Huyện Kon Plông phát huy hiệu quả các chính sách dân tộc
Với sự chủ động đón nhận, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình dành cho vùng đồng bào DTTS, huyện Kon Plông đã nâng cao đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo và làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn.
Huyện Kon Plông hiện có hơn 6.350 hộ với gần 25.000 khẩu; trong đó, 85% dân số là đồng bào DTTS. Nhiều năm qua, được sự tiếp sức từ chính sách, chương trình dành cho vùng đồng bào DTTS của Đảng, Nhà nước cùng với sự chủ động đón nhận, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình này của các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Kon Plông, nên đã góp phần nâng cao đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo và làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn.
Ông Lê Tấn Hiển - Trưởng phòng Dân tộc huyện Kon Plông cho biết: Là huyện miền núi đặc biệt khó khăn nên những năm qua huyện Kon Plông đã được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ dành cho vùng đồng bào DTTS như: Chương trình 135; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; hỗ trợ di dân, định canh định cư; các chính sách hỗ trợ tín dụng, y tế, giáo dục, an sinh xã hội cùng với nhiều chương trình đầu tư về cơ sở hạ tầng... Các chính sách này đã được các cấp chính quyền, phòng chuyên môn huyện Kon Plông triển khai kịp thời, đúng đối tượng, sát với nhu cầu thực tế tại địa phương; nhất là việc chủ động tìm ra các giải pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đảm bảo hiệu quả và phù hợp với tập quán sinh sống, canh tác.
Bên cạnh đó, các ngành cùng với các địa phương cũng tích cực tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ về hiệu quả mà các chính sách dân tộc đem lại đối với mỗi người, mỗi gia đình, từ đó nâng cao ý thức người dân trong việc thực hiện. Nhờ đó, đời sống người dân trên địa bàn huyện đã từng bước được cải thiện, diện mạo các thôn, làng cũng ngày càng được thay đổi.
Chính sách đầu tiên phải nói tới là chương trình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế với một loạt các nội dung đã được huyện Kon Plông triển khai hiệu quả như: cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo; cho hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất; chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn...Từ nguồn vốn này, người dân đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, từ đó góp phần tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, với một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Kon Plông, để hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững dựa trên tập quán canh tác, phù hợp với điều kiện địa phương là điều không đơn giản. Do đó, cùng với việc triển khai cho người dân vay vốn, huyện Kon Plông cũng đã thực hiện hỗ trợ trực tiếp các loại giống cây trồng, vật nuôi; làm chuồng trại chăn nuôi; chuyển giao khoa học – kỹ thuật để người dân làm quen, học hỏi rồi dần dà mở rộng quy mô sản xuất.
|
Theo đó, tuỳ theo điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán sản xuất của người dân từng vùng mà huyện Kon Plông đã có những giải pháp hỗ trợ phù hợp, chẳng hạn như ở vùng Đông Trường Sơn với các xã Đăk Ring, Đăk Nên, Ngọc Tem, Pờ Ê hỗ trợ cây keo lai, bời lời và chăn nuôi bò; đối với các xã có khí hậu lạnh như Măng Bút, Đăk Long, Măng Cành, Hiếu hỗ trợ cây cà phê xứ lạnh, triển khai mô hình nuôi heo địa phương...Qua đó, đã từng bước giúp các hộ nghèo có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tạo động lực đẩy nhanh công tác giảm nghèo bền vững.
Tiêu biểu như tại xã Đăk Long, nhờ phát huy tốt các chương trình hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của người dân trên địa bàn xã đã có những cải thiện đáng kể. Chủ tịch UBND xã Đăk Long - Trương Ngọc Tuyền chia sẻ: Trước đây, người dân trong xã rất lúng túng với bài toán đầu tư cho sản xuất nông nghiệp như thế nào cho hiệu quả; nhưng mấy năm gần đây, các hộ gia đình đã và đang biết cách đổi mới canh tác trong trồng trọt, chăn nuôi bằng cách sử dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ dành cho đồng bào DTTS. Từ chỗ chỉ biết canh tác manh mún với cây bắp, cây mì là chủ yếu; đời sống khó khăn, giờ đây nhiều gia đình đã tranh thủ sự hỗ trợ cây, con giống, tận dụng các nguồn vốn vay ưu đãi, tiếp cận kỹ thuật trồng cây các loại công nghiệp, nuôi trâu bò, heo... đem lại thu nhập đáng kể.
Song song với đó, các hạng mục dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 trong 5 năm từ 2011-2016, với nguồn kinh phí gần 57 tỷ đồng, huyện Kon Plông đã đầu tư xây dựng 99 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh cho vùng ĐBDTTS như: đường giao thông nông thôn; hệ thống các công trình nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân; trường học; cải tạo, đầu tư xây dựng mới hệ thống thủy lợi... Các công trình này đều đã và đang phát huy được hiệu quả, phần nào giải quyết nhu cầu bức thiết về cơ sở hạ tầng ở các thôn, làng đặc biệt khó khăn; góp phần phục vụ tốt cho sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
|
Bên cạnh đó, huyện Kon Plông cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách định canh, định cư; từ đó, giúp người dân ổn định nơi ở, có điều kiện phát triển sản xuất. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, huyện Kon Plông đã hỗ trợ cho hơn 800 lượt hộ nghèo của 9 xã thiếu đất ở, đất sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt phân tán; hỗ trợ 1.838 hộ dân tham gia khai hoang, phục hóa đất sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, huyện đã triên khai di dời khẩn cấp các khu dân cư nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao và thực hiện định canh, định cư cho 315 hộ dân với 1.605 nhân khẩu.
Hiệu quả từ nguồn lực đầu tư của các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS thực sự đã có tác động tích cực đến đời sống nhân dân, là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc; góp phần làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn trong huyện Kon Plông, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Tấn Hiển, trăn trở lớn nhất của các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Kon Plông hiện nay là tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao; đồng bào một số nơi vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chưa nhìn nhận đúng về trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc tham gia thực hiện các chương trình.
Do đó, thời gian tới, để việc thực hiện các chính sách dân tộc hiệu quả hơn nữa; huyện sẽ chú trọng vào các giải pháp thiết thực hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm giúp đồng bào các DTTS biết cách làm ăn, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu cùng với nâng cao hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng cơ sở nông thôn...
Thuỳ Hương – Lê Nga