Chuyển biến của người Rơ Măm ở làng Le
Dân tộc Rơ Măm ở làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) từ bao đời nay sinh sống trên dãy Trường Sơn hùng vỹ, luôn tựa lưng vào núi rừng linh thiêng an cư lạc nghiệp. Ngoài nỗ lực tự thân, trong những năm qua, Nhà nước quan tâm hỗ trợ người dân bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển kinh tế.
Trong những ngày cuối năm, mặc dù bận nhiều việc, nhưng chúng tôi cùng với cán bộ Ban Dân tộc tỉnh dành thời gian và tình cảm để về với đồng bào Rơ Măm ở làng Le. Đứng bên nhà rông văn hóa của làng, chúng tôi được nghe già làng A Blong, năm nay đã ngoài 70 tuổi, kể chuyện về quá trình xây dựng cơ nghiệp, lập làng với nhiều điều huyền bí.
Già làng A Blong kể: Từ rất xa xưa, khi núi rừng bao la ôm ấp dân làng, tộc người Rơ Măm đã có mặt ở nơi đây để sinh sống. Theo tín ngưỡng dân gian, bà con thờ các vị thần núi, thần sông, thần cây, thần mặt trời... và tất cả những quan niệm ấy đều xuất phát từ lòng biết ơn trời đất đã sinh ra, bao bọc, chở che cho tộc người của họ có được sức mạnh để chiến thắng thiên tai, vượt qua gian khó để tồn tại và phát triển.
Cũng như bao dân tộc khác trên dãy Trường Sơn hùng vĩ này, người Rơ Măm ở làng Le vẫn giữ tục cúng lúa mới, lễ mở cửa kho lúa, lễ bỏ mả... Trong một số nghi lễ quan trọng, bà con thường có các hoạt động văn hóa cồng chiêng, múa xoang trước nhà rông. Đặc biệt, bà con vẫn giữ các nghề truyền thống như: dệt vải thổ cẩm, đan lát thủ công... với các hoa văn đặc trưng của dân tộc mình để con cháu tự hào và phát huy về sau. Đặc biệt, tộc người Rơ Măm có hòn đá Yang Plút được xem như một báu vật linh thiêng và được bà con giữ gìn. Mỗi khi có lễ hội, dân làng đều hướng về hòn đá thiêng ấy mà nguyện cầu cho dân làng no ấm, hạnh phúc.
|
|
Ông A Thái - Trưởng thôn Le cho biết: Đồng bào Rơ Măm ở làng Le hiện có gần 178 hộ, với trên 550 nhân khẩu, chiếm gần 10% dân số của xã Mô Rai. Trong những năm qua, Nhà nước đã hỗ trợ cho bà con bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình, với tổng kinh phí 257 triệu đồng. Trong đó, thành lập và duy trì đội văn nghệ thôn 117 triệu đồng; mua 2 bộ cồng chiêng 72 triệu đồng; trang thiết bị trong nhà rông (ti vi, bộ âm ly, tủ, kệ ti vi) trị giá 67,95 triệu đồng. Đến nay, đội văn nghệ của làng duy trì sinh hoạt, đem lại lời ca, tiếng hát cho bà con trong những ngày hội làng đầm ấm.
Bên cạnh việc hỗ trợ bà con bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Nhà nước còn hỗ trợ 179 con bò sinh sản, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò cho 179 hộ với tổng trị giá 2,78 triệu đồng; 9 con trâu giống (trị giá 159 triệu đồng) cho 9 hộ; hỗ trợ 7.080 cây giống cao su (trị giá 133,2 triệu đồng) cho 9 hộ; 20.350 cây giống điều ghép (trị giá 448 triệu đồng) cho 96 hộ; 17.395 kg phân bón (trị giá 87 triệu đồng) cho 105 hộ; 273 kg thuốc bảo vệ thực vật (trị giá 27 triệu đồng) cho 105 hộ... Đồng thời, tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất và tổ chức đoàn tham quan, học tập mô hình sản xuất tại tỉnh Nghệ An cho người dân làng Le học tập.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Quốc Tuấn đánh giá: Việc hỗ trợ cho bà con dân tộc Rơ Măm ở làng Le đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế của người dân. “Đặc biệt, Nhà nước đã kịp thời hỗ trợ cây giống cà phê, cao su, điều; trâu, bò giống; vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân để tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò, kỹ thuật trồng trọt cho người dân nắm bắt, áp dụng thực tế, thực hành. Ngoài ra, Nhà nước đã hỗ trợ bà con bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc để nâng cao đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS rất ít người Rơ Măm”-Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Quốc Tuấn khẳng định.
Ông A Thái vui mừng cho biết: Nhờ có sự đầu tư của Nhà nước trong việc phát triển kinh tế, đến nay, đời sống tinh thần và vật chất của bà con đã có nhiều tiến bộ. Khi cuộc sống đã có của ăn của để, thì người dân mới có điều kiện để chăm lo bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình tốt lên. Không kể những lúc lễ hội của làng, mà tất cả những lễ hội của đất nước, của địa phương, dân làng đều tổ chức múa xoang, đánh cồng chiêng dưới mái nhà rông của làng.
Rời làng Le, chúng tôi trở về thành phố Kon Tum trong chiều muộn. Qua những gì mắt thấy, tai nghe và từ chuyển biến trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống và phát triển kinh tế của người Rơ Măm ở làng Le đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng khó quên.
Vĩnh Hà