Cần tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19
Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến của dịch Covid-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã tham gia một số ý kiến sát thực với tình hình thực tế.
|
Đại biểu Quốc hội, Thượng tá Trần Thị Thu Phước - Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu: Trong thời gian qua, Chính phủ trực tiếp chỉ đạo rất sâu sát và cụ thể về công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhưng vẫn còn tình trạng mỗi địa phương làm mỗi kiểu, nâng việc kiểm soát dịch bệnh lên cấp độ rất cao. Có địa phương điều hành một số việc còn lúng túng và thiếu thống nhất, không nhất quán, thậm chí còn chủ quan. Trong đó, việc thực hiện chính sách trợ cấp tiền cho người dân, người lao động ở một số địa phương vẫn còn nhiều bất cập, nên khi đến tay người dân không như các phương tiện thông tin đại chúng đã công bố, gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, trong thời gian tới, cần đơn giản hóa những thủ tục này để làm sao cho người dân được tiếp cận với những gói hỗ trợ của nhà nước.
Trong thời gian dịch Covid-19 xảy ra, nhiều hộ kinh doanh cá thể đã nghỉ buôn bán, nhưng họ vẫn bị đóng thuế. Vì vậy, chúng ta nên có biện pháp giảm thuế cho họ và đến khi nào họ bắt đầu kinh doanh lại mới thu; đồng thời, đề xuất các gói vay lãi suất thấp để tạo điều kiện cho họ vay vốn tiếp tục kinh doanh. Ngoài ra, nên có cơ chế huy động các lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 khác, như y tế tư nhân, doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh…, để họ cùng tham gia phòng, chống dịch, bởi họ có điều kiện trả lương cho công nhân.
Đối với địa bàn Tây Nguyên, trong thời gian qua, việc công nhân, người lao động từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam - nơi ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19, có nguy cơ lây bệnh nhiều - về địa phương, cần có cơ chế an toàn để dịch chuyển số này về một cách an toàn, không để thiếu ăn, thiếu uống, thiếu xăng và đi bộ với những hình ảnh rất phản cảm. Đặc biệt, sau khi họ về, chúng ta nên giao cho chính quyền địa phương rà soát số đối tượng này để tạo việc làm cho họ và có cơ chế chính sách cho vay lãi suất thấp.
|
Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi nhấn mạnh: Trong thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành Giáo dục và Đào tạo. Thứ nhất, vấn đề dạy học trực tuyến đã ảnh hưởng rất nhiều đến các gia đình có điều kiện khó khăn về kinh tế. Bởi các thiết bị học tập thông qua phương tiện trực tuyến internet của học sinh còn thiếu, nhiều gia đình nghèo không có điện thoại thông minh hay máy tính để kết nối; nhiều gia đình có 4-5 em học sinh nên không đủ điện thoại để cho các em học cùng một thời điểm, nên có em phải đi “học ké” nhà bạn, hoặc phải bỏ tiết học.
Thứ hai, đội ngũ giáo viên các trường ngoài công lập ảnh hưởng rất nhiều. Bởi nguồn kinh phí thu của các trường này để hoạt động chủ yếu thu từ học viên, nhưng dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động dạy và học, nên thu không đủ để đóng tiền thuê mặt bằng, hoặc trả tiền vay ngân hàng đầu tư trường lớp. Tiếp đó, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên các trường học này rất lo lắng đến vấn đề phải nghỉ dạy, không có thu nhập, bởi giảng viên thỉnh giảng theo tiết mới có thu nhập, mà không lên lớp dạy là không có thu nhập, dẫn đến nguồn thu của họ rất bất ổn.
Thứ ba, học sinh, sinh viên, đặc biệt là những sinh viên năm 3 và năm 4 chuẩn bị thực hành, nếu dạy trực tuyến về lý thuyết có thể đảm bảo được, nhưng về thực hành ở các trường nghề thì rất khó đảm bảo chất lượng học tập, vì học thực hành trên internet hay qua mạng thì khó để vận dụng hơn.
Còn về tâm lý của cha mẹ học sinh, hầu hết đều sẵn sàng tích cực phối hợp với nhà trường, nhưng đối với một số vùng đồng bào DTTS còn khó khăn, phần lớn họ không đủ các phương tiện để cho con em học trực tuyến, không biết chữ để kèm cặp chỉ bảo con học ở nhà, nên họ không biết con có học đúng, học đủ kiến thức không. Thậm chí, có nhiều em sử dụng điện thoại ở nhà chơi game hoặc vào những trang thông tin tiêu cực khác, nhưng cha mẹ khó quản lý được. Hiện nay, các thầy cô giáo ở các trường phổ thông dân tộc nội trú đã thực hiện “3 tại chỗ” (cùng ăn, cùng ở, cùng học) với học sinh, nên đã có từ 80-90% học sinh, sinh viên không tiếp xúc với người ngoài nhà trường. Còn đối với các trường bán trú, các em không có chế độ nội trú, nên các em ở nhà học, nên vấn đề học của các em cũng ảnh hưởng rất lớn.
Vì vậy, Quốc hội cần có biện pháp cụ thể để chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan có những biện pháp hữu hiệu hơn để giúp đỡ người dân, đặc biệt là con em đồng bào DTTS được học tập tốt hơn.
Trần Văn Phúc