F0 điểu trị tại nhà và những vấn đề cần quan tâm
Tiến sĩ, bác sĩ Võ Văn Thanh- Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh nhấn mạnh, việc triển khai điều trị F0 tại nhà là tất yếu. Tuy nhiên, không phải F0 nào cũng có thể điều trị tại nhà, và khi điều trị tại nhà cần các điều kiện; tuân thủ nghiêm ngặt quy định điều trị và phòng dịch.
Hướng đi phù hợp, tất yếu
Ngày 15/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã ban hành Hướng dẫn tạm thời cách ly, điều trị các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà. Ngay sau khi được ban hành, quy định mới này đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Tuy nhiên, F0 không được điều trị tại nhà khi nào? Quản lý, điều trị F0 tại nhà ra sao? Việc cấp phát thuốc điều trị được thực hiện thế nào? Những dấu hiệu nào F0 cần phải báo ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời và liên hệ với ai… đang là những vấn đề được dư luận quan tâm.
Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, tiến sĩ, bác sĩ Võ Văn Thanh- Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh nhấn mạnh, việc triển khai điều trị F0 tại nhà là tất yếu trong tình hình hiện nay.
Vi rút SARS-CoV-2 có đặc điểm lây truyền rất nhanh, các biến thể mới ngày càng có tốc độ lây lan nhanh hơn, nếu chỉ có các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là không đáp ứng được. Việc thành lập các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 cũng khiến lực lượng y tế bị phân mỏng, trong khi còn nhiều bệnh tật khác cũng phải được điều trị, chăm sóc.
Vì vậy, việc triển khai điều trị F0 tại nhà đang được xem là giải pháp hiệu quả và bền vững nhằm giảm tải gánh nặng cùng nhiều nguy cơ khác cho hệ thống y tế, đồng thời tạo thoải mái, thuận tiện cho người bệnh, đảm bảo tất cả người mắc bệnh đều được tiếp cận chăm sóc y tế đầy đủ- Tiến sĩ, bác sĩ Võ Văn Thanh cho hay.
Tuy nhiên, tiến sĩ Thanh nhấn mạnh chỉ nên điều trị các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ và không triệu chứng. Đối với các trường hợp mắc thể trung bình trở lên phải được điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để xử trí, điều trị kịp thời khi diễn biến nặng.
|
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum chưa có trường hợp F0 nào được cách ly, điều trị tại nhà, nguyên nhân chính do số trường hợp F0 trên địa bàn tỉnh đang được điều trị (đến ngày 23/12) là 235 người, trong đó có 216 trường hợp F0 mới và 19 trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2. Số F0 này vẫn nằm trong phạm vi đáp ứng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh nên vẫn đang được điều trị tại các bệnh viện.
Trong thời gian đến, với tình hình dịch Covid-19 diễn biến vẫn hết sức phức tạp, việc tích cực, chủ động chuẩn bị cho điều trị Covid-19 tại nhà vẫn là yêu cầu cấp thiết.
Những quy định cần tuân thủ khi F0 điều trị tại nhà
Theo tiến sĩ Thanh, F0 tại tỉnh muốn được điều trị tại nhà phải thuộc diện phân loại thể nhẹ, không triệu chứng, không có biểu hiện suy hô hấp, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, nhịp thở ≤ 20 lần/phút. Là người từ 3 tháng tuổi đến 49 tuổi, không mắc các bệnh mạn tính và thuộc diện nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, người sống trong gia đình F0 không thuộc diện nhóm nguy cơ và có các kiến thức cơ bản phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2. Có đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện cần thiết để chăm sóc, điều trị, theo dõi F0, phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2.
Đối với trường hợp F0 thể nhẹ và không triệu chứng điều trị tại nhà chủ yếu áp dụng các biện pháp nâng cao thể trạng, khả năng đề kháng của bản thân như đảm bảo chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và vận động phù hợp, có tinh thần lạc quan, trường hợp nếu sử dụng thuốc, theo Bộ Y tế khuyến cáo, chỉ sử dụng thuốc hạ nhiệt khi có sốt như Paracetamol, các loại vitamin và uống đủ nước.
Việc sử dụng thuốc sẽ tham khảo ý kiến của cán bộ y tế tuyến xã, người quản lý F0 tại nơi cư trú. Trên cơ sở đánh giá của nhân viên y tế, sẽ kê đơn, cấp phát thuốc cho người bệnh sử dụng. Toàn bộ thuốc cho điều trị Covid-19 được Nhà nước chi trả theo đúng quy định. Người mắc Covid-19 điều trị tại nhà phải thường xuyên liên hệ với cán bộ y tế của trạm y tế gần nhất để được theo dõi sức khỏe liên tục, tư vấn trong trường hợp có diễn biến bất thường.
F0 được điều trị tại nhà cần chấp hành nghiêm các quy định về thời gian cách ly y tế/theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của y tế; có cam kết với chính quyền địa phương. Không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác, không tiếp xúc với động vật nuôi, không dùng chung các đồ dùng, vật dụng cá nhân với người khác, không đưa vật dụng đã sử dụng ra khỏi khu vực cách ly điều trị.
Ngoài ra, F0 phải tự thực hiện các biện pháp vệ sinh khử khuẩn nơi ở, phân loại chất thải hàng ngày theo hướng dẫn, chấp hành nghiêm việc lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định và hướng dẫn của cán bộ y tế; thực hiện thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
|
Người chăm sóc F0 phải có kiến thức cơ bản về phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2, có đủ phương tiện phòng hộ cá nhân để khi cần sử dụng; luôn giữ khoảng cách trên 2m với F0. Thực hiện vệ sinh khử khuẩn nhà ở hàng ngày; thu gom chất thải từ phòng cách ly F0, của gia đình theo đúng hướng dẫn, quy định.
Thực hiện nghiêm tự theo dõi sức khỏe 28 ngày. Khi có biểu hiện nghi ngờ như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, chán ăn, gai người, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác… thì phải báo ngay cho cán bộ y tế.
Tiến sĩ Võ Văn Thanh khuyến cáo, cả người mắc Covid-19 và người chăm sóc F0 đều phải nhận biết được các dấu hiệu chuyển nặng của F0 để báo ngay cho cán bộ y tế.
Đó là dấu hiệu khó thở, thở hụt hơi, hoặc trẻ em có dấu hiệu thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào. Nhịp thở tăng ≥ 21 lần/phút đối với người lớn; tăng ≥ 40 lần/phút đối với trẻ em từ 1-5 tuổi; tăng ≥ 30 lần/phút đối với trẻ em từ 5-12 tuổi. Độ bão hòa ô xy trong máu ngoại vi <96% (SpO2<96%). Mạch nhanh trên 120 lần/phút hoặc dưới 50 lần/phút. Huyết áp tối đa dưới 90 mmHg, huyết áp tối thiểu dưới 60 mmHg (nếu đo được).
Ngoài ra có các dấu hiệu khác như: Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu; thay đổi ý thức (lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, đối với trẻ em thì quấy khóc, li bì, khó đánh thức, co giật); tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân; không thể uống với người lớn và bú đối với trẻ nhỏ. Trẻ em sốt trên 38oC, đau rát họng, ho, tiêu chảy, mệt, không chịu chơi, tức ngực, cảm giác khó thở, ăn kém, bú kém...
Để có thể sống chung an toàn với dịch bệnh, ngày 11/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; UBND tỉnh cũng ban hành kế hoạch thực hiện nhằm đảm bảo thích ứng an toàn, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trong tình hình hiện nay, ngành Y tế rất cần sự chung tay, góp sức của mỗi người dân thông qua việc chủ động tuân thủ các biện pháp phòng ngừa SARS-CoV-2, như tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ; đeo khẩu trang; giữ khoảng cách; thường xuyên vệ sinh tay, vệ sinh nơi sinh sống; không tụ tập đông người; khai báo y tế theo đúng khuyến cáo của ngành Y tế và các đơn vị chức năng- Tiến sĩ, bác sĩ Võ Văn Thanh nhấn mạnh.
Hồng Lam