Cần đẩy mạnh việc giao khoán rừng cho dân
Không ai có thể phủ nhận tác động tích cực từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả, các chủ rừng cần hướng mạnh đến việc giao khoán rừng cho dân...
Để bảo đảm những yếu tố khách quan, không hẹn trước, lần này tôi đã đến làng Long Zôn, xã Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi) gặp các hộ nhận khoán bảo vệ rừng của Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ (QLRPH) Đăk Ang.
A Vưr - hộ nhận khoán bảo vệ rừng cho biết, nhóm ông gồm 5 hộ do ông làm nhóm trưởng và được Ban QLRPH Đăk Ang giao khoán bảo vệ 22ha rừng. Nhận quản lý bảo vệ rừng, nhóm của ông thường xuyên phân công nhau từ 2-3 người/lần tuần tra bảo vệ rừng.
Năm ngoái, nhóm ông không để xảy ra mất rừng, Ban QLRPH Đăk Ang trả tiền công nhận khoán cho nhóm 2 đợt. Nhận tiền, nhóm chia đều cho mỗi hộ được khoảng hơn 1 triệu đồng/năm.
Cũng theo lời A Vưr, số tiền nhận được không nhiều, nhưng nó góp phần cho gia đình trang trải một số khoản chi tiêu cần thiết trong cuộc sống.
Năm nay, Ban QLRPH Đăk Ang chưa giao khoán; tuy nhiên, Ban đã lấy ý kiến dân lập hồ sơ giao khoán 100ha rừng/nhóm hộ, mỗi nhóm hộ khoảng 20 người.
Theo kế hoạch, Ban QLRPH Đăk Ang giao khoán 600ha rừng cho người dân thôn Long Zôn. Rừng sẽ được Ban QLRPH Đăk Ang giao khoán ổn định cho dân trong giai đoạn 2016-2020.
|
Ở làng Za Tun, xã Đăk Ang, tôi gặp nhóm A Phôi, nhóm này năm 2015 nhận khoán bảo vệ 28ha rừng của Ban QLRPH Đăk Ang. Tham gia bảo vệ rừng, không để xảy ra mất rừng, năm ngoái, nhóm A Phôi cũng nhận được hơn 1 triệu đồng/hộ. Cũng như nhóm A Vưr, năm nay nhóm A Phôi cũng chưa được giao khoán bảo vệ rừng.
Cùng là nhóm trưởng, cả A Phôi và A Vưr đều cho biết, rừng phòng hộ nhận khoán ở xa làng, bà con đi tuần tra chủ yếu đi bộ. Nhóm có diện tích rừng ở gần, đi tuần tra mất ít nhất cả buổi mới đến được rừng nhận khoán. Nhóm có rừng ở xa như nhóm A Dương phải đi bộ cả ngày đường mới đến rừng.
Gắn bó với rừng, A Vưr cho rằng, số tiền thu được so với công sức và trách nhiệm người dân bỏ ra không lớn. Tuy nhiên, khi Ban giao khoán rừng theo chính sách DVMTR, bà con ai cũng mong được tham gia giữ rừng để có thêm thu nhập. Người dân cũng ý thức được rằng, bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn nước, phòng chống bão lũ, bảo vệ môi trường…
Trước yêu cầu cuộc sống đặt ra, A Vưr cũng như nhiều người dân đề nghị Ban QLRPH Đăk Ang tăng diện tích rừng giao khoán để nâng cao thêm mức thu nhập cho dân.
Theo ông Nguyễn Thành Trung- Trưởng phòng Kỹ thuật lâm nghiệp- quản lý bảo vệ rừng (Ban QLRPH Đăk Ang), theo kết quả kiểm kê rừng và Quyết định 433/QĐ-UBND ngày 3/7/2015 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh giảm diện tích lâm phần, đơn vị hiện đang quản lý bảo vệ 6.553,39ha rừng, trong đó có 6.342,94 ha đất có rừng, 210,45 ha đất chưa có rừng. Diện tích đất có rừng của Ban đều được hưởng chính sách chi trả DVMTR. Theo đó, năm 2015 Ban QLRPH Đăk Ang giao khoán 6.008,8ha rừng cho dân bảo vệ, còn lại 334,14ha rừng đơn vị tự quản lý bảo vệ.
|
Theo con số kế hoạch, năm 2016, Ban QLRPH Đăk Ang không mở rộng diện tích rừng giao khoán cho dân. Diện tích rừng giao khoán cho dân từ hơn 6.000ha năm trước, năm nay kế hoạch chỉ giao khoán 4.000ha rừng cho 45 nhóm hộ. Diện tích rừng (2.342,94ha) còn lại, Ban QLRPH Đăk Ang tự quản lý bảo vệ.
Việc Ban QLRPH Đăk Ang giảm diện tích rừng giao khoán, chắc chắn sẽ làm cho nguyện vọng của người dân mong có thêm rừng nhận khoán để kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống khó trở thành hiện thực.
Việc giảm diện tích rừng giao khoán cho dân cũng dễ dẫn đến những biến động trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Trên thực tế, điều này đã xảy ra. Năm 2015, trên lâm phần Ban QLRPH Đăk Ang chỉ xảy ra 2 vụ vi phạm lâm luật (1 vụ cất giấu 0,97m3 và 1 vụ đưa cưa xăng vào rừng), nhưng 8 tháng đầu năm 2016 xảy ra 4 vụ vi phạm lâm luật (2 vụ vận chuyển 1,64m3 trái phép và 2 vụ đưa xe máy độ chế trái phép vào rừng).
Trở lại việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR, Ban QLRPH Đăk Ang cho biết, không tính những năm trước, năm 2015, Ban QLRPH Đăk Ang nhận 2,84 tỷ đồng DVMTR. Theo đó, Ban đã chi 2,56 tỷ đồng (2,42 tỷ đồng cho hộ nhận khoán và 134 triệu đồng cho 10 lao động hợp đồng bảo vệ rừng), còn lại trên 280 triệu đồng (thuộc 10% trên số tổng số tiền DVMTR) chi cho công tác quản lý theo quy định.
Năm 2016, Ban QLRPH Đăk Ang chưa nhận được tiền DVMTR. Khi nào giao khoán rừng và nhận được tiền DVMTR, Ban QLRPH Đăk Ang sẽ trả đủ cho các hộ nhận khoán theo quy định. Tuy nhiên, với tình hình hạn hán như năm nay, các nhà máy phát điện thấp, nguồn thu từ DVMTR khó có thể tăng.
Có thể thấy rõ những tác động tích cực từ chính sách chi trả DVMTR; đồng thời, để góp phần nâng cao đời sống người dân sống gần rừng, các chủ rừng cần hướng mạnh đến việc giao khoán rừng cho dân bảo vệ.
Văn Nhiên