Đừng chủ quan vì nghĩ hết Covid-19
Hiện nay người dân bắt đầu chủ quan với việc phòng, chống Covid-19 với suy nghĩ “đã tiêm 3 mũi phòng Covid-19 rồi thì bị Covid-19 cũng như bị cảm cúm thôi”, “mắc Covid-19 rồi thì không thể mắc lại” hay “hết dịch Covid-19 rồi mà”…
Nghe tin tôi bị mắc Covid-19, nhiều bạn bè đã nhắn tin, gọi điện thoại hỏi thăm. Tuy nhiên, mở đầu câu chuyện đều là “Sao giờ vẫn bị Covid-19?”, “Tưởng hết Covid-19 rồi chứ?”…
Thú thật, ngay bản thân tôi cũng giật mình khi bị mắc Covid-19. Những ngày tháng cao điểm chống dịch Covid-19 đã qua đi. Đất nước đã bước vào giai đoạn “bình thường mới”. Tôi cũng như bao người khác, đi làm, đi đám cưới, đi chợ, đi tiệc khai trương, khánh thành…Và rồi, tôi bị mắc Covid-19 lúc nào, ở đâu cũng không hay.
Biểu hiện đầu tiên là sốt cao và rất lạnh. Xét nghiệm PCR cho thấy dương tính với vi rút SARS-CoV-2, chỉ số CT 18. Tôi bị sốt gần 2 ngày và 1 đêm, uống hạ sốt tới 4 lần; sốt kèm đau đầu dữ dội; khi hạ sốt vẫn đau nặng đầu, rồi ho, mất mùi, mất vị… Ăn uống không ngon, cách ly trong phòng ngột ngạt, mệt mỏi, nhất là phải tự mình “chiến đấu” với những cơn sốt.
Theo quan sát, hiện nay người dân bắt đầu chủ quan với việc phòng, chống Covid-19 với suy nghĩ “đã tiêm 3 mũi phòng Covid-19 rồi thì bị Covid-19 cũng như bị cảm cúm thôi”, “mắc Covid-19 rồi thì không thể mắc lại” hay “hết dịch Covid-19 rồi mà”…
|
Chốn đông người như chợ, trường học, công sở, quán xá… giờ thấy hiếm dần người đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Đặc biệt là hiện nay, sau một thời gian dài hoãn cưới, giờ là lúc các tiệc cưới được tổ chức rầm rộ, có tiệc quy mô lớn lên tới nghìn khách. Trong đám cưới, ai nấy đều thoải mái ăn uống, nói chuyện, bắt tay mà không có bất kỳ một biện pháp phòng dịch nào, tiềm ẩn nguy cơ cao việc lây nhiễm Covid-19 nếu có người mắc, bởi nhiều người mắc không triệu trứng nên bản thân họ cũng không biết để phòng, tránh cho người khác.
Phải thừa nhận, nhiều người bị mắc Covid-19 triệu trứng rất nhẹ, như chỉ hơi sốt nhẹ, hơi đau đầu, ho húng hắng… nhưng cũng có người bị rất nặng, nhất là đối với những người lớn tuổi, người có bệnh nền.
Đơn cử như ông Nguyễn Kim Phương, ở thôn Kon Tu 2, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum bị mắc Covid-19 vào tháng 4 vừa qua. Dù đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng Covid-19, song do có nhiều bệnh nền nên khi mắc Covid-19, bệnh tiến triển nặng rất nhanh. Gia đình đưa ông vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng hôn mê với tiên lượng xấu, rất may với sự điều trị tận tình của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau 12 ngày điều trị, ông đã khỏe mạnh và xuất viện.
Ông Nguyễn Kim Phương chỉ là một trong số gần 100 bệnh nhân mắc Covid-19 nguy kịch được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh cứu chữa thành công.
BS CKII Lê Vũ Thức - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trong thời gian qua, những bệnh nhân Covid-19 nặng chủ yếu là những người lớn tuổi, có bệnh nền và những người chưa được tiêm vắc xin Covid-19. Những trường hợp này thường bệnh dễ chuyển biến nặng, khi đưa tới bệnh viện, đội ngũ y, bác sĩ tích cực chăm sóc, điều trị, thực hiện những kỹ thuật cao như là thở máy, lọc máu và thậm chí có bệnh nhân phải chạy ECMO (phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể, sử dụng một hệ tuần hoàn để thực hiện quá trình trao đổi oxy ở bên ngoài của cơ thể).
Chị Trần Lan Phương, ở thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông bị mắc Covid-19 đến 2 lần chỉ cách nhau vài tháng. Mặc dù mới chỉ ngoài 40 tuổi, không bị bệnh nền, nhưng theo chị kể thì lần thứ 2 bị mắc Covid-19 thật kinh khủng. Ngoài các biểu hiện như ho, sốt, đau họng… thì điều làm chị “ám ảnh” đến tận bây giờ là cảm giác khó thở, tức ngực, không thể nằm ngủ mà phải… ngồi ngủ. Sau khi khỏi bệnh, sức khỏe suy giảm rõ rệt, nhất là vẫn thường bị hụt hơi và rất hay quên.
Đấy là những bệnh nhân ở vùng thuận lợi, còn đối với những bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, và cả khó khăn về kinh tế thì việc đưa tới trung tâm y tế hay bệnh viện để được tiếp cận với thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ y, bác sĩ tay nghề cao là điều không dễ thực hiện và như vậy thì hậu quả thật khó lường.
Ngành y tế tỉnh khẳng định, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, số ca nhiễm giảm rõ rệt; tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 đạt theo chỉ tiêu của Bộ Y tế; vắc xin dự phòng Covid-19 vẫn có hiệu quả với các biến thể vi rút SARS-CoV-2 hiện đang lưu hành.
Tuy nhiên, cũng theo thống kê của ngành y tế, mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận số người nhiễm mới Covid-19 mặc dù rất ít; những người chưa mắc Covid-19 hoặc đã từng mắc Covid-19 vẫn có thể bị mắc lại lần 2, lần 3…
Mặc dù khẳng định đã khống chế được dịch, tuy nhiên mới đây, Sở Y tế tỉnh đã có văn bản đề nghị căn cứ tình hình, khả năng đáp ứng dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 với quan điểm “bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro; bảo đảm hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp phòng, chống dịch với các biện pháp khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội”, tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát, phát hiện sớm và điều tra, xử lý ổ dịch Covid-19 kịp thời, hiệu quả theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các bộ, ngành để bảo vệ sức khỏe nhân dân, duy trì thành quả chống dịch hiện nay với mục tiêu đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.
Dương Nương