KON TUM – QUẢNG NAM – QUẢNG NGÃI:
Cùng nhau bảo vệ rừng giáp ranh
Vùng rừng giáp ranh giữa Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi là tài nguyên quan trọng, là nơi hình thành và xuất phát của nhiều con sông lớn như sông Trà Khúc, Thu Bồn… trong khu vực.
Nhận thức được tầm quan trọng của vùng rừng giáp ranh, những năm qua, lực lượng kiểm lâm ba tỉnh ký cam kết và tăng cường triển khai các hoạt động quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng rừng giáp ranh.
Ba tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi giáp ranh nhau. Ở khu vực rừng giáp ranh giữa ba tỉnh, nhất là vùng rừng giáp ranh dọc theo dãy Trường Sơn có địa hình núi cao, dốc đứng, tập trung nhiều diện tích rừng tự nhiên và là nơi hình thành của các con sông lớn có vai trò quan trọng trong khu vực. Ở khu vực rừng giáp ranh lại có trữ lượng gỗ lớn, tính đa dạng sinh học cao với sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật quí, hiếm và đặc hữu. Do vậy, khu vực vùng giáp ranh dễ bị tác động bởi các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng, săn bắt động vật hoang dã trái phép.
|
Theo ông Nguyễn Tấn Liêm - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, trước yêu cầu đặt ra và từ vai trò quan trọng của rừng giáp ranh, trong những năm gần đây, được sự quan tâm và chỉ đạo của lãnh đạo ba tỉnh, lực lượng kiểm lâm ba tỉnh chủ động phối hợp với nhau xây dựng và ký kết quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (QLBVR&QLLS) nhằm bảo vệ tốt vốn rừng hiện có ở khu vực này. Trên cơ sở quy chế phối hợp, các hạt kiểm lâm, đội kiểm lâm, khu bảo tồn thiên nhiên, ban quản lý rừng đặc dụng ở các địa phương giáp ranh tiếp tục xây dựng và ký quy chế phối hợp với nhau để cùng nhau đưa công tác QLBVR&QLLS rừng giáp ranh đi vào nề nếp.
Không tính những năm trước, để thực hiện tốt quy chế phối hợp, trong năm 2014-2015, được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh, sở NN&PTNT ba tỉnh, chi cục kiểm lâm ba tỉnh đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh phối hợp chính quyền, các hội, đoàn thể tại địa phương tổ chức trên 1.100 cuộc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt chú trọng Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cho gần 55.600 lượt người dân vùng giáp ranh; tổ chức 3.139 hộ dân sống gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); thường xuyên tu sửa các biển tuyên truyền, cắm biển báo PCCCR, cấm mang dụng cụ và phương tiện vào rừng trái phép trên địa bàn các xã.
Đi đôi với công tác tuyên truyền, trong 2 năm qua, các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh, đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng (KLCĐ&PCCCR) của chi cục kiểm lâm ba tỉnh tổ chức 1.324 đợt kiểm tra, truy quét đối tượng xâm hại tài nguyên rừng. Theo đó, các đơn vị đã phát hiện và xử lý 663 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 1.608,39m3 gỗ (quy tròn) các loại, 11,82 ster củi, 5.339kg lâm sản phụ, 14,3kg thịt động vật rừng thông thường, 17 xe ô tô, 75 xe máy, 1 súng tự chế, 5 cưa xăng và nhiều dụng cụ khác.
Thông qua các hoạt động này, việc quản lý và bảo vệ rừng giáp ranh có những chuyển biến tích cực, số vụ vi phạm lâm luật gần đây giảm hơn trước. Kinh nghiệm cho thấy, ở nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt các ngành phối hợp bảo vệ rừng, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân bảo vệ rừng, thì ở nơi đó công tác QLBVR hiệu quả và ngược lại. Đồng thời, ở nơi nào công tác giao đất giao rừng, khoán bảo vệ rừng thực hiện tốt, bảo đảm quyền lợi các hộ nhận đất, nhận rừng và khoán bảo vệ rừng, thì ở nơi đó vùng rừng giáp ranh được bảo vệ và phát triển tốt...
Cũng theo Chi cục trưởng Nguyễn Tấn Liêm, để tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp, bảo vệ có hiệu quả rừng giáp ranh, ba tỉnh giáp ranh đã xác định nhiệm vụ quan trọng trong thời gian đến: Thường xuyên đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm người dân vùng rừng giáp ranh tham gia BV&PTR, không đốt phá rừng, khai thác gỗ trái phép, săn bắt, mua bán tiêu thụ động vật hoang dã. Các hạt kiểm lâm, đội KLCĐ&PCCCR xây dựng kế hoạch phối hợp QLBVR&QLLS vùng giáp ranh theo quy chế đã ký kết; thường xuyên theo dõi, trao đổi thông tin về tình hình rừng giáp ranh để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm lâm luật; đôn đốc, kiểm tra, giám sát các chủ rừng trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần được Nhà nước giao.
Trong công tác bảo vệ rừng giáp ranh, lực lượng kiểm lâm ba tỉnh cũng xác định tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp của các cấp, các ngành, chính quyền, hội, đoàn thể tại địa phương và chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng; xây dựng lực lượng bảo vệ rừng đủ mạnh, tăng cường thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác QLBVR&QLLS rừng giáp ranh; thu hút các nguồn lực xã hội tham gia bảo vệ và phát triển rừng bằng cách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các các chủ rừng, chủ đầu tư và người dân tham gia trồng rừng sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ổn định cuộc sống, tạo việc làm và tăng thu nhập người dân vùng rừng giáp ranh; tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng...
Quản lý bảo vệ rừng nói chung và bảo vệ rừng giáp ranh nói riêng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Chỉ có huy động các nguồn lực cùng tham gia bảo vệ rừng, chúng ta mới có khả năng quản lý bảo vệ tốt tài nguyên rừng.
Đào Nguyên