Chuyển đổi số- Con đường đến tương lai - Bài 2: Bắt nhịp chuyển đổi số
Hòa nhập với xu thế chung, Kon Tum đang triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội gắn với thực hiện các đột phá chiến lược.
Đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh nhấn mạnh rằng, những năm gần đây, đảng bộ, chính quyền tỉnh Kon Tum đặc biệt coi trọng chuyển đổi số và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Bằng chứng là có nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch, hành động thúc đẩy chuyển đổi số. Trong đó đáng chú ý nhất là Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 18/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 1250/KH-UBND ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU; thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.
|
Lợi thế để Kon Tum mạnh dạn thúc đẩy chuyển đổi số là có một hạ tầng viễn thông, CNTT đang được đầu tư mạnh mẽ; tỷ lệ sử dụng thiết bị di động và internet trong người dân cao, các công cụ và nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) được các doanh nghiệp sử dụng ngày càng nhiều.
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh), mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp I và II đã được triển khai đến 100% đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã.
Đã có 100% xã được phủ sóng 2G, 3G, 4G; hạ tầng mạng cáp quang phủ đến 100% xã và 97,7% số thôn được phủ sóng 4G. Mặt khác, đã có khoảng 66,44% dân số trưởng thành và 79,79% hộ gia đình có điện thoại thông minh; 48,33% hộ gia đình có cáp quang băng rộng- báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông cho hay.
Và trên thực tế, chuyển đổi số tại Kon Tum đang diễn ra rất mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực cải cách hành chính, giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, tài chính. Nó mang lại những dịch vụ có ích và có thể tận dụng hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi của xã hội.
Ông Trịnh Văn Minh- Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho hay, tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động có hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công; hình thành Trung tâm điều hành thông minh tỉnh (IOC) và triển khai xây dựng Khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum phiên bản 2.0.
Các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã đã triển khai phần mềm Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Hiện đã cung cấp 1.170 dịch vụ công toàn trình, 595 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.289/1.765 TTHC của tỉnh (đạt 73,03%)- ông Trịnh Văn Minh dẫn chứng.
Bên cạnh đó, tính đến quý I/2023, cấp tỉnh có 6.999 hồ sơ đã số hóa đầy đủ thành phần hồ sơ khi tiếp nhận; cấp huyện có 4.877 hồ sơ đã số hóa đầy đủ thành phần hồ sơ khi tiếp nhận.
100% cơ quan, đơn vị các cấp triển khai ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành, trong đó, tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt 99%.
|
Chuyển đổi số được đẩy nhanh có tiềm năng cung cấp nhiều thông tin hơn, tốc độ cao hơn, minh bạch hơn và dễ dàng cung cấp dịch vụ cho người dân hơn, kể cả ở những nơi xa xôi hẻo lánh nhất.
Về phần cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhiều chủ doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt công nghệ số; áp dụng công nghệ, và mạnh dạn đầu tư tham gia kinh tế số.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa- Phó Giám đốc Công ty TNHH Hòa Nghĩa cho hay, với doanh nghiệp, chuyển đổi số trở thành bắt buộc, không phải là lựa chọn có hoặc không nữa, bởi năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế đang được quyết định bởi chuyển đổi số.
Theo thông tin từ Cục Thuế tỉnh, hiện 100% doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử đạt 100%; trên 98% doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử và trên 98% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; triển khai, ứng dụng zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.
Có thể nói, sự lan tỏa của chuyển đổi số đã góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí giao dịch, tương tác tốt hơn với khách hàng, mở ra những cơ hội mới để phát triển và đa dạng hóa thị trường.
Điều rất đáng mừng là nhận thức của người dân về chuyển đổi số không ngừng được nâng lên. Thực tế cho thấy, chuyển đổi số đã thay đổi cách thức làm việc, giao tiếp, buôn bán, di chuyển và giải trí với việc dịch vụ được cung cấp ngay trên máy tính hoặc điện thoại thông minh thông qua các nền tảng kinh doanh.
Người nông dân có thể sử dụng điện thoại thông minh để cập nhật thông tin giá nông sản từ các sàn giao dịch hàng hóa; học sinh tương tác với giáo viên qua màn hình, và bệnh nhân nhận đơn thuốc từ bác sĩ qua tin nhắn ngày càng nhiều. Giao dịch không tiền mặt cũng ngày càng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày.
Trong quá trình ấy, vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng là không thể phủ nhận. Hiện nay, đã có 100% xã, thôn thuộc 10 huyện, thành phố đã thành lập được 566 tổ công nghệ số cộng đồng với 2.519 thành viên.
Mặc dù vậy, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, chúng ta vẫn đang đi sau ở một số khía cạnh, như nền tảng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực tài chính và nhân lực công nghệ. Đây là những vấn đề gây cản trở nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng hơn, mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tỉnh Kon Tum ở mức thấp so với cả nước. Tiến độ xây dựng chính quyền điện tử tỉnh và chuyển đổi số của một ngành, lĩnh vực còn chậm.
Việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.
Để thu được nhiều lợi ích từ quá trình chuyển đổi số, hẳn rằng trong thời gian tới, tỉnh ta cần có những hành động khẩn trương và quyết liệt hơn nhằm xử lý tốt các rào cản trên.
(còn nữa)
Hồng Lam