Điểm số và những áp lực vô hình
Những ngày này, học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh đang trải qua đợt kiểm tra hết học kỳ I của năm học 2023 - 2024. Và dường như câu chuyện điểm số, thành tích học tập của học sinh lại là chủ đề được nhiều người quan tâm, bàn luận nhất.
Thấy chị hàng xóm lúc nào cũng tất bật với việc đưa, đón con, hỏi ra tôi mới biết vì cậu con trai đang học lớp 7 phải “chạy sô” đi học thêm.
Nghe chị kể, ngày nào cũng thế, hết học Toán sang học Văn, rồi Tiếng Anh, nhiều hôm, cậu bé học thêm tới 2 ca nên sau khi đón con tan học ở trường, chị tranh thủ ghé mua ổ bánh mì cho con ăn lót dạ rồi đưa tới lớp học thêm. Cứ thế, hết ca thứ nhất qua ca thứ hai, đến hơn 9h tối, cậu bé mới được về nhà ăn cơm, tắm giặt, sau đó, lại ngồi vào bàn để làm bài tập, soạn bài cho ngày hôm sau, tới muộn mới được đi ngủ.
Con mệt, mẹ cũng mệt theo, nhưng theo chị phải cố gắng để học kỳ này con được xếp loại giỏi.
|
Chuyện là, năm ngoái con chị không đạt được học sinh giỏi như cả nhà mong đợi do điểm thi môn Văn chỉ đạt trung bình. Dù chị đã giải thích hết lời để gia đình hiểu rằng, con đã cố gắng hết sức, nhưng sức học của con chỉ đạt đến vậy, không nên ép con. Tuy nhiên, chị vẫn bị cả nhà chỉ trích vì nuông chiều con, không cho con đi học thêm dẫn đến điểm thi kém. Thế nên, năm nay chị phải chạy đôn, chạy đáo tìm thầy cô, xin cho con học thêm với hy vọng cải thiện thành tích.
Chẳng riêng gì nhà chị hàng xóm tôi, câu chuyện điểm số, thành tích học tập khiến nhiều đứa trẻ phải chịu nhiều áp lực là thực tế đang diễn ra trong nhiều gia đình. Thế nên, mỗi kỳ thi đến, nhiều em lo lắng đến mất ăn, mất ngủ về điểm số và sợ mình không đáp ứng được mong mỏi của ba mẹ, ông bà.
Câu chuyện áp lực học tập, điểm thi cũng đã được nêu ra tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XII diễn ra đầu tháng 12 và nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu, cử tri.
Theo thông tin từ ngành Giáo dục, điều đáng mừng là Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 được triển khai theo hướng tinh giản về thời gian học kiến thức mà tăng cường các môn học kỹ năng, rèn luyện thể chất. Chẳng hạn như nếu ở chương trình cũ cấp THCS môn Ngữ văn, Toán là 175 tiết/năm; chương trình mới giảm còn 140 tiết/năm; cấp THPT chương trình cũ ở bộ môn Toán là 122 tiết/năm, chương trình mới chỉ còn 105 tiết/năm. Việc kiểm tra, thi cử cũng có sự thay đổi theo hướng chuyển từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được. Các môn học chỉ có 1 bài kiểm tra giữa kỳ và 1 bài kiểm tra cuối kỳ. Điều này, vừa góp phần giảm tải cho học sinh, vừa giúp học sinh rèn luyện, phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng và thể chất.
|
Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề áp lực điểm số, thành tích học tập vẫn diễn ra ở nhiều cấp học khi một số giáo viên vẫn đặt ra mục tiêu dạy học cao, cha mẹ học sinh có tâm lý kỳ vọng lớn về kết quả học tập con em mình. Cũng từ đây, tình trạng dạy thêm và học thêm, đua nhau tìm thầy giỏi kèm cặp cho con, nhất là trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho các kỳ thi diễn ra như một trào lưu. Dù rằng, thời gian qua, ngành Giáo dục đã có nhiều chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát về hoạt động này.
Phải nói rằng, việc các gia đình, bậc phụ huynh lo lắng, mong muốn con em mình có kết quả học tập tốt là điều hiển nhiên. Song việc đặt nặng điểm số và kỳ vọng quá lớn lại khiến con trẻ bị áp lực, đến các vấn đề về tâm lý. Thậm chí, có những em không vượt qua được đã tự giải thoát bằng biện pháp tiêu cực là điều cần nhìn nhận lại.
Mỗi đứa trẻ đều có những thế mạnh khác nhau. Điểm cao đôi khi chỉ là những con số, chưa phản ánh hết năng lực của học sinh. Thế nên, thay vì luẩn quẩn với vấn đề điểm số, tạo áp lực cho con thì phụ huynh nên tìm cách động viên, khuyến khích để con trẻ tự tin phát huy năng lực của bản thân.
Thiên Hương