 theo kịch bản, diễn biến dịch bệnh phức tạp, kéo dài.
Ngày 29/10, Tổ công tác điều phối oxy y tế đã triển khai Kế hoạch số 3903/KH-TCT với mục tiêu 100% trung tâm y tế huyện có hệ thống oxy lỏng vào cuối tháng 3/2022; 100% trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực có cơ số bình oxy nén và thiết bị, vật tư liên quan theo đúng cơ số quy định.
Việc khẩn trương triển khai Kế hoạch 3903/KH-TCT cho thấy tỉnh đã đánh giá đúng vai trò oxy y tế cũng như quyết tâm không để thiếu oxy y tế trong tình hình hiện nay, đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ điều trị người bệnh Covid-19 theo phương châm “4 tại chỗ”.
Kế hoạch trên được tin tưởng sẽ kết nối chặt chẽ cung - cầu; chuẩn bị cơ sở hạ tầng oxy y tế điều trị người bệnh Covid-19 theo các kịch bản, diễn biến dịch bệnh với phương châm “4 tại chỗ”. Từ đó nâng cao năng lực điều trị ca bệnh Covid-19, giảm tỷ lệ tử vong, hạn chế chuyển tuyến, giảm số lượng bệnh nhân chuyển nặng; giúp tăng cường năng lực hồi sức tích cực của hệ thống khám, chữa bệnh và các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.
Hơn thế, đầu tư cho hệ thống oxy y tế là một sự đầu tư dài hạn. Bởi việc đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, mạng lưới cung ứng và hạ tầng kỹ thuật oxy y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh không chỉ cho dịch Covid-19 mà còn được duy trì và sử dụng bền vững sau đại dịch, không chỉ điều trị bệnh nhân Covid-19 mà còn góp phần điều trị bệnh nhân nặng của các chuyên khoa khác trong tương lai.
Hồng Lam