Chủ động ứng phó trước nguy cơ “dịch chồng dịch”
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi đó, thời điểm này đang là “mùa” sốt xuất huyết, lại thêm nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có khả năng xâm nhập vào địa bàn tỉnh ta, đặt ra không ít khó khăn trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đứng trước nguy cơ “dịch chồng dịch”, ngành Y tế tỉnh đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp ứng phó.
Theo đánh giá của Sở Y tế, hiện nay tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, số ca mắc có xu hướng giảm. Tuy nhiên, biến thể phụ BA.5 của Omicrom đã xuất hiện ở nước ta, có khả năng lây lan nhanh, nên dịch Covid-19 vẫn rất khó lường. Trong khi đó, đã xuất hiện tâm lý chủ quan trong một bộ phận người dân, không ít người không thực hiện việc tiêm mũi vắc xin nhắc lại theo chủ trương của Nhà nước và khuyến cáo của ngành Y tế để tăng cường việc phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.
Cùng với tình hình dịch Covid-19, hiện tại dịch sốt xuất huyết trên địa bàn đang vào “mùa” với số mắc liên tục tăng cao trong những tuần gần đây.
Tính tới ngày 7/8/2022, toàn tỉnh ghi nhận 379 ca mắc sốt xuất huyết, tập trung nhiều ở một số địa phương như thành phố Kon Tum (62 ca) huyện Đăk Hà (139 ca), huyện Ngọc Hồi (107 ca)... trong khi đó, công tác phòng, chống dịch bệnh đang tồn tại những hạn chế như, tại nhiều hộ gia đình các ổ lăng quăng/bọ gậy không được xử lý triệt để, không ít địa phương chưa coi trọng đúng mức công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, ở nhiều nơi vẫn khoán trắng nhiệm vụ này cho ngành Y tế...
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn và các nhà quản lý, có thể số ca Covid-19 và ca mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục tăng và bùng phát trên diện rộng, nếu không có các biện pháp quyết liệt, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, mặc dù ở nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập vào Việt Nam nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng là hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi, bệnh dịch đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Hơn nữa, từ tháng 4/2022, Việt Nam nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng đã bỏ tờ khai y tế đối với khách quốc tế nên người dân ở các quốc gia khác vào Việt Nam thuận lợi, trong đó có các quốc gia đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ - bác sĩ Đỗ Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết.
Để chủ động ứng phó, không để xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch”, ngành Y tế tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng chống, ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
|
Trước hết, đối với bệnh sốt xuất huyết và dịch Covid-19, với tinh thần tuyệt đối không chủ quan, lơ là, bị động trước mọi tình huống dịch và hạn chế nguy cơ “gánh nặng kép” cho hệ thống y tế nếu dịch bùng phát, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài tại cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho các lứa tuổi để duy trì miễn dịch cộng đồng; tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và ý thức phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sốt xuất huyết cho người dân; duy trì công tác tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phá bỏ nơi sinh sản và phát triển của muỗi, giám sát mật độ muỗi, chỉ số bọ gậy để tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết kịp thời.
|
Các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động, sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch. Tiếp tục thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị, cấp cứu kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong...
Riêng với bệnh đậu mùa khỉ, vì đây là bệnh mới nên theo bác sĩ Đỗ Ngọc Hòa, trên tinh thần phòng, chống bệnh “sớm hơn một bước, cao hơn một mức”, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc ngành tăng cường giám sát phát hiện trường hợp nghi ngờ, có thể mắc bệnh. Khi phát hiện báo cáo ngay về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để tiến hành điều tra, lấy mẫu gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để xét nghiệm nhằm xác định căn nguyên gây bệnh và xử lý ổ dịch theo đúng quy định. Đặc biệt, tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành bệnh đậu mùa khỉ. Ngành Y tế cũng tăng cường phối hợp với các địa phương, cơ quan thông tấn báo chí trong công tác tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, triệu chứng, các biện pháp phòng, chống để người dân nhận thức, tự giác và chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Sự chủ động và quyết liệt trong thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho thấy quyết tâm bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết của ngành Y tế. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống dịch bệnh thực sự hiệu quả thì cần có sự chung tay của tất cả các ngành, địa phương và nhất là tinh thần tự giác, trách nhiệm vì cộng đồng của mỗi người dân.
Thùy Hương