Gặp đội đua thuyền độc mộc Kroong
Gần cuối năm mùa nước lên, ngã ba sông Đăk Bla - Pô Kô - Sê San dềnh dàng nước, thuyền bè đánh bắt cá qua lại nhộn nhịp. Nhìn các thuyền bè qua lại, A Mlưn - Đội trưởng Đội đua thuyền độc mộc xã Kroong bộc bạch: “Các thành viên trong đội đua thuyền độc mộc ở hai làng của xã là những người gắn bó với sông nước, thường đánh bắt cá trên sông, tay chèo có hạng nên trong các cuộc thi đua thuyền dịp Xuân thường đoạt giải cao”.
Đến ngã ba sông, gặp người dẫn dắt đội đương kim vô địch
Không ai biết từ bao giờ, chỉ biết rằng người Ba Na (nhánh Rơ Ngao) ở làng Kroong Klah, Ktu, xã Kroong (thành phố Kon Tum) từ lâu đã định cư ở gần ngã ba sông Đăk Bla - Pô Kô – Sê San. Đứng trên mũi đất ngã ba sông, A Mlưn - Đội trưởng Đội đua thuyền độc mộc xã Kroong chỉ tay về bên tả là dòng sông Đăk Bla, bên hữu là sông Pô Kô, phía trước nơi hợp lưu giữa hai sông này là dòng Sê San chảy về lòng hồ thủy điện Ya Ly.
“Gắn bó với sông nước, ngay từ còn nhỏ, tôi cùng người dân trong làng Kroong Klah, Ktu đều biết bơi lội. Năm 15 tuổi, khi cầm vững mái chèo, tôi cùng cha chèo thuyền độc mộc ngược xuôi sông Đăk Bla, Pô Kô, Sê San và lòng sông nơi ngã ba để chài lưới bắt cá. Chèo thuyền độc mộc không khó, nhưng đòi hỏi phải giỏi bơi lội để lỡ gặp dòng nước xoáy và gió giật bất ngờ làm lật thuyền, mình vẫn không hề gì, lật thuyền trở lại và vẫn vững vàng tay lái”- A Mlưn bộc bạch.
|
Tại thời điểm tôi đến gặp lúc ngưng gió, sóng nước chỉ ì oạp. Nhưng theo A Mlưn, khi gió lên, sóng nước ở đây cuồn cuộn. Về mùa nước lũ, dòng sông Đăk Bla, Pô Kô, Sê San trở nên hung dữ, sông nơi ngã ba sông lại càng hung dữ. Bà con ở đây buộc phải thích ứng với sông nước, phải giỏi bơi lội, chèo thuyền độc mộc, chinh phục dòng nước dữ để mưu sinh và tồn tại.
Sống ở khu vực gần ngã ba sông, người dân ở đây phải luôn đối mặt với sự bất thường của sông nước, nhất là về mùa nước lũ. Song bù lại, khu vực ngã ba sông cá tôm nhiều, đất đai dọc theo các dòng sông giàu phù sa, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, ngoài sản xuất nông nghiệp, nhiều người dân làng Kroong Klah, Ktu còn đánh bắt thủy sản. Nguồn thu từ thủy sản không chỉ giúp cho nhiều hộ gia đình có thực phẩm để cải thiện bữa ăn hằng ngày mà còn có thêm nguồn thu nhập không nhỏ để trang trải và nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Gắn bó với sông nước, thường xuyên ngược xuôi trên sông nước để đánh bắt cá, qua lại trên sông để sản xuất, chuyên chở sản phẩm nông nghiệp, dân làng ở đây phần lớn đều giỏi bơi lội và biết chèo độc mộc. Tuy nhiên, giỏi bơi lội, vững tay chèo trên sóng nước ngã ba sông chưa hẳn là tay đua thuyền độc mộc giỏi”- A Đương, thành viên trong đội đua và tay đua có hạng chia sẻ.
Anh A Mlưn và một số thành viên trong đội đua thuyền độc mộc xã còn cho rằng để trở thành tay đua, đòi hỏi tay đua phải có sức khỏe và có kỹ năng chèo thuyền độc mộc. Thuyền độc mộc phải nhẹ, mũi nhọn và ít ma sát. Để tuyển chọn các thành viên vào đội đua, đội trưởng và các tay đua kỳ cựu phải có con mắt tinh đời, lựa chọn người trẻ, khỏe, nhanh nhẹn và có kỹ năng chèo thuyền độc mộc.
Để giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống
Nâng niu những tấm Huy chương và Cờ đua giải Nhất toàn đoàn Giải Đua thuyền độc mộc thành phố Kon Tum mở rộng chào mừng kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum (9/2/1913 -9/2/2023), anh A Mlưng tự hào cho biết, Đội đua thuyền độc mộc xã Kroong có 10 người. Đây đều là những người được chính anh và các tay đua kỳ cựu tuyển chọn kỹ càng ở làng Kroong Klah, Ktu.
Trong Giải Đua thuyền độc mộc thành phố Kon Tum mở rộng trên, anh A Mlưng được giao trách nhiệm đội trưởng và trực tiếp dẫn dắt Đội đua thuyền độc mộc xã Kroong. Là người con của làng Kroong Klah, lại là cán bộ phụ trách văn hóa - thông tin xã, anh luôn ý thức cao trách nhiệm của mình với đội. Ngoài việc cùng với các tay đua có nhiều kinh nghiệm ở hai làng chọn tuyển, huấn luyện, anh còn trực tiếp truyền “lửa”, phát huy tinh thần đoàn kết của đội trong cuộc thi để cùng nhau giành giải cao, góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống đua thuyền độc mộc, tạo ra bầu không khí vui tươi, phấn chấn cho người dân xem.
|
Để giành chiến thắng trong các cuộc đua thuyền độc mộc, trước khi tham dự Giải, đội đua thuyền độc xã đã tổ chức cho các thành viên ra sông tập luyện ít nhất một tuần để các thành viên ôn lại các kỹ năng, ra tay đều khi chèo thuyền.
Kỹ năng cần có của những người tham gia đua thuyền là khi đua thuyền mắt luôn nhìn về phía trước, các tay chèo thuyền đều, mạnh, nhanh và hiểu những quy định trong cuộc đua. Thuyền tham gia đua thuyền phải chọn thuyền nhẹ, mặt ngoài thuyền láng, mũi thuyền và đuôi thuyền nhọn để giảm độ ma sát. Mũi thuyền phải cao hơn đuôi thuyền để thuyền rẽ sóng nước, lướt nhanh. Thuyền được làm bằng gỗ sao xanh, bằng lăng hay bò ma.
Với chuẩn bị chu đáo và ý chí quyết tâm cao của các thành viên nên trong Giải Đua thuyền độc mộc thành phố Kon Tum mở rộng chào mừng kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh, Đội Đua thuyền độc mộc xã Kroong đoạt giải Nhất toàn đoàn. Trong các cuộc đua hằng năm được tổ chức trước đây, đội đua thuyền độc mộc xã cũng thường đoạt những giải cao, chỉ sau Đội Đua thuyền độc mộc làng Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy.
Đóng góp cho sự thành công của Đội đua thuyền độc mộc xã Kroong còn phải kể sự quan tâm của UBND xã trong việc hỗ trợ kinh phí, động viên tinh thần các thành viên trong Đội. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Nhiên cho biết, giải đua thuyền độc mộc hằng năm trong dịp đầu Xuân là nét đẹp trong văn hóa truyền thống ở địa phương. Ý thức được việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, UBND xã luôn quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ cơm ăn, nước uống, tiền xăng xe đi lại để kịp thời động viên tinh thần các thành viên trong đội đua thuyền.
Tiếp nối truyền thống, Đội đua thuyền độc mộc xã Kroong đang sẵn sàng tham gia cuộc thi đua thuyền độc mộc trong dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024 - nếu UBND thành phố Kon Tum tổ chức. Tuy nhiên, điều mà A Mlưn lo lắng là qua thời gian sử dụng, các thuyền độc mộc tham gia đua thuyền bị hư hỏng nhiều. Trong làng Kroong Klah, Ktu hiện có gần 60 thuyền nhựa, thuyền tôn, nhưng chỉ còn mấy thuyền độc mộc đang bị xuống cấp.
“Trước yêu cầu đặt ra, đội đua thuyền độc mộc xã mong muốn các cấp chính quyền hỗ trợ kinh phí hoặc cây gỗ làm thuyền độc mộc để người dân hai làng đẽo thuyền, tiếp tục tham gia đua thuyền trong những năm đến, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các DTTS ở địa phương”- A Mlưn thật lòng.
Văn Nhiên