Có một “cuộc chiến” khác
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 là một “cuộc chiến” tuy âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt, mà mỗi bước tiến của nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến việc chiến thắng, hoặc ít nhất là sống chung an toàn với dịch bệnh, hoặc đảm bảo thắng lợi cho chiến lược “thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.
Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với những người xung quanh mình, tôi sống lạc quan, tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch, tương trợ lẫn nhau để thích ứng với tình hình mới.
Tuy nhiên, lo lắng và căng thẳng là những gì tôi thường xuyên phải đối mặt trong những ngày tháng qua, vì tôi được chỉ định tiêm vắc xin muộn hơn các đồng nghiệp tới 5 tháng, bởi lý do cá nhân. Trong khi mọi người đều được tiêm mũi 1 từ tháng 5/2021, đủ 2 mũi vắc xin vào tháng 7, thì cuối tháng 10, tôi mới được tiêm mũi 1.
Dù vậy, do lợi thế nghề nghiệp, tôi được tiếp cận nhanh chóng và thường xuyên với tiến độ tiêm vắc xin. Nên tôi hiểu rõ những tác động ngày càng nghiêm trọng của đại dịch đối với đời sống con người và tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin.
Và tôi biết rằng, tiêm vắc xin đã trở thành chủ đề được những người xung quanh mình quan tâm nhất trong suốt thời gian qua. Đến mức, “tiêm vắc xin chưa” trở thành “đầu câu chuyện” cho mỗi lần gặp gỡ.
Cách đây mấy hôm, tôi chia sẻ niềm vui của các ông, bà, cô chú trong xóm khi được “lên phường” tiêm vắc xin. Có thể họ không gọi đúng tên vắc xin mình được tiêm, càng không thể nói rõ ràng về lợi ích của tiêm vắc xin, nhưng họ đều tin tưởng, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 không chỉ giúp bảo vệ bản thân, gia đình mà còn cho cộng đồng.
|
“Tiêm vắc xin và tuân thủ đầy đủ các khuyến cáo phòng Covid-19 của chính quyền và ngành Y tế là giải pháp để thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả Covid-19 hiện nay”- chú Nguyễn Văn Anh, bảo vệ một cơ quan phấn khởi nói. Chú Anh được tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca, và nắm rõ lợi ích của việc tiêm vắc xin cao hơn rất nhiều so với những rủi ro nếu không tiêm.
Trong tình hình hiện nay, mỗi ngày để tiêm vắc xin là một “ngày vàng”- Giám đốc Sở Y tế Võ Văn Thanh cũng từng nhấn mạnh.
Hàng loạt văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh tập trung chỉ đạo cho việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhưng phải đảm bảo an toàn. Tại các hội nghị trực tuyến được tổ chức thường xuyên, tiêm vắc xin phòng Covid-19 cũng là một trong những nội dung chính được đặc biệt quan tâm bàn thảo và chỉ đạo.
Đặc biệt, trong Điện khẩn số 02/Đ-TU ngày 22/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhân dân trên địa bàn để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, thích ứng điều kiện bình thường mới theo yêu cầu của Chính phủ.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận đủ 294.170 liều vắc xin phòng Covid-19 do Bộ Y tế phân bổ; hoàn thành 10 đợt tiêm, hiện đang triển khai đợt 11 (từ ngày 2/11).
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, với 102 điểm tiêm đang vận hành tại tất cả các xã, phường, thị trấn, đến ngày 31/10, tỷ lệ người dân (≥18 tuổi) được tiêm vắc xin phòng Covid-19 (mũi 1 + đủ 2 mũi) đạt 68,59%.
Nhưng phía sau những con số cơ học ấy là cả một “cuộc chiến” nhiều áp lực và mồ hôi của đội ngũ những người làm nhiệm vụ ở các điểm tiêm chủng, bao gồm nhân viên y tế. Họ vừa phải chịu trách nhiệm về tiến độ, vừa đảm bảo yếu tố an toàn, giãn cách, chống sự lây nhiễm khi người dân tập trung đến các điểm tiêm.
|
Nhiều ngày qua, cuộc sống của V.- một nhân viên y tế gói gọn trong mấy chữ: Tiêm vắc xin - truy vết - lẫy mẫu. “Làm truy vết, lấy mẫu vất vả, áp lực và nguy hiểm bao nhiêu thì làm nhiệm vụ ở các điểm tiêm vắc xin cũng vất vả, áp lực và nguy hiểm bấy nhiêu”- V. chia sẻ.
Dù đã được cung cấp kiến thức về bảo quản, vận chuyển và tiêm vắc xin; nhận biết sự cố và ứng phó sự cố sau tiêm chủng cũng như chuẩn bị về tâm lý, nhưng họ đều biết, thực tế luôn có những phát sinh không thể lường trước. Những bạn bè công tác ở ngành Y tiết lộ với tôi rằng, khi làm việc ở tuyến đầu (bao gồm tiêm vắc xin phòng Covid-19) thường bị căng thẳng tâm lý hơn nhiều so với khi làm việc ở cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, hơn bất cứ lực lượng nào khác, nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại điểm tiêm chủng thường bị nguy cơ lây nhiễm bệnh ám ảnh, vì họ luôn tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây (nếu có). Trong khi lượng người dồn về thường quá đông; nhiều người không chấp hành quy định giãn cách, thậm chí chen lấn, xô đẩy để "tranh" lượt tiêm.
Tỉnh ta đặt mục tiêu tối thiểu 70% người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh được tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong năm 2021; trên 70% dân số toàn tỉnh được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đến hết quý I/2022.
Vì vậy, tiêm vắc xin phòng Covid-19 đang là “cuộc chiến” tuy âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt. Mỗi bước tiến của nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đem lại chiến thắng, hoặc ít nhất là sống chung an toàn với dịch bệnh, đảm bảo “thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.
Tất nhiên, vắc xin phòng Covid-19 mang lại hy vọng, nhưng không phải là “thuốc thần”. Và nếu muốn ngăn chặn sự lây truyền của vi rút SARS-CoV-2, chúng ta vẫn phải duy trì tuân thủ các biện pháp phòng ngừa hiệu quả khác, như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn...
Nhất là để thực hiện thành công chiến lược “thích ứng an toàn với Covid-19”!
Hồng Lam