Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum: Vẫn còn nguyên giá trị
Cuộc đấu tranh Lưu huyết của các chiến sĩ cộng sản ngày 12/12/1931 tại Ngục Kon Tum là một sự kiện chính trị, gây tiếng vang trong dư luận thế giới về tự do công lý và nhân phẩm con người.
Cuộc đấu tranh Lưu huyết do các chiến sĩ cộng sản bị thực dân Pháp giam cầm tại Ngục Kon Tum nhằm phản đối âm mưu của bọn cai ngục ở đây đưa tù nhân đi làm đường ở Đăk Pét; phản đối chính sách tàn ác, hành dịch khổ sai, đánh đập, bắn giết, còng cùm và các hình phạt ác nghiệt đối với tù nhân của Chính phủ Pháp tại Ngục Kon Tum đối với tù chính trị.
Cuộc đấu tranh lưu huyết của gần 200 tù chính trị tại Ngục Kon Tum do các đồng chí Đặng Thái Thuyến, Trương Quang Trọng, Nguyễn Huy Lung, Hồ Độ lãnh đạo diễn ra từ ngày 12/12/1931 cho đến ngày 16/12/1931. Trong cuộc đấu tranh này, 15 chiến sĩ cộng sản anh dũng hy sinh, 16 chiến sĩ cộng sản khác bị thương. Cuộc đấu tranh này thật sự gây chấn động đối với thực dân Pháp ở tại Kon Tum và toàn cõi Đông Dương. Lần đầu tiên, đồng bào các dân tộc ở tỉnh Kon Tum chứng kiến một cuộc đấu tranh không cân sức giữa những người tù tay bị xiềng xích, gông cùm với binh lính địch có dư thừa súng đạn trong tay. Đồng bào ở Kon Tum hết sức khâm phục ý chí kiên cường của những người tù chính trị cộng sản. Càng hiểu về những người cộng sản, càng hiểu về Đảng, nhân dân Kon Tum càng tình nguyện đi theo Đảng, cách mạng để đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
|
Là một người con sinh ra trên mảnh đất cách mạng Đăk Ui (huyện Đăk Hà) anh hùng, đồng chí Y Vêng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum hiểu rất rõ về giá trị lịch sử cách mạng của Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum vào ngày 12/12/1931.
Đồng chí Y Vêng cho biết: Sự hy sinh của các chiến sĩ cộng sản trong Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum để lại những giá trị to lớn cho các thế hệ mai sau; giáo dục lòng yêu nước và ý chí quật cường của dân tộc ta. Giá trị to lớn ấy đã trở thành động lực mạnh mẽ cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh dù bất kỳ hoàn cảnh gian khổ nào cũng một lòng đi theo cách mạng để giải phóng quê hương. Đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum và thế hệ trẻ hiện nay không quản ngại gian khổ, khắc phục mọi khó khăn, xung kích, tình nguyện trên mọi lĩnh vực, nhất là trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình và đóng góp cho xã hội, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, quê hương Kon Tum giàu đẹp.
|
Đồng chí Ka Ba Tơ - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Cuộc đấu tranh Lưu huyết của các chiến sĩ cộng sản tại Ngục Kon Tum vào tháng 12/1931 giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng, tinh thần quả cảm, chấp nhận hy sinh vì nước vì dân, vì khát vọng độc lập tự do của dân tộc của các chiến sĩ cộng sản. Cuộc đấu tranh đó, còn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản: Chỉ có Đảng Cộng sản mới có thể lãnh đạo nhân dân làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ cuộc đấu tranh này, liên hệ tình hình hiện nay, cần phải đẩy mạnh giáo dục tư tưởng chính trị cho đảng viên, chống sự tha hóa, biến chất, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vì nước, vì dân mà dấn thân phục vụ.
|
Phát huy tinh thần bất tử của những chiến sĩ cộng sản trong Cuộc đấu tranh Lưu huyết, cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ và đồng bào các dân tộc trong tỉnh ra sức cống hiến tài đức, không ngại khó khăn gian khổ, hy sinh thực hiện tốt đường lối, chủ trương và mục tiêu mà Đảng đề ra; đẩy mạnh phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nhất là ở cơ sở, đảm bảo mọi mặt đời sống cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Điển hình là nhiều chương trình, mục tiêu mà Đảng ta đề ra đã làm chuyển biến tỉnh Kon Tum từ một tỉnh nghèo, thành một tỉnh trên đường phát triển, đời sống đồng bào ngày càng no đủ hơn. Đặc biệt, trong tình hình dịch Covid-19, các chiến sĩ biên phòng, công an, quân đội và lực lượng y tế… không quản ngại gian khó, hy sinh, xung kích, tình nguyện ở tuyến đầu chống dịch, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và khống chế dịch bệnh.
Xác định giá trị lịch sử cách mạng của Cuộc đấu tranh Lưu huyết của các chiến sĩ cộng sản tại Ngục Kon Tum, Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum” nhằm giúp mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân có điều kiện tìm hiểu về giá trị lịch sử cách mạng của cuộc đấu tranh.
Đồng chí Nguyễn Quang Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chia sẻ thông tin: Sau 2 tháng phát động, cuộc thi đã có 20.853 lượt thí sinh tham dự thi trắc nghiệm và 12.543 bài dự thi tự luận. Thông qua cuộc thi đã góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về cuộc đấu tranh lưu huyết với tinh thần quyết tử, chấp nhận hy sinh của các tù chính trị vì mục tiêu cao cả “chết để sống”, “chết một người để cứu muôn người” đã thể hiện được bản lĩnh, khí phách hiên ngang của các chiến sĩ cộng sản trước lưỡi lê, mũi súng tàn bạo của quân thù; thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên đấu tranh tìm đến chân lý độc lập, tự do của dân tộc, Tổ quốc. Từ đó phát huy tinh thần nỗ lực, tinh thần xung kích, biết hy sinh của những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch và tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tương thân, tương ái của các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
90 năm đã trôi qua, nhưng Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng tô thắm lịch sử vinh quang, chói lọi của Đảng trên con đường lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; tiếp sức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh nỗ lực xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Đức Nhuận