Chuyển đổi số - Con đường đến tương lai - Bài 1: Sự trỗi dậy tất yếu
Không nghi ngờ gì nữa, chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân.
Tính tất yếu của chuyển đổi số đến từ sự toàn cầu hóa, dù có hay không có, muốn hay không muốn, làm hay không làm, mọi xã hội đều bị cuốn vào sự chuyển đổi của cuộc cách mạng này.
Chuyển đổi số là gì?
Bây giờ thì chúng ta có thể hiểu rõ chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại.
Và cách chúng ta sống, làm việc, ăn uống, đi lại đã thay đổi mạnh mẽ cùng với sự trỗi dậy của chuyển đổi số.
Vậy chuyển đổi số là gì?
Hiện nay, có rất nhiều quan điểm giải thích về chuyển đổi số. Do vậy rất khó định nghĩa một cách rõ ràng chuyển đổi số là gì, bởi quá trình này có thể sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực.
Giải thích một cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất thì chuyển đổi số (tiếng Anh là Digital transformation) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Không đơn giản là quá trình số hóa và nâng cao mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là quá trình ứng dụng công nghệ số để thay đổi cách thức vận hành, là tư duy lại cách thức tổ chức, sử dụng dữ liệu và quy trình.
Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành.
Chuyển đổi số cũng có sự khác biệt với làn sóng ứng dụng công nghệ thông tin trước đây.
|
Đối với ứng dụng công nghệ thông tin, gần như chúng ta thực hiện số hóa hệ thống quy trình sẵn có, cung cấp công cụ để thực hiện tự động hóa một việc cũ, một cách làm cũ, một quy trình cũ. So sánh về mặt quản trị thì giống như phục vụ nhà quản lý, giúp nhà quản lý dễ làm việc hơn.
Đối với chuyển đổi số buộc phải tạo ra sự thay đổi trong cách thức, phương pháp vận hành rồi dẫn đến thay đổi mô hình kinh doanh tạo ra giá trị mới cho khách hàng. Chuyển đổi số tập trung mang lại giá trị cho người dùng, cho khách hàng, cho người dân; lấy người dân làm trung tâm. Lấy người dùng, người sử dụng làm trung tâm.
Hay nói cách khác, chuyển đổi số gắn với lãnh đạo, lãnh đạo mới tạo ra sự thay đổi, còn quản lý không tạo ra sự thay đổi.
Có thể thấy rõ sự khác nhau giữa chuyển đổi số và công nghệ thông tin qua một ví dụ sau. Trước đây, khi công nghệ thông tin chưa được áp dụng, hoặc áp dụng hạn chế, trong dạy học, thầy và trò phải ở cùng một chỗ, phải dùng phấn trắng bảng đen, giấy vở bút mực.
Khi công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi, thì các phần mềm phục vụ việc dạy và học, quản lý học sinh ra đời. Giáo án được soạn trên máy tính, giảng dạy có trình chiếu; dữ liệu về học sinh được quản lý chặt chẽ, tìm kiếm dễ dàng bằng một cú nhấp chuột.
Nhưng khi thực hiện chuyển đổi số, thầy giáo có thể dạy, học trò có thể học mà không cần ở cùng một chỗ. Trước đây một thầy có 30 trò, bây giờ một thầy có thể dạy nhiều trò hơn rất nhiều, không chỉ ở một lớp, một trường mà nhiều nơi.
Trước đây, nghề giáo thì dạy chữ là chính, bây giờ giáo viên có thể dùng công nghệ số để dạy nhiều hơn. Và vì thế giáo viên có nhiều thời gian hơn để dạy người, quan tâm đến các con, gia đình, bố mẹ, thu nhập, tức là có rất nhiều thay đổi.
Lợi ích của chuyển đổi số
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt, thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng phê duyệt ngày 3/6/2020, công cuộc chuyển đổi số quốc gia trở nên đặc biệt mạnh mẽ, đạt được những kết quả rõ nét, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số không ngừng được nâng cao.
Chuyển đối số được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có 2 “dòng chảy chủ lưu” là chuyển đổi số trong doanh nghiệp và chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước.
Theo các chuyên gia, có thể gặt hái được nhiều lợi ích thông qua chuyển đổi số. Các nghiên cứu kinh tế học và bằng chứng thực nghiệm nhìn chung chỉ ra các lợi thế chính của chuyển đổi số.
Đối với cơ quan nhà nước, chuyển đổi số đem lại sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
Thông qua việc phổ cập và cá nhân hóa các dịch vụ (như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế) tới từng người dân để phục vụ người dân tốt hơn. Tạo cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân văn rộng khắp “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Nhiều dữ liệu hơn cũng giúp cơ quan nhà nước hiểu rõ hơn những gì đang diễn ra trong nền kinh tế, và những dịch vụ nào cơ quan nhà nước có thể hoặc cần cung cấp cho các nhóm đối tượng khác nhau.
Sự hình thành Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử giúp chấn chỉnh tình trạng chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng dịch vụ cho khách hàng (cả doanh nghiệp và người dân), và giảm tham nhũng.
Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp có thể hình dung ở 4 trụ cột: Nhiều thông tin hơn, nhiều lựa chọn hơn, doanh số cao hơn, khách hàng hài lòng hơn.
Mức độ sẵn có của dữ liệu tăng lên có thể giúp cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp về những gì đang diễn ra trong nền kinh tế và những xu hướng mới nào về tiêu dùng đang nổi lên, cũng như giúp họ tiếp cận khách hàng mới.
Trong khi đó đối với con người bình thường, chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau. (còn nữa)
Hồng Lam