Chuyện tiêm vắc xin ở cơ sở
Để triển khai tiêm chủng một cách trật tự, an toàn, đúng đối tượng, chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) mà trực tiếp là thôn (làng), tổ dân phố chính là cầu nối giữa cơ quan y tế với người dân. Và để “nhịp cầu” này vận hành thông suốt, hiệu quả, trước tiên, cần đảm bảo thông tin phải đến được với mọi người một cách đầy đủ, cụ thể và chính xác.
Nhận thông báo từ tối hôm trước, nên sáng 6/10/2021, gia đình anh MĐ ở tổ dân phố 7 (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) phấn khởi sắp xếp công việc để đưa mẹ già và con gái đến trạm y tế phường để tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Sau một hồi chờ đợi, anh được trả lời rằng con gái anh là sinh viên nhưng ở địa bàn tổ 7, danh sách tiêm được bố trí vào buổi chiều, còn cụ bà trên 80 tuổi chưa được tiêm hôm nay, nên về, chờ thông báo của tổ. Vì có chút sốt ruột, nên tối đó, anh MĐ chủ động đến nhà cán bộ tổ dân phố và cộng tác viên y tế ở khu dân cư để nắm bắt thêm thông tin thì được nghe: “Sáng mai, đưa cụ lên tiêm”.
Lòng khấp khởi, sáng 7/10, anh MĐ lên trạm y tế trước, với mong muốn hoàn tất xong thủ tục thì mới gọi người nhà đưa mẹ lên, nhằm tránh tập trung đông người và cụ bà phải ngồi lâu vì yếu sức. Kiên nhẫn chờ đợi, anh và các gia đình đưa các cụ đến tiêm chủng mới được cán bộ, nhân viên trạm y tế thông báo là “Chưa tiêm cho đối tượng người già trên 80 tuổi”…
Chưa đồng ý với cách xử lý của trạm y tế sau hai lần đến rồi phải đi, anh MĐ đã nán lại, đề nghị được giải thích cụ thể và làm rõ một số nội dung liên quan đến thông báo tiêm phòng tại địa phương. Trước sự kiên quyết của anh và sau một hồi “hội ý” nội bộ, cán bộ trạm y tế phường thông báo: “Sáng 9/10, đưa bà đến tiêm tại điểm Sở Xây dựng” kèm một tờ “Phiếu sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19” có ghi rõ tên, thời gian và địa điểm. Lặng lẽ quay ra, anh MĐ quên để ý xem những gia đình cùng chờ đợi như anh có được giải quyết tiêm hay không và giải quyết như thế nào?!
|
Trong 6 nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt, thì “tiêm chủng, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân” được xác định “là điều kiện tiên quyết”. Thời gian qua, nỗ lực tiêm chủng đã được tỉnh ta quan tâm tiến hành, đạt những kết quả đáng phấn khởi. Trong điều kiện nguồn vắc xin được phân bổ có hạn, việc ưu tiên tiêm phòng cho tuyến đầu và các lực lượng chức năng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh được sự đồng tình, ủng hộ tuyệt đối của người dân. Tuy vậy, hiện nay, công tác này đã chuyển sang giai đoạn mới theo phương châm sống chung với Covid-19 và với quyết tâm cao nhất để chiến thắng dịch bệnh.
Thực tế, để triển khai tiêm chủng một cách trật tự, an toàn, đúng đối tượng, chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) mà trực tiếp là thôn (làng), tổ dân phố chính là cầu nối giữa cơ quan y tế với người dân. Và để “nhịp cầu” này vận hành thông suốt, hiệu quả, trước tiên, cần đảm bảo thông tin phải đến được với mọi người một cách đầy đủ, cụ thể và chính xác, giúp mọi người chủ động, tự giác thực hiện. Với đội ngũ y tế cơ sở, việc chủ động kế hoạch tiêm chủng một cách hợp lý càng cụ thể, chi tiết và đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác về lịch tiêm chủng đến người dân càng là điều quan trọng và cần thiết.
Trở lại sự việc vừa nêu, phải chăng có sự “bất nhất” (tổ nói một đằng, trạm y tế trả lời một nẻo), gây thắc mắc và làm ảnh hưởng đến người dân là vì chưa có sự thống nhất cao giữa lực lượng y tế và chính quyền cơ sở trong kế hoạch tiêm chủng cụ thể. Mặt khác, thông tin về lịch tiêm chủng, đối tượng tiêm chủng cũng chưa thực sự được thông báo đến các gia đình một cách rõ ràng. Nội dung thông báo ghi rõ: “Sáng 7/10/2021 tiêm cho đối tượng người trên 80 tuổi và bệnh nhân bị ung thư cho các thôn, tổ…”. Song khi các đối tượng trên 80 tuổi đến thì lại được đề nghị: “đi về”.
Nếu không được thông tin đầy đủ và cụ thể, thì không một người dân nào biết được một thực tế rằng: Do số lượng vắc xin tiêm chủng cho đối tượng người trên 80 tuổi được phân bổ về cơ sở có hạn, trong khi số lượng đăng ký được tiêm cao hơn gấp nhiều lần, nên các trạm y tế không thể cùng lúc đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, để đảm bảo sự công khai, minh bạch và tính phù hợp, chặt chẽ trong công tác, lẽ ra, trạm y tế phải chủ động xác định cụ thể đối tượng được ưu tiên tiêm trong đợt này, đó là các cụ cao tuổi nhất trong số “hơn 80” và những bệnh nhân nan y. Nếu xác định rõ đối tượng ưu tiên và thông báo cụ thể đến tất cả các tổ, thôn và các hộ dân, thì chắc chắn đã tránh được thắc mắc, phản ứng trực tiếp của bà con, tránh được tình trạng tập trung đông người rồi phải quay về gây phiền hà cho mọi người. Với các cụ tuổi cao, sức yếu, đi lại khó khăn, đó càng là điều cần cân nhắc, tính toán cho hợp lý hợp tình.
Cùng với nâng cao ý thức tự giác của người dân, thì làm tốt việc chủ động kế hoạch và phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế - chính quyền địa phương chính là cơ sở cho việc tiêm chủng toàn dân được tiến hành công khai, minh bạch, tránh tiêu cực và đảm bảo quyền lợi của người được tiêm chủng.
Thanh Như