Vượt qua chính mình
Với việc dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và nhiều chính sách kích cầu của tỉnh, trong xu thế tăng trưởng chung của kinh tế, ngành du lịch cũng trên đà phục hồi. Tuy nhiên, để trở lại qũy đạo vốn có, đòi hỏi sự bứt phá mạnh mẽ để vượt qua chính mình.
Tối 8/7, tôi gọi điện cho L., hẹn sáng hôm sau uống cà phê mừng ngày Du lịch Việt Nam (9/7). Phải đến cuộc gọi thứ 2 Linh mới bắt máy. “Em đang dẫn khách đi thăm làng chài Ia H’Drai. Ngày mai mới về”. Tiếng L. rổn rảng qua điện thoại.
L. là một “hướng dẫn viên du lịch tự do”, tức là không hoạt động theo hợp đồng lao động; tự chủ tìm kiếm khách hàng; nhận việc theo ý muốn, không phải do sự phân công của doanh nghiệp lữ hành.
Về mặt lý thuyết là vậy. Nhưng theo L., không ai đứng “lẻ loi một mình” cả. Không bằng cách này thì cách khác, giữa các “hướng dẫn viên tự do” và doanh nghiệp du lịch, lữ hành luôn có mối quan hệ làm ăn với nhau.
Mối quan hệ này có lúc nồng ấm, có khi lạnh nhạt. Có những lúc doanh nghiệp cần người như em chạy tour để giữ khách. Tụi em cũng cần doanh nghiệp để có mối làm ăn. Nói chung, mọi người dựa vào nhau để sống- L. từng cho hay.
Tháo vát, hoạt ngôn, giao tiếp tốt, quan hệ rộng, có kinh nghiệm, biết ngoại ngữ, lại nắm vững kiến thức về lịch sử, địa lý từng vùng đất, đặc trưng văn hóa, lối sống của các dân tộc, L. khá đắt tour. Ở đâu cậu ta cũng như thổ địa vậy, có bạn bè khắp nơi- một đồng nghiệp kể.
Điện thoại chợt rung lên. L. gửi qua ứng dụng zalo cho tôi bức ảnh đang cười tươi trên một nhà bè. Không còn một L. ủ rũ thường gặp.
Nhìn gương mặt tươi tỉnh ấy, tôi nhận ra sự khác biệt rất rõ ràng trong công việc của L. nói riêng và ngành Du lịch nói chung của năm nay so với năm 2021.
|
Cách đây một năm, đúng vào ngày 9/7 năm ngoái, tôi và L. ngồi cả buổi sáng ở quán cà phê. L. thì không muốn về phòng trọ, sợ bị sự nhàn rỗi bào mòn tinh thần, và nỗi lo cơm áo đè nặng. Tôi thì thương mà ngồi lại. Dù không nói những lời an ủi, nhưng tôi tin, L. hiểu được sự chia sẻ của tôi.
Trong đại dịch Covid-19, du lịch được nhận định là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng lượng khách du lịch vào tỉnh đã giảm 54,22% so với năm 2019 (đạt 250.500 lượt khách); tổng thu từ khách du lịch chỉ đạt 120 tỷ đồng, giảm 40,36%.
Bước sang năm 2021, ảnh hưởng của Covid-19 tới du lịch cũng nặng nề hơn so với năm 2020. Đặc biệt là “cú đánh bồi” của đợt dịch Covid-19 thứ tư (từ cuối tháng 4/2021) khiến ngành du lịch tỉnh, vốn đang “yếu ớt”, càng thêm chật vật.
Toàn tỉnh có 7 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa, 154 cơ sở lưu trú du lịch (tổng số 2.191 buồng), 10 làng du lịch, điểm du lịch. Tất cả đều phải đóng cửa, ngừng hoạt động trong thời gian dài, mất doanh thu, người lao động không có việc làm nên không có thu nhập.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, cả năm 2021, toàn tỉnh chỉ thu hút khoảng 311.000 lượt khách, đạt 20,7% kế hoạch, tổng doanh thu dịch vụ du lịch 85 tỷ đồng, đạt 18,6% kế hoạch, giảm 29,2% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh ấy, những “hướng dẫn viên du lịch tự do” như L. càng thêm chật vật. Khách du lịch tự đi ít; cũng không thể trông chờ doanh nghiệp lữ hành “chia sẻ” tour, vì ngay cả họ cũng khó khăn, gần như đóng băng hoạt động, phải giảm nhân viên, tiết giảm tối đa chi phí không cần thiết.
Nhưng cơ hội “hồi sinh” đã đến với du lịch khi Chính phủ và tỉnh mở cửa, dần dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong khi các doanh nghiệp bắt tay tái cấu trúc doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết với đối tác, khảo sát các tour, tuyến, điểm du lịch để sẵn sàng cho một cuộc chơi mới, thì L. cũng háo hức chắp nối lại các mối quan hệ, củng cố lại kiến thức vốn có.
Theo L., tin vui là chính quyền và ngành chức năng đã và đang có những chính sách cụ thể hỗ trợ phục hồi du lịch; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh; liên kết xây dựng sản phẩm du lịch an toàn giữa các địa phương, các điểm đến trong cả nước. Từ đó tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành Du lịch phục hồi.
Sự vươn lên mạnh mẽ của ngành Du lịch thể hiện qua những con số thống kê ấn tượng. Uớc tính trong 6 tháng đầu năm 2022, thu hút được 785.000 lượt khách, đạt 87,2% kế hoạch và tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021; tổng doanh thu ước đạt 184 tỷ đồng, đạt 73,4% kế hoạch năm.
Chính trong những ngày “thất nghiệp” vì dịch bệnh Covid-19, L. đã nhận ra cần phải vượt qua chính mình mới có thể vượt khó thành công.
Em nhận ra xu hướng du lịch an toàn, trải nghiệm độc đáo và chân thực đang dần chiếm ưu thế. Hiện em đang chuyển hướng sang làm tour du lịch theo nhóm nhỏ; du lịch ngắn ngày; giới thiệu các hoạt động nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa, ẩm thực, trải nghiệm văn hóa bản địa- L. bật mí.
Bên cạnh đó, L. đang đăng ký theo một khóa học về công nghệ nhằm nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ trong kết nối, tìm kiếm khách hàng, và quảng bá hình ảnh du lịch Kon Tum dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại 4.0 cũng như bắt kịp xu hướng ứng dụng mạng xã hội.
|
Từ câu chuyện của L., chợt nhận ra rằng, ngành Du lịch tỉnh cũng cần vượt qua chính mình, hay đúng hơn, không nên tự hài lòng với những đang có, mà cần bứt phá, tiếp cận cái mới.
Trong đó, chú trọng tiếp cận xu hướng số hóa trong phát triển du lịch. Hiện nay, công nghệ đã và đang đóng vai trò hỗ trợ quan trọng đối với khách du lịch. Ít nhất là trong việc lập kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch chuyến đi; tìm tour, điểm đến, đặt phòng...
Vì vậy, phải đẩy nhanh việc thích ứng với chuyển đổi số để tiếp cận khách hàng; thử sức với các sản phẩm, dịch vụ mới áp dụng công nghệ; giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Mặt khác, khắc phục tình trạng đứt gãy nguồn nhân lực du lịch sau đại dịch, bằng việc rà soát, đánh giá lại nguồn nhân lực; khẩn trương xúc tiến đào tạo lại lao động thuộc lĩnh vực kinh doanh khách sạn, lữ hành, hướng dẫn viên, xúc tiến quảng bá du lịch. Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới.
Vượt qua chính mình, nắm bắt xu hướng mới, tiếp cận số hóa sẽ là những yếu tố quan trọng cho ngành Du lịch phát triển.
Thành Hưng