Bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 diễn ra, nhưng thời khắc oanh liệt của mỗi trận đánh như được tái hiện trong ký ức mỗi người dân nước Việt. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là đòn chí mạng làm rúng động cả chính quyền Sài Gòn, làm chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ và là cuộc tổng diễn tập quan trọng có ý nghĩa quyết định cho Đại thắng Mùa xuân 1975…
Vào những ngày này cách đây 50 năm, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã gửi thư chức tết đến toàn thể đồng bào và chiến sĩ cả nước. Trong thư có đoạn viết: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua. Thắng trận tin vui khắp nước nhà. Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ. Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.
Lời Bác Hồ như thức tỉnh cả dân tộc, đồng thời như lời hiệu lệnh cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968 - cuộc tổng tiến công đầy táo bạo, bất ngờ, đánh thẳng vào sào huyệt kẻ thù.
Để làm rõ tầm quan trọng của chiến thắng xuân Mậu Thân và ý nghĩa lịch sử của nó trong bước ngoặt quan trọng của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, tỉnh Kon Tum đã tổ chức tọa đàm về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân.
Những người trực tiếp tham gia chiến dịch - những nhân chứng lịch sử, một lần nữa khẳng định cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân là một chiến thắng mang tầm chiến lược có ý nghĩa cục diện cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Tuy đã trải qua 50 năm, nhưng đối với ông Trần Thanh Dân - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự thị xã Kon Tum, người từng trực tiếp chỉ đạo và tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, vẫn còn vẹn nguyên những cảm xúc như mới vừa diễn ra. Khi được mời giao lưu, ông xúc động khi nhớ lại thời khắc quân và dân tỉnh ta nổ súng mở màn chiến dịch…
Ông Trần Thanh Dân khẳng định: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn chí tử vào chính quyền nguỵ Sài Gòn và làm rúng động cả nước Mỹ, tạo niềm hân hoan trong lòng triệu triệu trái tim yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc kẻ thù phải xuống thang, chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc và chấp nhận đàm phán Hội nghị bốn bên tại Pari (Pháp).
Đây chính là một bước ngoặt chiến lược, đưa cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc ta sang giai đoạn mới. Đồng thời cũng là một cuộc tổng diễn tập lớn cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng. Khi nói về vấn đề này, ông Trần Thanh Dân khẳng định: Điều đó thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta khi biết chọn thời cơ đúng lúc để mở chiến dịch và giành thắng lợi.
Khi quyết định chọn thời cơ để mở cuộc tổng tiến công, Đảng ta nhận định sau những thất bại nặng nề ở miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc, nội bộ chính quyền Mỹ bị chia rẽ sâu sắc, phong trào phản đối chiến tranh dâng cao khắp nước Mỹ, thêm vào đó gánh nặng chiến tranh Việt Nam đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế- xã hội nước Mỹ…
Hơn nữa, năm 1968 lại là năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Đây là thời điểm vô cùng nhạy cảm về chính trị, buộc Tổng thống Mỹ đương nhiệm Giôn Xơn phải tính toán, thận trọng để đưa ra các quyết sách, nhất là đường lối chiến tranh Việt Nam, nhằm tạo sự ủng hộ của cử tri trong cuộc chạy đua vận động bầu cử. Tình hình trên cho thấy, mặc dù lực lượng quân sự Mỹ và chính quyền Sài Gòn rất đông, tiềm lực chiến tranh còn mạnh, nhưng thực tế chiến trường đã đẩy đế quốc Mỹ vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Khi nói về nguyên nhân làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, không thể không nói đến sự đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, nêu cao quyết tâm tiến công địch, xây dựng được “thế trận lòng dân” ngay trong lòng địch. Đảng ta đã biết dựa chắc vào dân, biết khơi dậy, phát huy mạnh mẽ nhân tố con người, lấy ít địch nhiều…
Các ý kiến tham gia buổi toạ đàm đều khẳng định: Mặc dù còn một số hạn chế, song ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi. Lực lượng quân sự và chính trị của ta ở miền Nam đã lớn mạnh, các lực lượng vũ trang đã có những bước tiến vượt bậc, vận dụng những phương thức tác chiến chiến lược độc đáo, linh hoạt, diệt được nhiều sinh lực địch. Ta giữ vững và mở rộng quyền làm chủ, hình thành thế bao vây xung quanh các căn cứ, thị xã, đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở các đô thị.
Hội nghị Bộ Chính trị (tháng 12/1967) cũng nhận định: “Chúng ta đang đứng trước triển vọng và thời cơ chiến lược lớn. Tình hình đó cho phép chúng ta có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang một thời kỳ mới - thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đồng loạt nổ ra trên khắp các tỉnh, thành ở miền Nam, giáng đòn sấm sét vào ngay tại sào huyệt của kẻ thù. Và tại tỉnh Kon Tum, quân và dân ta cũng đồng loạt tiến công và nổi dậy đánh vào những cứ địa quan trọng của địch.
Là người trực tiếp tham gia và chỉ đạo chiến dịch, ông Trần Thanh Dân cho biết: Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại tỉnh Kon Tum thắng lợi, Tỉnh ủy tổ chức chỉnh huấn chính trị trong toàn Đảng, toàn quân tổng kết thắng lợi, xác định những tồn tại, khuyết điểm cần khắc phục. Từ đó tỉnh tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại thiếu sót từ cơ sở, từng chi bộ, từng đơn vị. Trên cơ sở phát huy mạnh mẽ những thành tích đạt được vừa qua mà động viên phong trào, nâng cao ý chí chiến đấu, nhất quán đường lối, phương châm; phương pháp cách mạng, đoàn kết nhất trí, thực hiện bốn bám. Phát động phong trào thi đua động viên mọi nỗ lực quyết tâm giành thắng lợi to lớn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy.
Đối với Thị ủy Kon Tum lúc bấy giờ, ta đã kiện toàn lãnh đạo và bộ máy thị xã (H5) để thống nhất lãnh đạo toàn thị xã tiến hành công tác chuẩn bị. Tăng cường lực lượng cho thị xã, lực lượng vũ trang thị đội, an ninh, đội công tác bám dân khắp các vùng ven tạo thành thế bao vây, phân tán lực lượng địch đối phó với ta để tập trung đột phá vào trọng điểm.
Bên cạnh đó còn xây dựng củng cố bàn đạp vững chắc để có thể làm chủ vào ban đêm, dễ dàng thuận lợi cho việc triển khai chuẩn bị và tiến hành tổng tiến công và nổi dậy. Đồng thời xây dựng căn cứ lõm trong nội thị, những nơi địch yếu và sơ hở để đưa cán bộ, đặc công vào bên trong, đưa vũ khí vào chuẩn bị chiến trường, quần áo, quân trang cho bộ đội…
Và như chúng ta đã biết, đêm 29 rạng sáng ngày 30/1/1968 (tức là rạng sáng ngày Mồng một tết), cùng với miền Nam, quân và dân tỉnh ta nổ súng mở màn chiến dịch, tấn công đồng loạt 23 mục tiêu quan trọng của địch tại hai vùng trọng điểm của thị xã Kon Tum và Đăk Tô-Tân Cảnh, góp phần vào chiến thắng vang dội của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Có thể nói, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 chính là nghệ thuật quân sự đặc sắc với sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công của lực lượng vũ trang ba thứ quân là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và nổi dậy của lực lượng quần chúng; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; lấy đòn tiến công quân sự làm động lực để quần chúng nổi dậy và đưa chiến trường vào tận sào huyệt của kẻ thù.
Qua đó chúng ta càng có cơ sở khoa học để khẳng định rằng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã tạo bước ngoặt quyết định trong toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, để lại những bài học lịch sử quý giá.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968 ngày càng được khẳng định, trở thành biểu tượng của ý chí chiến đấu, quyết thắng, khí phách quật cường và khát vọng hòa bình, độc lập của toàn thể dân tộc, thể hiện nghệ thuật chiến tranh cách mạng, sáng tạo vượt bậc của chiến tranh nhân dân.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay…
Dương Đức Nhuận