Khi nào thành F0?
Thời gian gần đây, với số ca nhiễm ghi nhận trong cộng đồng tăng cao, đã xuất hiện suy nghĩ “trước sau gì cũng nhiễm” ở nhiều người, dẫn đến tư tưởng chủ quan, lơ là trong phòng bệnh. Đây là suy nghĩ sai lầm và có thể đem lại nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.
Sáng thứ Ba, ngày 22/2, một anh bạn chia sẻ lên zalo rằng, trong phòng chuyên môn của anh đã có 2 nhân viên nhiễm Covid-19.
Hôm qua, tớ ngồi bàn công việc với một cậu nhân viên khoảng 15 phút. Sáng nay, cậu ấy báo rằng ngủ dậy thấy mệt, hơi sốt nên mua kit về test nhanh, kết quả là dương tính với Covid-19- anh kể.
Theo anh, vì phòng làm việc nhỏ hẹp, không gian khép kín, mở máy lạnh, mọi người lại thường xuyên bỏ khẩu trang khi ở trong phòng, nên khả năng cao là “F0 sẽ đông hơn F1”.
Tôi động viên anh lạc quan, không hoang mang trước nguy cơ có thể nhiễm Covid-19. Một số bạn bè hướng dẫn anh tự theo dõi, phát hiện các dấu hiệu nhiễm bệnh; hướng dẫn anh ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý; cách sử dụng thuốc điều trị và các biện pháp dự phòng, kiểm soát lây nhiễm nếu chẳng may trở thành F0.
|
Nhưng cũng có không ít người động viên anh theo kiểu “trước sau gì cũng mắc, mắc trước khỏi mắc sau”, hay “ai rồi cũng đến lượt thôi, chỉ là sớm hay muộn”. Thậm chí, nhiều người cho rằng “bị nhiễm cho kháng thể tăng, khi khỏi rồi thì đi thoải mái”.
“Trong tình hình hiện nay, trước sau gì cũng bị, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Nhưng dù có “đến lượt” thì cũng không nên lo lắng, vì đã được tiêm 3 mũi vắc xin phòng Covid-19, khó có thể chuyển nặng” là tin nhắn mà anh nhận được nhiều nhất.
Trên thực tế, thời gian gần đây, nhất là sau Tết, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, với số ca nhiễm tăng mạnh, nhiều người mang tâm lý “xác định trước sau gì cũng mắc Covid-19”.
Và nếu chẳng may nhiễm bệnh, thì khó chuyển nặng vì đã tiêm đủ vắc xin. Khi khỏi rồi sẽ “nói không với Covid-19”, yên tâm làm việc; thoải mái vui chơi, gặp gỡ mọi người.
Trên các trang mạng xã hội, bên cạnh luồng thông tin tích cực, động viên, khích lệ mọi người tăng cường bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng cũng như hướng dẫn các biện pháp điều trị, phòng dịch, cũng lan truyền những suy nghĩ, tâm lý sai lầm ấy.
Theo các bác sĩ trực tiếp điều trị cho người nhiễm Covid-19, trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh, những suy nghĩ, hành động sai lầm ấy sẽ làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây nguy hiểm cộng đồng.
|
Trở lại câu chuyện của anh bạn. Đến chiều 22/2, khi có biểu hiện uể oải, đau đầu và sốt, anh nghi ngờ mình nhiễm Covid-19 nên đã mua kit test nhanh về tự làm xét nghiệm. Kết quả không ngoài dự đoán: Dương tính.
Anh chia sẻ: Tớ thấy ổn, không hoang mang gì. Sau khi báo với y tế phường, được cách ly điều trị tại nhà vì đủ điều kiện. Tự theo dõi sức khỏe; ăn uống đủ dinh dưỡng, tập thể dục, sống lạc quan nên sức khỏe ổn định.
Tất nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, những lời động viên mà tớ nhận được cũng mang ý nghĩa trấn an, hỗ trợ về mặt tinh thần, để người nhiễm bệnh bớt hoang mang, lo lắng, yên tâm điều trị- anh chia sẻ.
Nhưng theo anh, về khía cạnh y tế dự phòng, khâu phòng bệnh phải đảm bảo hiệu quả cả cho cá nhân và cộng đồng. Dù xác định sống chung với dịch Covid-19 nhưng mọi người cần đảm bảo an toàn. Bảo vệ mình an toàn trước dịch bệnh vẫn phải là ưu tiên số một của mỗi người.
Và anh nhắn nhủ: Không nên suy nghĩ trước sau gì cũng nhiễm Covid-19 để rồi chủ quan, lơ là phòng dịch, tiếp xúc với nhiều người. Bởi suy cho cùng, đây là suy nghĩ, hành vi ích kỷ, vì có thể gây nguy hiểm cho những người xung quanh, nhất là người cao tuổi, mắc bệnh nền.
Bên cạnh đó, hoàn toàn không có chuyện “nói không với Covid-19” sau khi đã từng bị nhiễm. Bằng chứng là, trong số ca nhiễm nghi nhận hàng ngày trên địa bàn tỉnh vẫn xuất hiện các ca tái dương tính.
Khi nào thì tôi thành F0? Thỉnh thoảng tôi lại tự hỏi mình như vậy, khi danh sách bạn bè nhiễm Covid-19 ngày càng dài thêm.
Đó là một câu hỏi khó trả lời. Bởi tôi không thể nói rằng mình sẽ mãi an toàn, vì hơn ai hết, tôi biết nguy cơ luôn rình rập. Từ hoạt động nghề nghiệp, đến các hoạt động thông thường trong cuộc sống, như ăn sáng, cà phê, kể cả những giây phút chủ quan bất ngờ trong khi giao tiếp.
Nhưng là một người nằm trong nhóm có nguy cơ trở nặng cao nếu nhiễm Covid-19, tôi luôn cố gắng hết sức để bảo vệ mình.
Tôi đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc ở cơ quan, dù chỉ là ở trong phòng với 2 đồng nghiệp. Khi nói chuyện với ai, tôi luôn cố gắng giữ khoảng cách hợp lý, tránh nói trực diện. Mỗi ngày tôi súc miệng với nước muối ít nhất ba lần. Tôi cũng thường xuyên khử khuẩn tay, nơi làm việc và trang thiết bị làm việc, như máy tính chẳng hạn.
Nếu chẳng may bị nhiễm Covid-19, tôi sẽ tích cực chữa trị và sống lạc quan. Còn bây giờ, tôi sẽ không chủ quan với suy nghĩ “trước sau gì cũng bị” để rồi lơ là phòng dịch. Không chỉ vì mình, mà còn vì mọi người.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Câu nói ấy luôn đúng!
Hồng Lam